Chống bạo lực, dâm ô trẻ em: Im lặng là tội ác!

(Dân trí) - Giáo dục đạo đức, nhân cách luôn là vấn đề cốt lõi, đặc biệt trước thực tế nhức nhối về vấn nạn bạo lực học đường, dâm ô trẻ em thì điều này càng phải được chú trọng, ưu tiên.

Các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đã cùng lên tiếng tại tọa đàm "Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - Chống được không?" do báo Tiền phong tổ chức tại TPHCM sáng ngày 8/4. 

Chống bạo lực, dâm ô trẻ em: Im lặng là tội ác! - 1

"Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - Chống được không?"

Hành vi bạo lực ngày càng dã man

Nhiều vụ bạo lực học đường (BLHĐ), dâm ô trẻ em xảy ra ngay trong trường học nhức nhối thời gian qua đã được nhắc đến tại buổi tọa đàm.

Chống bạo lực, dâm ô trẻ em: Im lặng là tội ác! - 2

Bạo lực học đường diễn ra với các hành vi ngày càng tàn bạo, dã man và vô cảm của cả những người xung quanh (Ảnh cắt từ clip nữ sinh ở Hưng Yên bị lột đồ, đánh hội đồng)

Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm (Trường ĐH An ninh Nhân dân, Bộ Công an) cho hay, bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em diễn ra với tần suất liên tục, với các hành vi ngày càng tàn bạo, dã man. Việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng pháp luật để xử lý đã gây ra một “phản ứng ngược” từ cộng đồng.

Theo Thiếu tá Lâm, mấu chốt của bạo lực chính là nhân cách, đạo đức, phẩm chất cá nhân. Mà điều này phải được bồi đắp, hình thành từ ngay trong gia đình. 

Chống bạo lực, dâm ô trẻ em: Im lặng là tội ác! - 3

Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm chia sẻ với học trò về vấn nạn bạo lực học đường

Giáo dục đạo đức phải là vấn đề được ưu tiên hàng đầu nhưng thực tế hiện nay, theo ông Lâm, trẻ em đang thiếu nền tảng về những kiến thức, bài học đạo đức, nhân cách bên cạnh các kỹ năng cơ bản. 

Ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TPHCM cho hay, cách đây vài chục năm năm, thời ông đi học đã có BLHĐ. Nhưng khi đó chỉ dừng ở mức bắt nạt nhau chứ nay là lột đồ, đánh dã man rồi bạn bè không can ngăn, đứng quay clip. 

Ông Thắng cho rằng, một trong những cách đẩy lùi các hiện tượng xấu này là cần nhân rộng những điều đẹp trong cuộc sống. Ở môi trường học đường, cần có thêm nhiều sân chơi lành mạnh cho học sinh, nhà trường cần có những hoạt động gần gũi, chia sẻ với học sinh, tạo một môi trường học đường thân thiện, không thù hằn... thì sẽ giảm được bạo lực rất nhiều. 

Im lặng là tội ác 

Với vấn đề BLHĐ và dâm ô trẻ em, Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm sự im lặng, "ém" thông tin dẫn đến những hệ lụy kinh khủng. 

Nhiều vụ việc diễn ra cho thấy, có thể do gia đình sợ bị ảnh hưởng; có thể do cơ quan chức năng thờ ơ, vô trách nhiệm; và cũng có thể do nhà trường sợ bị ảnh hưởng đến thi đua, thương hiệu… nên "tội ác" không được đưa ra ánh sáng.

Chống bạo lực, dâm ô trẻ em: Im lặng là tội ác! - 4

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ 

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM) nêu quan điểm, bạo lực, dâm ô trẻ em là tội ác. Mà đã là tội ác thì chúng ta phải lên tiếng, phải đưa ra ánh sáng, đưa ra công lý. 

"Dâm ô, hiếp dâm trẻ em là tội ác. Im lặng cũng là tội ác", bà Nữ dứt khoát. 

Để có thể xử lí những hành động xâm hại trẻ theo đúng pháp luật, luật sư Ngọc Nữ cho rằng chính trẻ cần mạnh dạn nói với gia đình, mạnh dạn tố cáo khi bị người khác xâm hại. Các em phải hiểu rằng, việc nói ra vấn đề này, không chỉ giúp đỡ chính bản thân các em, mà còn là giúp đỡ những người khác. 

Bên cạnh xử lý về mặt luật pháp để đưa thủ phạm ra ánh sáng, bác sĩ tâm lý Phan Thị Hoài Yến, bệnh viện Thủ Đức lưu ý, chúng ta cần có sự quan tâm đúng mực đến nạn nhân. 

Khi bị tổn thương về mặt tinh thần hay thực thể đều gây ra sự đau khổ. Tổn thương tinh thần không cân đong đo đếm được, không máy móc nào chỉ ra được người đó tổn thương bao nhiêu % nhưng hậu quả rất khủng khiếp. 

"Có người mang theo tổn thương đó suốt cuộc đời nhưng có người vượt qua, tiếp tục sống tốt. Tuy nhiên, điều đó tốt trong bao nhiêu lâu, chúng ta vẫn chưa thể trả lời được. Đau khổ về mặt tinh thần có thể gây ra bệnh stress, gây ra trầm cảm, phải điều trị lâu dài", bà Yến cảnh báo và cho rằng, điều cần nhất của các nạn nhân chính là sự yêu thương và cảm giác được an toàn. Nhiều trường hợp cần sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý có chuyên môn. 

Hoài Nam