Cô giáo trẻ đam mê viết truyện bằng tiếng Pháp

(Dân trí) - “Trong phần giảng dạy môn ngoại ngữ Pháp văn có phần dạy học trò tập viết những mẫu truyện ngắn bằng tiếng Pháp. Để rèn phản xạ truyền đạt kiến thức đến học trò, tôi bắt tay vào viết lách và đam mê khi nào không biết”.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, sinh năm 1974, giáo viên tiếng Pháp, Trường THCS Trưng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng - người hai lần đoạt giải thưởng văn học Pháp nói về cơ duyên đến với nghề viết lách.  

“Viết truyện bằng tiếng Pháp rồi tôi viết cả truyện bằng tiếng Việt, như một cách để trang trải những suy nghĩ của mình trước cuộc sống”, cô Mỹ Ngọc chia sẻ.
 
Cô giáo trẻ đam mê viết truyện bằng tiếng Pháp  - 1
Cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc đã hai lần đoạt giải thưởng văn học Pháp.

Viết truyện bằng tiếng Pháp như một phản xạ…

Tin cô Ngọc đoạt “Giải thưởng lớn về văn chương vùng Caluire et Cuire, Lyon, Pháp” do các nhà văn Pháp tổ chức dành cho các tác giả nước ngoài sáng tác truyện ngắn bằng tiếng Pháp năm 2010 không mấy bất ngờ với những ai đã từng biết đến cô. Bởi trước đó, năm 2008, cô Ngọc từng đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn “Dix mots de la Rencontre” do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức.  

Cô Ngọc tâm sự: “Viết truyện là cách tôi tự học để truyền đạt kiến thức đến học trò hiệu quả hơn. Khi viết, tôi chưa từng nghĩ đến việc tham gia cuộc thi văn học nào. Đơn giản chỉ để tôi củng cố, nâng cao kiến thức và như một cách giải trí. Rồi một lần tôi gửi tặng truyện ngắn Cây táo nhà ông Jean Lapalus cho một người bạn Pháp cùng tên mà tôi có cơ duyên quen biết khi tham gia và cùng Câu lạc bộ tiếng Pháp đi làm công tác xã hội. Ông ấy đọc và đã gợi ý hỏi tôi có thể mang truyện này và những truyện tôi viết bằng tiếng Pháp nhờ ông xem lại giúp văn phạm để gởi đi dự thi viết truyện ngắn bằng tiếng Pháp dành cho các tác giả người nước ngoài”.

Những truyện ngắn bằng tiếng Pháp của cô Ngọc không có bản dịch tiếng Việt, vì chạm tay vào bàn phím là cô viết ngay bằng tiếng Pháp như một phản xạ để rèn luyện ngoại ngữ chuyên môn. Song qua những tóm tắt, có thể cảm nhận được câu chuyện thú vị từ những tiêu đề đến những cái kết bất ngờ thú vị với đủ các đề tài từ cuộc sống như truyện Mẹ già, Trúng số, Người đàn ông lý tưởng, Cơn bão…

Cô giáo trẻ đam mê viết truyện bằng tiếng Pháp  - 2
Cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (giữa) nhận bằng chứng nhận của Ban tổ chức cuộc thi văn chương vùng Caluire et Cuire sáng 19/9/2010. (Ảnh: Công Bính)

Thông điệp gửi gắm trong truyện Thầy giáo Robot

Trong những truyện ngắn viết bằng tiếng Pháp hay viết bằng tiếng Việt của cô Ngọc đều có tình yêu văn học, tình yêu nghề và cả những cảm nhận, nghĩ suy về cuộc sống và nghề giáo. Trong đó truyện ngắn Thầy giáo Robot (viết bằng tiếng Việt) như một món quà cô Ngọc dành tặng mình và các đồng ngiệp nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm trước.   

Câu chuyện bắt đầu từ việc một trường học thử nghiệm dùng hẳn một người máy hiện đại giảng bài thay cho một cô giáo dạy Văn ở một lớp học. Những ngày đầu, học trò rất thích thú với người thầy lạ mắt: “Người máy bắt đầu giảng bài, rất khoa học và có trình tự (vì có chương trình cài đặt sẵn mà). Bài thơ  được đọc rất diễn cảm, có minh họa bằng hình ảnh đại dương bao la, từng đàn cá tung tăng bơi lội, có tiếng sóng biển, gió thổi vi vu… Lớp học im phăng phắc. Những học sinh có tiếng là chểnh mãng nhất cũng nhìn không chớp mắt. Tuy nhiên, không học sinh nào ghi chép gì cả.” Và rồi “Một tuần rồi hai tuần trôi qua, người máy vẫn lên lớp đều đặn. Vẫn giảng bài rất khoa học, rất sinh động… nhưng học sinh thì bắt đầu cảm thấy chán, đứa thì ngủ gà ngủ gật, đứa thì ném máy bay giấy loạn xạ trong lớp…”.

Kết quả bài kiểm tra thứ nhất sau lần đầu học trò được học với thầy giáo Robot, ban giám khảo đều có nhận xét chung: “Đa số học sinh không biểu hiện được xúc cảm trước cái hay, cái đẹp của một áng văn”.

Để cải tiến người máy, các nhà khoa học cài đặt thêm cho người máy phần mềm cảm xúc tương ứng với bài giảng, “Khi giảng đến cảnh chia ly, tang tóc, người máy bật khóc hu hu (Những lúc như thế, học sinh không khóc theo mà cứ cười ha hả). Khi bình giảng một tiểu phẩm hài, người máy bật cười khanh khách (còn học sinh thì nhăn mặt). Bài kiểm tra thứ 2 dĩ nhiên không mấy khả quan với đa số bài làm của học sinh “Không phân biệt được bi và hài. Cảm xúc lẫn lộn”. Trường học rút ra kết luận khó ai thay thế được người thầy trên bục giảng và mời cô giáo dạy Văn trở về với lớp cũ. Học trò vỡ òa mừng vui đón cô giáo trở lại lớp học.

Cô Ngọc tâm sự: “Truyện Thầy giáo Robot là cách tôi muốn gửi vào đó một thông điệp để tự dặn mình khi đứng trên bục giảng không chỉ truyền đạt kiến thức mà cần truyền đạt cả niềm đam mê tri thức. Một bài giảng hay không chỉ có kiến thức sâu sát mà có cả tấm lòng của người thầy đứng trên bục giảng. Tôi cảm nhận trong môi trường giáo dục hiện nay, nhiều trường học áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy với máy chiếu và giáo án điện tử như một phương tiện chính để truyền đạt kiến thức. Nhưng với tôi, đó chỉ là công cụ hỗ trợ, không ai khác ngoài người thầy là người truyền đạt kiến thức đến học trò một cách hiệu quả nhất. Lạm dụng máy móc có thể dẫn đến cách giảng dạy chủ yếu là “nhìn - chép”, không khác mấy với phương pháp “đọc - chép” mà ngành giáo dục đang nỗ lực thay đổi”.

Khánh Hiền