Chuyện ăn uống ở trời Tây (Kì tiếp)

(Dân trí) - “Có thực mới vực được đạo”. Ngoài việc học tập, chỗ ở, thời tiết… thì chuyện ăn uống cũng là một mối quan tâm lớn, đặc biệt là đối với du học sinh Việt Nam đang “tầm sư học đạo” nơi xứ người.

Trong loạt bài đặc biệt về chuyện ăn uống của du học sinh Việt xa nhà, Du học Dân trí sẽ chuyển tới độc giả những trải nghiệm thực tế về phong cách, những kỉ niệm đặc biệt liên quan đến chuyện “thực” (ăn  uống, nấu nướng, chợ búa)… của các chàng trai, cô gái Việt đang học tập ở nhiều nước trên thế giới.

 

Du học, các bạn được thưởng thức những món ăn đặc sản, món ăn truyền thống của bạn bè quốc tế.

 

Món ăn của đất nước thứ ba

 

Ngoài những món ăn của nơi các bạn đang học tập, các bạn du học sinh còn được thưởng thức những món ăn của các bạn cùng hoàn cảnh, cùng khu nhà trọ đến từ các nước khác nhau. Không chỉ các bạn sinh viên Việt Nam khi sang một đất nước nào đó mang những đặc sản, món ăn truyền thống của mình đến với bạn bè và du khách quốc tế mà tất cả những bạn du học sinh đều lấy đó là cách giới thiệu quảng bá hình ảnh của đất nước mình.

 

Món ăn nổi tiếng của xứ sở Kim Chi. Ảnh: Internet
Món ăn nổi tiếng của xứ sở Kim Chi. Ảnh: Internet



Mỗi nơi đều có những món ăn truyền thống mang hương vị riêng, đặc trưng riêng. Được thưởng thức những món ăn đó sẽ giúp cho các bạn có thêm hiểu biết về ăn hóa, ý nghĩa của đất nước thứ ba.

 

Cùng nấu nướng

 

Những người bạn mới quen, những người bạn đến từ các nước khác nhau cùng quây quần trò chuyện, chia sẻ về mọi thứ trong cuộc sống. Sau những câu chuyện ấy là những lúc các bạn thể hiện tài năng nấu nướng. Những món ăn của đất nước, những món ăn đặc sản của đất nước mình để giới thiệu với các bạn cùng nhóm.

 

Được thưởng thức những món ăn của một đất nước nào đó đối với các bạn du học sinh là điều không mấy khó khăn. Đa phần các bạn đến từ những nước khác nhau được ở cùng một phòng, một khu nhà không khác gì như ở kí túc xá của Việt Nam. Tất cả, những món quà, món ăn của các bạn trong phòng hay trong khu nhà trọ sẽ lần lượt được các bạn thể hiện.

 

Thanh Thanh, du học sinh Nga chia sẻ: “Mình ở cùng với một bạn người Hàn Quốc nên thỉnh thoảng bạn ấy làm cho cả phòng thưởng thức món Kim Chi quê hương bạn ấy. Thực sự nó rất ngon và hấp dẫn. Mình cũng đã được thưởng thức món ăn này khi ở Hà Nội nhưng khi được thưởng thức món ăn này do người bạn của xứ sở Kim Chi làm mình thấy có một vị gì đó rất khác”.

 

Khu chợ ẩm thực

 

Ở mỗi đất nước đều có những nơi dành cho cộng đồng của họ. Những khu ẩm thực khu văn hóa là nơi thu hút được nhiều các bạn trẻ nhất. Đến đây các bạn không chỉ được tham quan, tìm hiểu về văn hóa mà còn được thưởng thức những món ăn, những đặc sản từ khắp các vùng miền của đất nước họ.

 

Góc chợ phiên của người Anh. Ảnh: Internet
Góc chợ phiên của người Anh. Ảnh: Internet



Bạn Lại Vĩnh Đại, du học sinh Việt Nam tại Bun-ga ri thì cho rằng: “Đến đây mình được xả strees sau những bài học căng thẳng, được biết thêm nhiều về văn hóa của họ. Chính vì vậy, mà cuối tuần nào mình cũng tìm đến một cộng đồng nào đó của các nước để tìm hiểu, và thưởng thức những món ăn của các nước. Rất tuyệt đấy, các bạn thử xem sao!”.

         

Ngoài những khu chợ, khu ẩm thực như thế này trong những ngày lễ tết của một nước nào đó họ luôn tổ chức nấu những món ăn truyền thống của mình. Đây cũng là cơ hội để các bạn du học sinh biết đến văn hóa, thưởng thức những món ăn hấp dẫn của dân tộc họ. Những món ăn thể hiện tinh hoa, sự khéo léo của người nấu và văn hóa của đất nước ấy.

 

Việc thưởng thức  những món ăn của các nước đã giúp cho những du học sinh của Việt Nam mở rộng tầm nhìn, hiểu biết hơn về văn hóa không những của đất nước mình đang theo học mà còn hiểu về văn hóa của những nước khác cùng học tập và sinh sống. Không chỉ học tập tiếp thu kiến thức mà còn trao đổi, giao lưu giữa các nền văn hóa, qua đó làm cho mối quan hệ, tình cảm giữa các bạn du học sinh Việt Nam với các nước khác gần gũi, thân thiện hơn.

 

Thủy Nguyễn