Chuyên gia "mách nước" cách dạy và học trực tuyến lớp 1 hiệu quả

Kiều Phương

(Dân trí) - Để trẻ lớp 1 học trực tuyến hiệu quả, cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu đặc điểm tâm lý cùng những khó khăn mà trẻ vướng phải trong quá trình học online, từ đó đưa ra chiến lược, giúp con tự tin.

Ngày 3/9/2021, ĐHQGHN đã tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề "Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến".

Tham gia buổi tọa đàm có PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN và TS. Nguyễn Quang Tiệp - Trưởng Bộ môn Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN.

Chuyên gia mách nước cách dạy và học trực tuyến lớp 1 hiệu quả - 1
Tham gia buổi tọa đàm có TS. Nguyễn Quang Tiệp (ngoài cùng phía bên trái) và PGS.TS Trần Thành Nam (giữa).

Hàng trăm câu hỏi của phụ huynh, giáo viên với nội dung xoay quanh vấn đề ổn định tâm lý, kiến thức cùng những trăn trở về khó khăn khi trẻ lớp 1 học trực tuyến đã được đặt ra cho các chuyên gia.

Cần rèn luyện cho con nề nếp học 

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cũng bày tỏ nỗi lo về sự thay đổi tâm sinh lý và kiến thức của trẻ lớp 1 trước thềm năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh.

Phụ huynh Lê Thị Ái bày tỏ: "Nhà tôi năm nay có 2 con cùng vào lớp 1. Tuy nhiên, hiện tại mẹ đang không biết kèm con như thế nào trong quá trình học trực tuyến. Môn Toán còn bớt lo, nhưng với môn Tiếng Việt, đặc biệt là khi luyện viết thì rất khó xoay xở bởi tôi không có chuyên môn".

Là giáo viên tại Trường Tiểu học Dương Liễu B, Hoài Đức, Hà Nội, nhà giáo Nguyễn Thị Hải Yến cũng chia sẻ trăn trở có nên cho trẻ mầm non học trước kiến thức lớp 1.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, mặc dù học trực tuyến được xem là phương pháp tối ưu trong bối cảnh dịch bệnh, tuy nhiên, hình thức học tập này vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, đặc biệt với học sinh lớp 1 - lứa tuổi hiếu động, dễ bị xao nhãng.

Do đó, để giúp con học trực tuyến hiệu quả, cha mẹ cần tạo con một tâm thế háo hức đối với việc học trực tuyến. Trong quá trình học, cha mẹ cần xác định vai trò là một giáo viên/ huấn luyện viên hiện trường để điều hướng các thiết bị công nghệ, định hướng sự chú ý của con cũng như nhắc nhở và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, phụ huynh có thể bố trí thêm các hoạt động thể chất vừa sức để con cùng tham gia như tưới cây, sắp xếp lại góc học tập, quét nhà…

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu về giáo dục tiểu học, TS. Phạm Quang Tiệp cho hay, bên cạnh tâm lý, trẻ cũng cần được chuẩn bị về mặt kiến thức với những hiểu biết nền tảng phục vụ cho quá trình học tiểu học.

"Tiêu đề của buổi tọa đàm là "Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến", nhưng điều này không đồng nghĩa với khuyến khích việc dạy kiến thức trước cho trẻ. Bởi điều này thậm chí có thể mang lại hệ quả ngược khi trẻ bị mất hứng thú học tập khi những điều cô giáo dạy, trẻ đều đã học và biết" - TS Phạm Quang Tiệp chia sẻ.

Theo Tiến sĩ, khi bước vào lớp 1, trẻ chỉ cần nhận diện được các chữ cái, viết được các nét cơ bản hay nhận biết được các con số. Đây là bước đệm quan trọng, giúp ích rất nhiều trong quá trình tiếp thu tri thức mới.

Bước vào môi trường tiểu học, môi trường, bạn bè và thầy cô thay đổi, hoạt động chuyển từ vui chơi sang học tập. Vì thế, để giúp con tự tin, phụ huynh cần rèn luyện cho con về nền nếp sinh hoạt điều độ, đồng thời trang bị một số kỹ năng tự phục vụ như tự đánh răng, rửa mặt, thay quần áo… hay một số kỹ năng tương tác xã hội khác.

Các thầy cô nên cố gắng game hóa các hoạt động

Để trẻ lớp 1 học trực tuyến thành công, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của đội ngũ giáo viên và nhà trường.

PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên, các thầy cô hãy dành tuần đầu tiên cho việc thiết lập mối quan hệ, làm quen và các trò chơi để kết nối với trẻ. Giáo viên cũng cần dành tuần đầu tiên để xây dựng mối quan hệ với cha mẹ, thống nhất về nội quy lớp học, hướng dẫn cha mẹ thực hiện các hoạt động chuẩn bị tại gia đình.

Vì khoảng chú ý của học sinh lớp 1 không dài quá 15 phút, do đó, giáo viên nên giới hạn thời gian cho mỗi phiên học kéo dài 15 phút làm việc với màn hình, nghỉ 5 phút và tiếp tục một phiên học 15 phút khác. Sau 4 phiên như vậy thì sẽ nghỉ.

Đặc biệt, thầy cô cần thay đổi quan điểm từ "nhiều giờ học" sang "giờ học chất lượng". Việc thiết kế thời khóa biểu, thiết kế các phiên học phải được cân nhắc dựa trên các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em.

Đồng quan điểm, T.S Phạm Quang Tiệp, để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường.

"Trước tiên, nhà trường cần tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhà giáo để thống nhất về mặt tư tưởng, cách thức triển khai dạy học trực tuyến một cách đồng bộ, bài bản; đồng thời lựa chọn ra các nội dung trọng tâm, phù hợp để dạy học online. Đối với học sinh lớp 1, một số nội dung kiến thức chủ yếu liên quan đến môn Tiếng Việt để hình thành 4 kỹ năng về nghe, nói, đọc, viết cùng một số kỹ năng tính toán cơ bản cho học sinh.

Bên cạnh việc tổ chức đào tạo giáo viên, thì tập huấn cho cha mẹ học sinh cũng đóng vai trò quan trọng bởi chính phụ huynh là người trực tiếp đồng hành, giúp đỡ các con trong quá trình học trực tuyến. Những nội dung tập huấn cho cha mẹ bao gồm: thống nhất quan điểm về hình thức dạy học trực tuyến để tìm kiếm sự hỗ trợ từ cha mẹ học sinh; trấn an về mặt tâm lý để phụ huynh không quá áp lực, căng thẳng khi tiếp nhận nhiệm vụ mới này; hay cách sử dụng công nghệ…".

T.S Phạm Quang Tiệp đề xuất, để "hút" trẻ lớp 1 ngồi vào bàn học trực tuyến, các thầy cô nên cố gắng game hóa các hoạt động. Theo đó, bên cạnh việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến như Zoom, Teams… giáo viên có thể sử dụng các phần mềm để thiết kế hoạt động trò chơi. Tuy nhiên, điều này cần tuân thủ theo nguyên tắc đơn giản, dễ sử dụng, và lượng hóa thời gian tương tác với màn hình không kéo dài quá 30-35 phút cho 1 tiết học và tối đa 2 tiếng mỗi ngày.

Giao phiếu bài tập có hiệu quả?

Tại buổi tọa đàm, thầy Hoàng Văn Tiến (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Chiềng Chăn, Sơn La) trăn trở: "Chúng tôi là giáo viên dạy tại một xã vùng cao, 100% là học sinh dân tộc, phương tiện dạy trực tuyến không có, internet, máy tính, truyền hình cũng không. Thầy và trò không được tương tác trực tiếp với nhau. Học sinh sau kỳ nghỉ hè thì kiến thức mai một, đặc biệt là học sinh lớp 1, chưa có hành trang và tâm thế để đi học. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng chưa nắm được những phương pháp dạy con học sao cho hiệu quả. Tôi băn khoăn việc giao phiếu bài tập cho học sinh tự làm ở nhà liệu có đảm bảo hay không, và cách nào để hỗ trợ tối đa cho các em học sinh".

Bên cạnh đó, một số ý kiến tỏ ra lo lắng trước hiệu quả của việc dạy học trực tuyến khi thực tế, 2 năm qua, đa số các trường học tại Việt Nam chưa có sự chuẩn bị về nền tảng công nghệ; nhưng vì dịch bệnh nên bắt buộc phải chuyển qua hình thức dạy học này. Đặc biệt, tại một số vùng núi, cuộc sống của hầu hết gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, chỉ có khoảng 30-60% học sinh có đủ điều kiện để học trực tuyến.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Quang Tiệp cho biết, hiện nay, trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, việc quay trở lại trường và học tập theo hình thức tập trung là vô cùng khó khăn. Trong khi đó nhu cầu phát triển của con trẻ là tất yếu, không thể vì các điều kiện ngoại cảnh mà làm chậm đi quá trình này. Do đó, cho dù gặp nhiều khó khăn, các cấp lãnh đạo cùng các nhà trường cũng cần cố gắng hết sức để tạo điều kiện cho trẻ được học tập.

"Đối với những trẻ có đủ điều kiện, máy móc thì sẽ triển khai dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, đối với những học sinh không có đủ trang thiết bị để phục vụ quá trình học online thì nhà trường cần phối hợp với địa phương và các bậc phụ huynh để tìm ra phương pháp học tập thật phù hợp. Theo đó, các thầy cô có thể chuẩn bị những hệ thống các bài tập, tài liệu, in sẵn và trao tới tận tay học sinh.

Tại những địa phương đang gặp khó khăn về dịch bệnh, cần một cách nào đó, có thể thông qua các đoàn thể xã hội để chia sẻ với các em. Song song với đó, cần tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận với học sinh, hỗ trợ các em trong quá trình học tập. Ví dụ, sau khi phát phiếu, nếu trẻ gặp khó khăn và phản hồi, thì thầy cô hãy sẵn lòng trao đổi, giúp đỡ các con.

Bên cạnh đó, hiện tại, Bộ GD-ĐT cũng đã chuẩn bị hệ thống các bài giảng, được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV7 nhằm giúp những học sinh chưa có đủ điều kiện để tham gia học trực tuyến".

Cũng theo TS Phạm Quang Tiệp, tại một số địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, nếu tình hình dịch bệnh không quá căng thẳng, các biện pháp giãn cách xã hội cũng bớt gay gắt, nhà trường có thể tính đến việc thành lập các điểm, cụm học sinh nhỏ để đội ngũ giáo viên có thể trực tiếp hướng dẫn và giảng dạy các em.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự hợp tác, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, để giúp các em học sinh gặp khó khăn vẫn có cơ hội được học tập, rất cần sự chung tay của tất cả các ngành.  Do đó, các ngành cần có sự xem xét về việc miễn giảm cước phí truy cập 3G hay 4G, đặc biệt cho những học sinh ở vùng khó, nhằm giúp các em có cơ hội được tiếp cận với internet để tham gia quá trình học trực tuyến.