Thanh Hóa:

Cô giáo H'Mông với quyết tâm mang ánh sáng tri thức về bản

Nguyễn Thùy

(Dân trí) - Dù ăn không đủ no, mặc không đủ ấm và có những ngày phải địu em đến lớp trông nhưng cô gái H'Mông Sung Thị Tông chưa bao giờ nản lòng theo đuổi ước mơ được làm cô giáo mang chữ về bản làng.

Vượt hàng trăm km, phải mất nửa ngày băng rừng, qua những con suối chảy xiết, ngọn núi cao, con dốc thẳng đứng, đất trơn trượt, đá gồ ghề, những khúc cua tay áo hiểm trở…, chúng tôi mới đến được bản Xía Nọi nơi cô Sung Thị Tông cắm bản.

Cô giáo HMông với quyết tâm mang ánh sáng tri thức về bản - 1

Sau 3 năm chính thức trở thành cô giáo, cô Tông đã được điều động về dạy học chính nơi cô bập bẹ những con chữ đầu đời.

Cô Tông là giáo viên Trường Mầm non Sơn Thủy (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) - một trong những giáo viên vừa được vinh danh trong Đại hội thi đua yêu nước toàn ngành Giáo dục năm 2020.

Ước mơ làm cô giáo nhen nhóm từ đói nghèo

Cô giáo người H'Mông Sung Thị Tông (SN 1995) sinh ra và lớn lên ở bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Cô Tông từng là một trong bảy đứa trẻ may mắn nhất ở bản Xía Nọi được cắp sách đến trường.

Cái đói khiến trẻ con nơi Tông ở không mặn mà với con chữ. Khi lớp học ở nơi thâm sơn cùng cốc này chỉ là những tấm gỗ che chắn hở trước hở sau, mùa hè nắng rọi vào đầu, mùa đông gió thốc lạnh cắt da thịt thì những đứa trẻ nơi đây cần chỉ là làm sao no được cái bụng. 

Cô giáo HMông với quyết tâm mang ánh sáng tri thức về bản - 2

Con đường đến với lũ trẻ dù khó khăn cũng không khiến cô giáo H'Mông này nản lòng.

Không biết chữ, không biết tiếng phổ thông, bọn trẻ cứ tầm 13-15 tuổi là lấy chồng, lấy vợ rồi lại sinh ra những đứa con cũng không biết chữ, cũng lặp lại cuộc đời đói nghèo, lạc hậu.

Chứng kiến cảnh đó, Tông đã ước mình trở thành cô giáo để mang ánh sáng tri thức đến với bản làng mình.

Dù cuộc sống của Sung Thị Tông lúc đó ăn không đủ no, mặc không đủ ấm và có những ngày phải địu em đến lớp trông chừng nhưng cô chưa bao giờ nản lòng theo đuổi ước mơ. 

Cô giáo HMông với quyết tâm mang ánh sáng tri thức về bản - 3

Ước mơ trở thành cô giáo từ chính tình thương với lũ trẻ nơi cô sinh ra.

Sau bao cố gắng, vượt qua những hủ tục, vượt qua những khó khăn, cơ cực, cô gái trẻ Sung Thị Tông cũng thực hiện được ước mơ đậu vào khoa Sư phạm Mầm non của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). 

Mang con chữ về bản làng

Năm 2016, Tông chính thức trở thành cô giáo và được phân công về dạy tại điểm chính của Trường mầm non Sơn Thủy. Hai năm sau, cô xung phong lên điểm trường Mùa xuân cách trung tâm xã 27km và cách trung tâm huyện 67km.

Cô giáo trẻ này hiểu rằng, nơi ấy có những đứa trẻ cũng cơ cực, lấm lem mặt mũi trong cái đói đến trường như chính bản thân cô của gần 20 năm trước.

Cô giáo HMông với quyết tâm mang ánh sáng tri thức về bản - 4

Cô Tông chăm sóc những đứa trẻ giống như con cái mình khiến chúng xem trường như là nhà, cô giáo như mẹ hiền.

Để đến với lũ học trò ở điểm trường Mùa xuân, cô Tông phải vượt qua quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm và có nhiều đoạn chiều ngang con đường chỉ khoảng nửa mét, một bên là núi, một bên là vực. Nếu đi không cẩn thận sẽ rơi xuống vực bất cứ lúc nào. 

Nếu trời không mưa, cô Tông sẽ đi xe máy mất hơn 5 giờ, còn gặp trời mưa, đường trơn trượt chỉ có thể đi bộ sẽ mất một ngày trời. Nhưng những khó khăn đó không là gì đối với cô giáo này.

Cô giáo HMông với quyết tâm mang ánh sáng tri thức về bản - 5

Lớp học 16 đứa trẻ của cô giáo Tông gồm 3 độ tuổi 3-4-5.

Sau 1 năm giảng dạy tại bản Mùa Xuân, cô Tông lại được điều chuyển công tác về chính nơi mình bập bẹ những con chữ đầu đời - bản Xía Nọi.

Lớp học của cô giáo Tông là 16 đứa trẻ ở cả 3 độ tuổi 3-4-5. Mỗi lần đến giờ học, chúng ngồi ngay ngắn trên những chiếc chiếu cũ thành ba hàng rồi ê a hát hoặc tô màu theo cô giáo.

Để những đứa trẻ Mông có thể học tiếng phổ thông, cô giáo Tông phải cùng lúc nói hai thứ tiếng, sau tiếng phổ thông sẽ lại phiên âm sang tiếng H'Mông để cho chúng hiểu.

Cô giáo HMông với quyết tâm mang ánh sáng tri thức về bản - 6

Để những đứa trẻ có thêm quần áo để mặc, đồ chơi, cô giáo trẻ ngoài nỗ lực “gieo chữ” còn cố gắng tìm mọi cách để kết nối với các đơn vị, cá nhân giúp đỡ điểm trường từ bàn ghế đến đồ dùng học tập, đồ chơi.

Ngoài ra, cô mày mò sử dụng giấy màu, tận dụng nguyên liệu có sẵn ở địa phương như vỏ cây, bột hạt, lá rừng, sỏi, nhờ cha mẹ học sinh phụ giúp để trang trí lớp học. Những màu sắc, hình ảnh ngộ nghĩnh đã hấp dẫn lũ trẻ, đó chính là động lực để chúng yêu trường, yêu lớp mà không đòi bỏ học.

Cô giáo HMông với quyết tâm mang ánh sáng tri thức về bản - 7

Với những nỗ lực không mệt mỏi, mới đây, cô giáo Sung Thị Tông vinh dự được đại diện cho ngành Giáo dục huyện Quan Sơn đi dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa và dự Đại hội thi đua yêu nước toàn ngành Giáo dục, được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT...