Cô hiệu trưởng truyền lửa cho học sinh ở lễ sinh nhật Đoàn

(Dân trí) - Tại buổi lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) đã “truyền lửa” đến học sinh bằng những chia sẻ chân tình và đi vào lòng người. Nhiều học sinh đã thực sự xúc động khi có thêm kiến thức để nhận ra giá trị sống của tuổi trẻ.

“Tháng ba - tháng thanh niên, tháng mùa xuân chín, tháng của sức trẻ tràn dâng. Cô cảm ơn các con - những nhân vật chính của ngày hôm nay, đã đem tới các vị khách quý, các thầy cô một ngày vui niềm vui trẻ lại. Và giờ đây bên nhau, chúng ta sẽ có một buổi lễ giàu ý nghĩa nhân ngày hội của Đoàn, của tuổi trẻ Việt Nam” - cô Nhiếp mở đầu bằng một sự gợi mở và gần gũi với học sinh.

Nhấn mạnh với học trò, cô Nguyễn Thị Nhiếp nói: “Có một thứ vô giá cuộc sống đem đến cho tất cả chúng ta như nhau, nhưng lại không ngừng liên tục và đều đặn lấy đi đó là thời gian. Có một thứ khi đang đầy ắp thì ai cũng vô tư hồn nhiên nhưng khi vơi đi và qua mất thì ai cũng thảng thốt, khắc khoải tiếc nuối đó là tuổi trẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ với học trò của mình trong Lễ sinh nhật Đoàn
Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ với học trò của mình trong Lễ "sinh nhật" Đoàn

Cô muốn nhắn gửi tới các con rằng ngày sinh nhật Đoàn 26/3 không chỉ là ngày tự hào ôn truyền thống, mà đó còn là ngày mỗi các con cần nhìn lại chính mình để kiểm xếp lại hành trang tri thức, kỹ năng và nhiệt huyết hướng đến tương lai. Hãy cùng thử nhẩm lại: tháng 3 của lớp 10, tháng 3 của lớp 11 và tháng 3 của lớp 12. Tháng 3 hàng năm đến, mỗi con đã nghĩ gì và sắp xếp ra sao trong hành trang của mình. Khi thời gian trôi qua, các con mới nhận ra sự nghèo nàn của tri thức là sự thiếu hụt mất mát nghiêm trọng cho tuổi trẻ; và dẫu có xót xa, hối hận thì cũng đã muộn rồi”.

Và rồi Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú đặt ra câu hỏi: Vậy làm sao để thêm hạnh phúc, chắc thành công và bớt đi những hối hận, nuối tiếc?

“Câu hỏi này, các con đã từng suy nghĩ? Nhân ngày thành lập Đoàn, chúng ta nghĩ về sống trẻ là sống có ý nghĩa để hiểu rõ và ghi nhớ các trang sử vàng của dân tộc. Tự hào là đáng quý nhưng khó hơn, cần nỗ lực hơn là chúng ta cần viết tiếp những trang sử ấy bằng cố gắng học tập, bằng sự trưởng thành và không ngừng vươn lên. Tuổi trẻ năm xưa đã giải phóng dân tộc, đã quên mình cho độc lập tự do của Tổ quốc. Tuổi trẻ của các con cần bằng trí tuệ, bằng tài năng để dựng xây đất nước với tinh thần giữ nước toàn vẹn lãnh thổ, tôn vinh bản sắc và hội nhập quốc tế trong tình hình mới” - cô Nhiếp nhắn nhủ với học trò của mình.

Cũng theo cô Nhiếp, trải qua 85 mùa xuân xây dựng, trưởng thành, đấu tranh và thắng lợi, Đoàn ta đã luôn sáng danh trên từng trang sử của đất nước. Trong 85 năm qua, nhiều người Việt Nam xuất sắc nhất, và cả những người thân thương gần gũi như cha mẹ, thầy cô giáo của các con đều có tuổi thanh xuân là những Đoàn viên tích cực, những cán bộ Đoàn gương mẫu. Cha mẹ các con và các thầy cô cũng đã trưởng thành trong ảnh hưởng tốt đẹp của tổ chức Đoàn.

