Cô gái nhỏ bé và những chuyến đi lớn

(Dân trí) - Là đại diện trẻ duy nhất của Việt Nam và châu Á tham dự hội nghị thượng định Rio+20 về phát triển bền vững ở Rio de Janeiro, không ai nghĩ Tường Huyền Trâm, một cô gái bé nhỏ lại sở hữu những chuyến đi cùng với quyết tâm lớn về một hành tinh xanh.

Nhắc đến Tường Huyền Trâm, sinh viên các khoa Pháp của trường đại học Ngoại Thương (FTU) không giấu được niềm tự hào. Hiện là sinh viên năm 3 của khoa Kinh tế đối ngoại và chủ tịch CLB tiếng Pháp (CFE) của trường Ngoại Thương, niềm đam mê tiếng Pháp của Trâm đã giúp cô thực hiện được nhiều giấc mơ của mình, trong đó có những chuyến đi quý giá và cũng là cơ hội để Trâm thể hiện sự năng động của thế hệ người Việt trẻ cũng như quảng bá vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế.

 

Cô gái bé nhỏ và những chuyến đi lớn

Cô gái bé nhỏ và những chuyến đi lớn
 

 

Chuyến đi lớn đầu tiên của Trâm bắt đầu vào hè năm 2011, khi mà cô được chọn làm một trong 3 đại diện của Việt Nam tham dự khóa học hè ở Mauritania ở châu Phi do Cộng đồng Pháp ngữ (OIF) tổ chức. Để được tham gia khóa học này, Trâm đã phải trả lời 4 câu hỏi viết của ban tổ chức về quyền bình đẳng và nhất là chủ đề di dân đang rất nóng.

 

Chuyến đi đầu tiên của Trâm không hề suôn sẻ do những rắc rối về thủ tục và chuyện đi lại. Mauritania chưa có Đại sứ quán ở Việt Nam nên việc xin visa là rất khó và mất nhiều thời gian Tuy nhiên, may mắn là Bộ trưởng Ngoại giao Mauritania đã cấp cho các bạn tham gia một loại giấy thông hành đặc biệt để có thể lưu trú tại nước sở tại trong khoảng thời gian diễn ra trường học mùa hè.

 

Trong 6 ngày tuyệt vời ở đất nước Mauritania, Trâm đã có nhiều trải nghiệm thú vị. Một trong số đó là khi Huyền Trâm được cùng đoàn đến thăm sa mạc Sahara. Ở mỗi vị trí định trước sẽ được đào một cái hố sâu để chứa 20 lít nước và mỗi người trong đoàn sẽ tự tay trồng một cái cây ở đó. Sahara trong kỉ niệm của Trâm là một vùng sa mạc nhiều nắng gió và rộng ra đến ngút tầm mắt, khắp nơi được bao phủ bởi màu vàng đặc trưng của cát mà bất cứ ai cũng không thể quên.

 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Trâm là vào đêm giao lưu văn hóa, để giới thiệu về Việt Nam, đoàn Việt Nam (Trâm tham dự cùng 2 chị nữa) đã hát và múa bài “Bonjour Vietnam” trong tà áo dài truyền thống và nón lá. Tiết mục thành công đến nỗi sau khi kết thúc, bạn bè quốc tế đứng dậy vỗ tay không ngớt và yêu cầu Việt Nam biểu diễn thêm một lần nữa.

 

Quả thực, giấy phút đó, có một niềm tự hào lớn lao về quê hương mình trong Trâm và hiển nhiên, Trâm đã để lại trong lòng bè bạn quốc tế về một Việt Nam đẹp đẽ, duyên dáng, cởi mở và thân thiện.

 

Cô sinh viên trường Ngoại Thương đại diện cho Việt Nam tại Rio +20


Cô sinh viên trường Ngoại Thương đại diện cho Việt Nam tại Rio +20
 

 

Đến tháng 3 năm 2012, Huyền Trâm lại tiếp tục được chọn làm đại diện cho Việt Nam đi tham dự diễn đàn thế giới về nước tại thành phố Marseilles (Pháp) . “Diễn đàn Thế giới về nước” năm nay với chủ đề "Góp phần vào sự hợp tác và hòa bình để quản lý tối ưu các lưu vực sông xuyên biên giới" . Tham gia Đại nghị lần này co 80 bạn trẻ đến từ 71 quốc gia, mọi người được làm việc theo nhóm, và các nhóm sẽ được sắp xếp theo lưu vực sông.

