Cô giáo trẻ chống nạng đến trường dạy học

Từng bước, từng bước... chậm chạp nhưng chắc chắn, người phụ nữ ấy một tay cầm cặp một tay chống nạng vẫn ngày ngày dò dẫm trên những con dốc quanh co của Tây Bắc để kịp giờ lên lớp.

Hình ảnh đó của cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân đã trở nên quen thuộc đối với người dân thị trấn Yên Bình và các em học sinh Trường tiểu học Kim Đồng, Yên Bái.

32 năm sống cùng nạng sắt

14 tháng tuổi đôi chân của Vân vĩnh viễn không đi lại được vì virus bại liệt. Chính vì thế trở thành cô giáo với Vân chỉ là điều xuất hiện trong những giấc mơ. Kể cả cho đến tận bây giờ khi giấc mơ ấy đã thành sự thật, Vân vẫn cho đó là một cái may mắn mà “ông trời thương”.

Không biết những điều kỳ diệu trong các câu chuyện cổ tích có phải là sự thật? Nhưng cái “may mắn” mà Vân có được có lẽ là nhờ chính nghị lực và khát vọng sống phi thường của Vân mang đến.

32 tuổi, cũng là ngần ấy quãng thời gian người phụ nữ này sống cùng đôi nạng sắt. Không biết bao nhiêu lần những giọt nước mắt ướt đẫm những trang sách vì tủi hờn và cũng không nhớ nổi bao lần “đôi chân sắt” của cô bất lực trên chặng đường theo đuổi con chữ của mình. Kể về những kỷ niệm đó, Vân chỉ cười, đôi mắt không giấu được hạnh phúc bởi lẽ đối với cô mọi khó khăn vất vả chẳng là gì so với niềm vui được đến lớp mỗi ngày.

Thời gian học ở Khoa Ngoại ngữ - Viện đại học Mở  Hà Nội, có lúc không nhờ được bạn lai đến trường Vân nhịn ăn sáng để bắt xe ôm cho kịp giờ học. Lớp trên tận tầng 5, hai đôi nạng sắt, bước chân cô bé cứ dò dẫm từng bậc cầu thang.

Vân ngã ít lắm, mà lần nào ngã Vân cũng tự đứng dậy lại tiếp tục đi tiếp... Cô không thích bạn bè quan tâm quá mức, bởi lẽ cô muốn mình là một người bình thường, cô muốn đi bằng chính nghị lực của bản thân. Cái dáng bé nhỏ mỗi lẫn bước lại như lệch hẳn về một bên khiến bất cứ ai trông thấy cũng không giấu nổi niềm thương cảm.

8 năm “chống nạng” dạy học

Tốt nghiệp với tấm bằng khá, không theo đuổi công việc mà bố mẹ đã vạch sẵn ở Hà Nội, cô gái trẻ tình nguyện  xin về quê dạy học, gắn bó cuộc đời mình với những đứa trẻ nghèo vùng cao.

Cảm xúc của ngày đầu tiên đứng lớp như vẫn còn nguyên vẹn trong Vân: “Tôi vừa sợ, vừa lo vừa vui mừng khôn xiết... Vui vì ước mơ đã thành sự thực nhưng lo vì sợ các em có thành kiến đối với những người khuyết tật như mình”.

Lần đó, không chỉ riêng Vân lo mà các thầy cô trong Ban giám hiệu cũng lo không kém, đích danh cô hiệu phó đã phải đến từng lớp để kể về hoàn cảnh của cô Vân cho các em học sinh. Nhưng thật bất ngờ, trái với những gì Vân đã tưởng tượng các em học sinh đều rất ngoan và chăm chỉ, ngày hôm đó cô giáo trẻ đã không giấu được những giọt nước mắt vì hạnh phúc.

Quãng thời gian từ lần đầu tiên ấy cho đến bây giờ cũng đã được 8 năm... 8 năm kể sao cho hết những vui buồn của một cô giáo chống nạng dạy học. Khó khăn nhất là lần Vân có em bé đầu lòng, đoạn đường từ nhà đến trường tuy ngắn nhưng không biết bao nhiêu lần Vân bị ngã, có lần nặng  bị động thai  phải nghỉ dạy. Thế nhưng ở nhà mấy hôm, vắng các em,  nhớ lớp nhớ trường Vân lại tiếp tục chiếc nạng sắt quen thuộc cùng với những bài giảng của mình.

