Cô giáo dạy Văn tha thiết “Hãy trả điểm 10 về vị trí xứng đáng”

(Dân trí) - Nhiều người quá cuồng tín điểm 10 nhưng ngược lại cũng không ít người tỏ ra bất cần. Cô giáo Nguyễn Khánh Ly ở Nghệ An trăn trở về cả hai thái cực "đối đầu" về điểm 10 này.

Mới đây, cô giáo trẻ Nguyễn Khánh Ly, giáo viên Văn Trường THPT chuyên ĐH Vinh, Nghệ An đã có bài viết đưa ra nhiều nhiều góc nhìn để trả lời cho câu hỏi làm đau đầu nhiều người: Điểm 9, 10 có nên là một phần trong hệ thống mục tiêu, động lực, niềm khao khát... của những đứa trẻ?

Điểm 10 là để chinh phục, không phải để "sản xuất". 

Cô giáo Nguyễn Khánh Ly khẳng định, cá nhân mình, một cách thành thật và dứt khoát, luôn mong muốn con hướng đến và nỗ lực để đạt được điểm 9, 10 trong kì thi.

Cô giáo dạy Văn tha thiết “Hãy trả điểm 10 về vị trí xứng đáng” - 1

Cô giáo Nguyễn Khánh Ly 

Bản thân điểm 9, 10 là một trong những thước đo để đánh giá kết quả con đã đạt được sau một hành trình cố gắng, chinh phục các môn học. Nó là phần thưởng, là thông điệp con đã hoàn thành tốt, nỗ lực của con đã được ghi nhận.

Con không phải người hoàn hảo nhưng hoàn toàn có thể đạt được điều hoàn hảo nếu quyết tâm và chăm chỉ. Vậy tại sao lại không vui? Lại không trân trọng?

Cô Khánh Ly cho rằng, thích điểm 10 không phải lúc nào cũng là biểu hiện của bệnh thành tích, của thói quen khoe mẽ, hình thức - nếu nó là điểm 10 thực chất. Ngày cô đi học, điểm 9, 10 luôn dành cho những bạn xuất sắc nhất. Khi đó, cô rất ngưỡng mộ các bạn. Bây giờ, điểm 10 cũng khiến con cô vui vẻ, tíu tít cả ngày...

Vì yêu quý điểm 10 như thế nên cô Nguyễn Khánh Ly thấy buồn lòng với việc cho điểm 10 một cách ban phát, "phổ cập" dễ dãi như hiện nay. Có thể cả lớp đồng loạt điểm 10 - đồng nghĩa rằng bạn nào cũng giỏi nhất, nỗ lực nhất và khả năng như nhau.

"Chúng ta đang có "quy trình sản xuất" điểm 10 chứ không phải là hành trình chinh phục điểm 10 " - cô giáo Nguyễn Khánh Ly

Theo cô, trong giáo dục không bao giờ có hiện tượng đồng loạt như thế vì khả năng, sở trường của mỗi người là khác nhau, mức độ nỗ lực lại càng khác. Trừ khi để đạt được điều ấy, các con đã cùng được luyện một vài bài Toán mẫu giống nhau, một vài bài văn mẫu giống nhau và đọc thuộc bài đọc tiếng Anh mà giáo viên giới hạn trong một vài trang sách. 

Đó là "quy trình sản xuất" điểm 10, chứ tuyệt không phải là hành trình chinh phục điểm 10.

Quy trình ấy làm cho điểm 10 trở thành vô duyên, vô nghĩa! Sự nỗ lực của các con bị rẻ rúng, bị phản bội. Nó làm cho một số phụ huynh nhầm tưởng về khả năng của con và một số khác cảm thấy thất vọng, bực bội, ê mặt vì con mình quá kém cỏi. Dù bài con chỉ sai 1, 2 lỗi và đạt điểm 8, 9! 

"Từ lúc nào mà điểm 5, 6, 7 bị tuyệt chủng trong nấc thang đánh giá? Từ lúc nào điểm 10 là Bình thường, 9 là Kha khá và 8 là Yếu kém? Từ lúc nào điểm 10 bị ghét bỏ, khinh thường, lên án?", cô Ly tâm tư.

Đừng nói với con không cần điểm 10 

Cô Nguyễn Khánh Ly nêu quan điểm, không đạt được điểm 10 là điều hết sức bình thường nhưng điểm 9, 10 vẫn nên là khao khát và động lực, niềm vui của con trẻ trong học tập, cần được trân trọng. 

Tất nhiên, ngoài niềm vui đó, con sẽ có muôn vàn niềm vui khác. Ngoài động lực đó, con sẽ có muôn vàn động lực khác. Và tất nhiên rằng, kể cả con không đạt được điểm 9, 10 trong môn học thì con vẫn có thể đạt được thành tích ở những lĩnh vực khác.

Cô giáo dạy Văn tha thiết “Hãy trả điểm 10 về vị trí xứng đáng” - 2

Một lớp ở TP Vũng Tàu có 42/43 học sinh đạt học lực giỏi.

Và ngay cả khi con không đạt được thành tích tốt nhất ở bất kì lĩnh vực nào khác thì điều đó cũng hoàn toàn bình thường. Vì đa số chúng ta đều bình thường, bố mẹ cũng thế. Cha mẹ cũng không ai hoàn hảo, sao lại bắt con phải hoàn hảo?

Theo cô Khánh Ly, điểm 9, 10 cần trả lại vị trí xứng đáng của nó để người đạt được không cảm thấy thờ ơ hay hổ thẹn. Đừng khuyên con "Bằng mọi giá có điểm 10" nhưng cũng đừng nói với con rằng "con không cần điểm 10". 

Là người đi dạy, cô nhìn thấy sự thờ ơ của học sinh, không thèm nỗ lực trong đó có một phần lý do từ việc bố mẹ cho rằng con không cần phải đạt thành tích này, kết quả nọ. Mong con đạt được điểm tốt (điểm thực chất) cũng là trân trọng và tin vào khả năng của con. Niềm tin ấy có thể là động lực - chứ không hoàn toàn là áp lực.

Bản thân cô là một giáo viên và cũng là một phụ huynh, cô vẫn nói với con rằng hãy cố gắng đạt điểm 10 bằng sự nỗ lực và trung thực của mình.

Cô Ly chia sẻ thêm, điều cô mong muốn là hãy đánh giá theo thang điểm 5, 6, 7, 8, 9, 10 đúng năng lực của các con và sự trung thực, khách quan trong giáo dục. Để bạn nào được 9, 10 cảm thấy tự hào về nỗ lực của mình và những bạn đạt điểm 7, điểm 8 đã là rất tốt. 

Đặc biệt, cô muốn nhấn mạnh điểm số là động lực để ta hướng đến bằng nỗ lực của của mình, không phải là cái để so sánh hơn thua của con trẻ. 

"Tạo động lực nhưng không gây áp lực luôn là một bài toán khó nhưng nhất định phải giải với giáo dục gia đình và nhà trường hiện nay", cô Khánh Ly nói. 

Hoài Nam