“Do nghề nghiệp gắn với tuổi trẻ nên các thầy cô luôn giữ trong mình sự cháy bỏng có được từ tuổi học trò, thời sinh viên rồi đến những tháng năm rộn ràng khởi nghiệp. Với bầu nhiệt huyết ấy, theo cách riêng, thầy cô đã truyền lửa cho các con trong các bài giảng, các hoạt động giáo dục đổi mới” - người đứng đầu Trường THPT Phan Huy Chú bày tỏ.

Hơn một nghìn học sinh trường THPT Phan Huy Chú xúc động trước những chia sẻ về giá trị sống cho tuổi trẻ
Hơn một nghìn học sinh trường THPT Phan Huy Chú xúc động trước những chia sẻ về giá trị sống cho tuổi trẻ

Tiếp tục nhắn nhủ với học trò, cô Nhiếp nhẹ nhàng phân tích: Hiểu dân tộc mình, yêu đất nước mình và chủ động hội nhập là Tuyên ngôn sứ mệnh của nhà trường thể hiện rõ mục tiêu giáo dục nhân cách con người Việt Nam. Đổi mới sáng tạo không chỉ trong các giờ học chính khóa, mà còn ở tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoại khóa, đa dạng hóa hình thức dạy học. Các con đã và đang là những thành viên tích cực tham gia, trải nghiệm hàng loạt các hoạt động đổi mới giáo dục của nhà trường.

Ngày hôm nay, thêm một lần nữa các con được trải nghiệm sâu sắc hơn các hoạt động giáo dục đầy ý nghĩa đã diễn ra trong thời gian gần đây. Đó là cuộc thi “Hát Quốc ca từ trái tim mình - Vang Đoàn ca nhiệt huyết vươn xa” của 29 chi đoàn học sinh và 1 chi đoàn giáo viên; đó là chuyến học trải nghiệm liên môn "Hành trình tri ân" của học sinh khối 12 với thời gian 3 ngày trải qua các địa điểm lịch sử: Ngã Ba Đồng Lộc, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường Chín, Thành cổ Quảng Trị, Cầu Hiền Lương, Vũng Chùa. Xin khẳng định, các hoạt động đó không phải là cuộc thi hát hay, không phải là chuyến tham quan dã ngoại mà là những hoạt động nhằm giáo dục tình yêu nước trong sâu thẳm trái tim và thắp sáng nhiệt huyết tuổi trẻ vươn tới tương lai, để từ đó, mỗi Đoàn viên thanh niên thêm thấu hiểu trách nhiệm của bản thân mình, quyết tâm mạnh mẽ để học tập, rèn luyện trở thành người có năng lực và sống ân tình.

Bài múa trên nền ca khúc Cúc ơi tưởng nhớ anh linh các 10 anh hùng liệt sĩ ở Ngã Ba Đồng Lộc trong Lễ sinh nhật đoàn
Bài múa trên nền ca khúc "Cúc ơi" tưởng nhớ anh linh các 10 anh hùng liệt sĩ ở Ngã Ba Đồng Lộc trong Lễ "sinh nhật" đoàn

“Tri ân các anh hùng là yêu nước, nhưng yêu nước trong xu hướng hội nhập vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Hội nhập phải chủ động bằng trí, bằng sức và bằng tâm sáng trong mỗi người. Chúng ta đã có những thầy cô và học sinh được đi học tập, giao lưu ở nước ngoài, nhưng tâm thế hội nhập không chỉ ở những chuyến đi mà chất chứa trong lòng mỗi người, hội nhập trong mỗi ngày thường, tại chính ngôi trường của chúng ta” - cô Nhiếp dặn dò học sinh trong phần kết của lời chia sẻ.

Nguyễn Hùng (ghi)