 

Huyền Trâm chia sẻ: “Mình được xếp cùng nhóm ‘Lưu vực sông châu Á’ với bốn bạn nữa đến từ Uzbekistan, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc. Mỗi nhóm như vậy sẽ cùng lên kế hoạch cho một dự án triển khai trong vòng ba năm. Vì diễn đàn có rất nhiều chuỗi các chương trình chạy song song nhau nên mỗi người tuỳ theo vấn đề mình quan tâm mà sẽ lựa chọn tham gia các chương trình, hội thảo phù hợp.

 

Ý thức được việc nguồn nước của Việt Nam đang bị ô nhiễm nặng nề, nhiều người dân thiếu nước sạch dùng và suy thoái nguồn tài nguyên quý giá này càng sâu sắc, mình quyết tâm góp một phần tiếng nói nhỏ bé của mình vào diễn đàn thế giới về nước lần này để thể hiện sự quan tâm của giới trẻ Việt Nam đến một trong những vấn đề nóng của thế giới từ nhiều năm trở lại đây”.

 

“Điều mình nhớ nhất là ngày thứ tư ở Pháp, mọi người trong Đại nghị được phát biểu tuyên ngôn trước báo giới, được nói tên quốc gia mình bằng tiếng mẹ đẻ . Đó là cảm giác hạnh phúc xen lẫn với niềm tự hào vô cùng lớn khi mình đọc lên cái tên “Việt Nam” trước hàng trăm người ở một đất nước khác…”, Trâm hào hứng chia sẻ về những kỷ niệm quý giá của mình.

 

2012 có lẽ là một năm tuyệt vời của Huyền Trâm khi mà cô liên tiếp được tham dự các diễn đàn trẻ quốc tế với những vấn đề mà cả thế giới đang quan tâm. Trong khi bạn bè cùng lớp bước vào mùa thi cử căng thẳng thì Trâm đang ở Rio de Janeiro, Brasil để tham dự hội nghị thượng đỉnh Rio +20 về phát triển bền vững với chủ đề "Tương lai chúng ta muốn" (The Future We Want).

 

Khi nhận được thư báo là đại diện duy nhất của Việt Nam và Châu Á tham dự hội nghị này, Trâm cảm thấy lâng lâng hạnh phúc vì ngoài chuyến đi xa mơ ước, cô còn có thể đóng góp những ý  tưởng của mình để cải thiện tình hình môi trường hiện nay của thế giới. Việt Nam, một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự nóng lên của Trái Đất và biến đổi khí hậu nói “CÓ” với phát triển bền vững! Đó là thông điệp mà Huyền Trâm mang đến Rio +20.

 

Rio + 20: Việt

Rio + 20: Việt Nam nói Có!
 

 

“Vì cuộc sống là không chờ đợi” là câu nói mà Huyền Trâm đặc biệt yêu thích. Có xê dịch và trải nghiệm mới thấy mình đã trưởng thành hơn nhiều. Có theo đuổi những hành trình khác nhau mới thấy mình cần phải cố gắng làm được những điều có ý nghĩa. Chia tay Rio de Janeiro – nơi đã thổi bùng lên trong cô sinh viên năm 3 FTU ngọn lửa của nhiệt huyết và hành động, Huyền Trâm tất tả chuẩn bị bay sang Quebec, Canada để đại diện cho Việt Nam tham dự diễn đàn thế giới về tiếng Pháp, ngôn ngữ mà cô gắn bó và đam mê sau tiếng Việt.
 

* “Thông qua bài viết này, mình muốn gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến thầy giáo dạy tiếng Pháp của mình là NSƯT – TS Hà Văn Riễn, cô giáo Trần Phùng Kim và ba mẹ, những người đã ủng hộ và tạo điều kiện cho mình được tham gia những chuyến đi này” (Tường Huyền Trâm)

                                          

Phương Tú