Chuyên gia Y tế: Phải cho trẻ em trở lại trường, nếu không chúng ta có lỗi

Mỹ Hà

(Dân trí) - Trên đây là ý kiến của nhiều chuyên gia Y tế tại Hội thảo trực tuyến về tổ chức dạy học trực tiếp an toàn chống dịch, do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19/1.

Không thể chờ đợi thêm nữa

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia Y tế cho rằng, không thể chờ đợi thêm nữa, đây là thời điểm phù hợp để đưa trẻ em trở lại trường học.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, ông ủng hộ việc mở cửa trường học trở lại bởi chúng ta đã có tỷ lệ bao phủ vaccine 2 mũi gần 100%. 

Trẻ em 12-17 tuổi cũng được bao phủ vaccine và sắp tới chuẩn bị tiêm cho đối tượng trẻ em từ 5-11 tuổi. 

Về phía Bộ Y tế, sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT để ban hành các nội dung an toàn cho học sinh khi trở lại trường. 

GS, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cũng khẳng định, hiện nhiều người đặt câu hỏi: "Bao giờ mới an toàn trở lại"?

Chuyên gia này cho rằng, câu hỏi này hoàn toàn có lý nhưng thực tế hiện nay, chúng ta chỉ có thể chọn thời điểm an toàn nhất chứ không phải an toàn tuyệt đối.

Do đó, ông khẳng định, đây thực sự là thời điểm phù hợp để đưa học sinh trở lại trường học bởi nếu kéo dài hơn nữa thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại. "Phải lo cho trẻ em đi học trở lại, nếu không chúng ta có lỗi", GS Trí nói.

Cũng theo GS Nguyễn Anh Trí, để học sinh trở lại trường an toàn, cần nhất ở ba công đoạn: Ở nhà, trên đường đi và tại trường học.

Chuyên gia Y tế: Phải cho trẻ em trở lại trường, nếu không chúng ta có lỗi - 1

Đây thực sự là thời điểm phù hợp để đưa học sinh trở lại trường học bởi nếu kéo dài hơn nữa thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại (Ảnh: Mỹ Hà).

Trong đó, công đoạn ở nhà quan trọng nhất bởi mỗi gia đình có một lối sống khác nhau, cách thức phòng chống khác nhau. Do vậy, trước hết mỗi gia đình phải thực sự an toàn, sau đó mới đến các phương án chống dịch ở nhà trường nếu học sinh đi học trực tiếp.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế cũng khẳng định, ông ủng hộ chủ trương mở cửa trường học bởi việc học trực tuyến lâu dài rất ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng học tập của giáo viên, học sinh sinh viên.

Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng, sau 2 năm chống chọi với dịch, chúng ta đã biết rõ cơ chế lây truyền nên có các biện pháp bảo vệ cá nhân, bảo vệ cộng đồng, không còn "hoang mang" như thời kỳ đầu của đại dịch.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ, nếu có lây lan trong trường học vẫn an toàn hơn việc lây lan trong cộng đồng. Do đó quan điểm của ông cần thiết phải mở cửa trở lại, không để học online quá lâu.

Đại diện Tổ chức UNICEF tại Việt Nam cũng hoan nghênh chủ trương của Việt Nam khi tái mở cửa trường học, bảo vệ thể chất cho các em.

Chuyên gia này cũng chỉ ra, hiện thế giới có khoảng 600 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và không thể đến trường học.

Nhiều bằng chứng cho thấy, trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều khi đóng cửa trường học như: Tảo hôn, bạo lực gia đình… vì các em bị ngắt khỏi các mối quan hệ bạn bè, giáo viên.

Vì vậy, không thể chờ đợi thêm được nữa và bà mong muốn, chờ đợi những khuôn mặt tươi vui khi đón các em trở lại trường.

Chuyên gia Y tế: Phải cho trẻ em trở lại trường, nếu không chúng ta có lỗi - 2

Nhiều nơi, trẻ em không được đến trường hoặc đến trường rất ít đã tác động đến sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh (Ảnh: L. Vân).

Tỷ lệ mắc Covid trong trường học rất thấp

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong 2 năm qua, ngành giáo dục đã điều chỉnh hoạt động dạy học để thích ứng với dịch. Những nơi an toàn dạy học trực tiếp, nơi nào dịch phức tạp thì dạy trực tuyến kết hợp truyền hình.

Nhiều nơi, trẻ em không được đến trường hoặc đến trường rất ít đã tác động đến sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh.

Hiện nay, cả nước đã tiêm vaccine đạt tỉ lệ cao, người dân cũng nâng cao hiểu biết về phòng, chống dịch. Chính phủ cũng chỉ đạo cần thiết xem xét việc mở cửa trường học thích ứng an toàn và có điều chỉnh linh hoạt từng thời điểm nhằm phù hợp với dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT cho biết, đợt bùng phát lần thứ 4, toàn ngành có 130.014 cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên mắc Covid-19. Đến nay, có khoảng 4.800 giáo viên, học sinh đang điều trị.

Trong khi đó, học sinh và giáo viên được tiêm vaccine hiện đạt tỉ lệ khá cao. Mũi 1 cho trẻ 12-17 tuổi đạt hơn 90%; mũi 2 đạt 72,2%; Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vắc-xin mũi 2 đạt 82%; mũi 3 đạt 28,2%.

Tại TPHCM, số lượng học sinh từ khối 7 đến khối 12 đi học trực tiếp đạt tỷ lệ 98,48%.

Qua 20 ngày tổ chức học trực tiếp có 130 trường hợp nhiễm là giáo viên, nhân viên và học sinh. Tỉ lệ lây nhiễm là 0,002% Tất cả các trường hợp đã được xử lý theo kịch bản xây dựng nên việc dạy và học tại các trường vẫn triển khai bình thường.

Tại Bắc Giang, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch đa số trường học đã mở cửa và tỉ lệ lây nhiễm tại trường học rất thấp, chỉ khoảng 0,009%.

Theo thống kê, tuần đầu tháng 1, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp.

Đến ngày 15/1, có 43/63 tỉnh/thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trở lại; có 46/63 tỉnh/thành phố cho học sinh tiểu học đến trường chiếm tỉ lệ 57,38% học sinh tiểu học/cả nước; 53/63 tỉnh/thành phố cho học sinh THCS, THPT (nhất là học sinh khối lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp chiếm tỉ lệ 69% học sinh/cả nước.

Dự kiến đến ngày 7/2, có thêm 8 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp.