Gia Lai:

Chuyển đổi nghề cho lao động vùng cao thường sống dựa vào rừng

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Nhiều năm nay, huyện Mang Yang (Gia Lai) đã chuyển đổi nghề cho hàng trăm lao động thường sống dựa vào rừng. Từ việc dạy nghề, nhiều lao động trẻ đã làm giàu và hỗ trợ lại cho bà con trong làng.

Xưa nay, bà con đồng bào Jrai, Ba Na... trên địa bàn tỉnh Gia Lai thường lập làng, sống ẩn sâu trong những cánh rừng già. Ngày ngày, bà con lên rẫy lấn rừng để trồng mỳ, trồng lúa. Xong vụ, bà con lại di cư sang những khoảnh rừng khác để trồng vụ sau.

Khi những cánh rừng trọc dần, bà con phải chịu cảnh bữa đói, bữa no. Lối canh tác lạc hậu khiến cái nghèo cứ đeo bám người dân nơi đây dai dẳng; đặc biệt, làm nảy sinh vấn nạn khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm rẫy tái diễn liên tục rất nhức nhối.

Chuyển đổi nghề cho lao động vùng cao thường sống dựa vào rừng - 1

Hàng trăm lao động trẻ ở vùng khó khăn đã được dạy nghề, hướng nghiệp ngay chính tại làng mình đang sinh sống.

Trên địa bàn xã Mang Yang có 3 làng nghèo nhất và "nóng" vấn nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy là làng Bờ Yầu (xã Lơ Pang), Đê Kôn (xã Hra) và Đê Btức (xã Đăk Jơ Ta). 

Trước thực tế đó, huyện Mang Yang đã triển khai nhiều giải pháp như đào tạo nghề, định hướng sản xuất cho bà con đồng bào thuộc 3 làng trên nói riêng và toàn huyện nói chung.

Chuyển đổi nghề cho lao động vùng cao thường sống dựa vào rừng - 2

Những nghề được hướng dẫn đều phù hợp và cần thiết ngay chính mảnh đất mà bà con đồng bào đang sinh sống.

Ông Lưu Quốc Bảo Trung - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang - cho biết, đa số việc dạy nghề đều hướng đến những thanh niên không có việc làm ở vùng sâu, vùng xa.

Tùy vào đặc điểm, khí hậu và thổ nhưỡng, trung tâm sẽ mở ra những lớp dạy nghề phù hợp. Thanh niên học nghề có thể về địa phương làm việc với mức thu nhập ổn định. Khi các thanh niên được học nghề, có công ăn việc làm sẽ giảm bớt việc phá rừng và tệ nạn xã hội.

"Trong năm 2021, huyện sẽ triển khai đào tạo cho 544 học viên, đặc biệt chú trọng vào 3 làng nói trên. Đồng thời, huyện cũng phối hợp với các doanh nghiệp, trang trại để tìm việc làm phù hợp cho những học viên đã được đào tạo nghề và người dân ở các xã khó khăn", ông Trung cho biết.

Chuyển đổi nghề cho lao động vùng cao thường sống dựa vào rừng - 3

Nhiều thanh niên sống bằng nghề khai thác gỗ hay làm rẫy nay cũng tham gia học để chuyển đổi nghề phù hợp.

Tại xã Hra (Mang Yang) đã có 2 lớp dạy nghề là lớp thợ xây và sửa xe máy, máy nông nghiệp, mỗi lớp có khoảng 25 - 30 học viên.

Sau khi học nghề, các học viên đã xin việc tại một số công ty xây dựng, làm thuê ở tiệm sửa xe hoặc tự mở cho mình tiệm sửa xe ngay trên địa bàn mình sinh sống. Nhiều thanh niên đã tự đứng ra nhận thầu xây nhà trong xã và đưa đội thợ xây cùng học trong trường đi làm.

Làng Bờ Yầu (xã Lơ Pang) nằm trên một ngọn núi lớn, bao quanh là những cánh rừng tự nhiên. Xưa nay, cuộc sống của bà con chủ yếu trồng lúa một vụ và khai thác gỗ trái phép để kiếm tiền ăn hàng ngày.

Dựa vào đặc điểm thổ nhưỡng, Trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang đã mở lớp đào tạo kỹ năng, kỹ thuật trồng trọt ngay tại các làng nhằm hướng dẫn cho bà con sản xuất nông nghiệp, trồng lúa và trồng cây cà phê.

Chuyển đổi nghề cho lao động vùng cao thường sống dựa vào rừng - 4

Nhiều thanh niên ở vùng khó đã nỗ lực học tập với mong muốn chuyển đổi nghề phù hợp.

Ông Đinh Kai - Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang, huyện Mang Yang - cho biết: Xưa kia, người dân chỉ sống dựa vào rừng, tập tục di canh, du cư, sản xuất lạc hậu. Từ khi người dân được tham gia học nghề đã biết trồng lúa 2 vụ và phát triển thêm cây cà phê.

"Đặc biệt, người dân đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc và bón phân theo hướng dẫn nhằm tăng năng suất cây trồng. Nhờ vậy, chúng tôi cũng nhàn hơn trong việc quản lý, bảo vệ rừng", Phó Chủ tịch UBND xã nói

Anh Đinh Driu (trú tại làng Bờ Yầu, xã Lơ Pang) được xem là thanh niên giỏi và nỗ lực trong việc phát triển kinh tế.

Từ nhỏ, anh lớn lên cùng theo bố vào rừng săn bắn, cắt cây rừng về sống qua ngày. Sau đó, Driu đã được tham gia lớp học nghề trồng lúa năm 2019.

Sau khi học, chàng thanh niên trẻ đã mạnh dạn chuyển đổi trồng lúa nước 2 vụ. Đồng thời, anh còn chuyển đổi gần một ha đang trồng mỳ sang trồng cây cà phê.

Không những thế, Driu còn giúp bà con chọn giống, hướng dẫn cách chăm sóc đối với lúa và cà phê. Nhờ vậy, anh đã được bầu làm Phó trưởng thôn Làng Bờ Yầu, trở thành cán bộ thôn tích cực giúp bà con phát triển kinh tế.

Chuyển đổi nghề cho lao động vùng cao thường sống dựa vào rừng - 5

Một số học sinh nghỉ học sớm ở vùng khó đã chủ động đăng ký vào các lớp học bổ túc và học nghề.

Tuy nhiên việc đào tào nghề ở làng Đê BTức (xã Đăk Jơ Ta, Mang Yang) còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do vẫn còn một bộ phận thanh niên trong làng chưa có ý thức theo học.

Đây là những trường hợp không tự giác, thiếu tính chuyên cần nên hiệu quả từ dạy nghề còn chưa được như mong muốn.

Trái lại, ở làng cũng có những thanh niên có ý chí chuyển đổi nghề và giờ đây đã mở cho mình một tiệm sửa xe máy khang trang, như anh A Ninh.

Khi trung tâm mở thêm lớp đào tạo nghề tại làng, A Ninh còn tận tình hướng dẫn lại các học viên lớp sau và cho mượn đồ nghề để học tập, thực hành.

Chuyển đổi nghề cho lao động vùng cao thường sống dựa vào rừng - 6

Các lớp học nghề được tổ chức ngay tại làng để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên tham gia.

Ông Trần Văn Bảng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mang Yang, cho biết: Theo kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, huyện luôn chú trọng việc chuyển đổi nghề phù hợp, hiệu quả cho bà con những làng đặc biệt khó khăn.

Qua đó, những bà con ở vùng sâu, vùng xa có việc làm ổn định, thoát cảnh thiếu đói trong mùa giáp hạt, phương thức sản xuất cây trồng hiệu quả nâng lên rõ.

Bên cạnh đó, những nghề xây, điện máy, may mặc đã phổ biến và thu hút nhiều thanh niên trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có nghề nghiệp, làm ăn ổn định sau này hơn là theo lối canh tác đốt rừng làm rẫy lạc hậu, hoặc tránh "nhàn cư" nảy sinh tệ nạn xã hội.