Chọn trường ĐH trải nghiệm - Xu hướng mới của phụ huynh
(Dân trí) - Thay vì định hướng cho con vào ĐH "top đầu" hay trường có ngành hot, nhiều phụ huynh gợi ý cho sĩ tử lớp 12 chọn ĐH trải nghiệm.
Giảm áp lực thi cử, vừa học kiến thức chuyên ngành, vừa được trang bị nhiều kỹ năng sống hữu ích, phù hợp với xã hội hiện đại là những lý do khiến trường ĐH trải nghiệm bắt đầu được lòng các bậc cha mẹ.
"Cùng học ĐH mà con chị khác con tôi thế!"
Con chị Thu Hà (56 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đang học năm cuối một trường ĐH công lập thuộc "top đầu". Hàng ngày, nữ sinh này lên giảng đường học đều đặn, về nhà lại cắm cúi làm bài tập, hiếm khi ra khỏi nhà tham gia hoạt động gì đó cùng bạn bè. Trước đây, chị Hà rất yên tâm vì con ngoan, học giỏi. Nhưng gần đây, con chị hay lo lắng, than phiền rằng kết quả học trên lớp rất tốt nhưng xin đi thực tập ở đâu cũng không được nhận.
Chia sẻ mối băn khoăn này với người bạn cùng cơ quan, chị Hà được biết con đồng nghiệp của mình đang học ĐH FPT - một ĐH chú trọng trải nghiệm. Ngoài giờ học, nam sinh này tham gia đủ mọi hoạt động ở trường, năm nhất đã xin bố mẹ đi học tiếng Anh ở nước ngoài tận hơn 1 tháng, thỉnh thoảng lại xách balo đi trải nghiệm... Hiện cậu đã thực tập xong, đang làm đồ án tốt nghiệp và đã có kế hoạch lập nghiệp riêng sau khi nhận bằng ĐH FPT. Chị Hà càng bất ngờ hơn khi đồng nghiệp chia sẻ sức học của con chỉ thuộc loại khá nhưng được đánh giá cao ở tiếng Anh, kỹ năng sống, thái độ làm việc...
"Cùng học ĐH mà con chị khác con tôi thế!", chị Hà thốt lên. Chợt nghĩ đến cậu con trai thứ 2 sinh năm 2003, hiện đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, chị Hà băn khoăn nên định hướng cho con vào ĐH "top" như cô chị hay để con tự trải nghiệm ở một môi trường mới như ĐH FPT.
Đại học và Đại học trải nghiệm
Không thể phủ nhận ĐH truyền thống đã làm tốt vai trò của nó khi đào tạo nguồn nhân lực trí thức đáp ứng nhu cầu xã hội ở những giai đoạn nhất định. Nhưng nhờ công nghệ, kiến thức hàn lâm giờ đây có thể học mọi lúc, mọi nơi, không nhất thiết phải học trên giảng đường. Nhu cầu của thị trường lao động với nguồn nhân lực trẻ cũng đã thay đổi. Thậm chí, bản thân sinh viên cũng có mong muốn khai phá những khả năng khác của bản thân, bên cạnh việc học kiến thức.
Hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp mỗi năm với phần lớn do thiếu kỹ năng, trải nghiệm sống là thực tế mà người học ĐH truyền thống phải đối diện. Không muốn rơi vào "lối mòn" đó, nhiều phụ huynh hiện nay định hướng cho con học ĐH trải nghiệm như người đồng nghiệp của chị Hà.
Không đặt nặng truyền thụ kiến thức thụ động, ĐH trải nghiệm như ĐH FPT hoạt động giáo dục đào tạo xoay quanh 6 nhóm trải nghiệm cốt lõi: trải nghiệm công nghệ, trải nghiệm các hoạt động và khóa học về kỹ năng thế kỷ 21, trải nghiệm văn hóa Việt Nam và văn hóa Á Đông, trải nghiệm các khóa học và hoạt động để trở thành lãnh đạo tương lai, trải nghiệm xu thế xã hội và văn hóa tương lai, trải nghiệm thế giới đa văn hóa.
Từ đó, các hoạt động trải nghiệm được triển khai phong phú, đa dạng. Sinh viên ĐH FPT từ năm nhất, đã có thể tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm: các CLB sinh viên, khóa học kỹ năng mềm, giao lưu trao đổi văn hóa ở nước ngoài, sự kiện văn hóa nghệ thuật, các cuộc thi trí tuệ...
Thậm chí, giờ học chính khóa cũng trở nên đầy tính trải nghiệm với hình thức như sống, tập luyện ở doanh trại quân đội trong học kỳ quân sự, làm dự án khởi nghiệp, phát triển ứng dụng hoặc robot... Ngoài ra, 100% sinh viên ĐH FPT thực tập doanh nghiệp trước khi tốt nghiệp. Nhiều sinh viên còn được doanh nghiệp trong và ngoài nước tuyển dụng ngay trong kỳ thực tập.
Qua các hoạt động đó, sinh viên ĐH FPT được tự trang bị kỹ năng sống hữu ích, thích ứng với nhiều hoàn cảnh và môi trường sống một cách linh hoạt, có cái nhìn thực tế về nhu cầu xã hội và chính mình để định hình bản thân và kiến tạo tương lai phù hợp. Có lẽ, trong thời đại hiện nay, nhiều phụ huynh cũng mong con mình có được những kỹ năng và kinh nghiệm thực tế này.
"Mình kể về ĐH trải nghiệm với con trai thứ 2, định ướm xem con có thích không thì cho học. Không ngờ, con đã biết tới mô hình này từ trước và cũng đang định "trốn mẹ" đăng ký xét tuyển. Con nói, bây giờ kiến thức sách vở có hết trên Internet, đến trường học là để trải nghiệm, học kỹ năng và có đời sống sinh viên ý nghĩa. Mình thấy cũng đúng." chị Hà cho biết.