Và kỳ lạ thay, sự tận tâm và nhiệt huyết trong những lời  giảng của cô giáo trẻ luôn làm các em học sinh bị lôi cuốn và say mê. Đi lại khó khăn nên không  kèm cặp, chỉ bảo được cặn kẽ từng em một nhưng trái lại Vân luôn có phương pháp dạy học của riêng mình. Với Vân, làm sao để các em thích học, ham học, say học chứ không phải là bị ép học, phải học. Trong giờ tiếng Anh của cô, các em học sinh rất sôi nổi và hào hứng. Có lúc cô dạy từ mới bằng một bài hát tiếng Anh, có lúc lại là một trò chơi hay một đề tài thảo luận.

Cô giáo trẻ chống nạng đến trường dạy học - 1
Cô Vân miệt mài tìm tài liệu trên mạng cho những bài giảng của mình.

Xúc động nhất là mỗi lần mùng 8/3 hay 20/11 các em thường tự tay làm tặng cô những tấm thiệp ghi lời chúc xinh xắn. Có em, còn đòi cô giáo đứng yên để làm người mẫu. Bức tranh tuy chỉ là những nét vẽ ngượng ngịu nhưng vẫn được cô Vân nâng niu và giữ gìn cẩn thận.

Nếu ai có dịp chứng kiến cảnh các em học sinh ùa ra mỗi khi cô giáo Vân đặt chân đến cổng trường thì mới có thể thấy hết được sự yên mến của những đứa trẻ vùng cao nơi đây. Em thì cầm cặp, em thì đỡ cô giáo, có em chỉ đi cùng chuyện trò để chặng đường của cô đến lớp bớt gian nan.

Mới đây, trong đợt thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện môn Anh văn lần đầu tiên được tổ chức, cô vinh dự giành được giải nhì. Nói về cô, cả học sinh lần đồng nghiệp đều không giấu khỏi niềm tự hào. Cô Nguyễn Thị Tảo - Hiệu trưởng Trường Kim Đồng nói: “Lúc đầu tiên khi nhận cô giáo Vân về trường, mọi người trong Ban Giám hiệu đều lo lắng và ái ngại nhưng sự lo lắng ấy dần dần đã biến thành sự khâm phục. Đó là một cô giáo, một người phụ nữ có nghị lực phi thường. Giao cho nhiệm vụ nào cũng hoàn thành mà hoàn thành rất tốt. Sắp tới, nhà trường cũng cử cô Vân đi học lớp cảm tình Đảng”.

“Với tôi, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc nhất”

Có lẽ câu chuyện về mối tình của vợ chồng cô giáo Vân đã trở thành một “thiên tình sử”  đẹp mà người dân nơi đây vẫn thường trầm trồ xuýt xoa. Chồng cô cũng là một người khuyết tật, họ gặp nhau trong một lần đi phẫu thuật ở bệnh viện tình thương Nam Định.

Sự dịu dàng và nghị lực mạnh mẽ của cô giáo miền núi đã thực sự làm lay động trái tim của chàng trai miền đồng bằng. Tình yêu của họ cũng nồng nàn, tinh khiết như bông hoa ban giữa rừng Tây Bắc. Căn nhà nhỏ, dường như không lúc nào là ngớt tiếng nói cười.
 
Cô giáo trẻ chống nạng đến trường dạy học - 2
Niềm vui bên chồng và con trai.
 
Vân vẫn thường cười và nói trêu: “Ông xã của mình có lẽ là người đàn ông tuyệt vời nhất hành tinh”. Mỗi lần như thế đôi mắt của cô lại rạng ngời hạnh phúc. Khi đứa con đầu lòng chào đời căn nhà nhỏ của Vân lại càng trở nên ấm áp. Bé Trường Phước bây giờ đã được 6 tuổi, kháu khỉnh, thông minh và rất lém lỉnh. Hai vợ chồng Vân coi đó như một món quà tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban tặng.

Sau mỗi lần lên lớp, trở về nhà Vân lại đảm đang trong vai trò một người vợ, một người mẹ. Anh Nhương không giấu nổi tự hào khi kể về vợ mình: Vân nấu ăn khéo lắm, có những món ăn mà có khi hai bố con chỉ đợi mẹ đi dạy về để chế biến. Nghe bố nói thế cu Phước cũng nhoẻn miệng cười tán thành.

Có nhìn Vân chăm sóc cho chồng mới thấy được tình yêu cô dành cho chồng mình lớn đến thế nào. Với cô, gia đình luôn là điểm tựa mạnh mẽ nhất trong cuộc sống.

Giữa cái nắng gay gắt của  tiết trời đầu hè, cái dáng bé nhỏ của cô giáo Vân lại kiên trì dò dẫm với những bài giảng của mình. Cô giống như bông Hoa ban vẫn kiêu hãnh khoe mình làm đẹp cho đời giữa núi rừng Tây Bắc.

Theo Hà Trang
VnMedia