Chàng trai đạp xe 300km đi thi: Ước mơ của em trở thành hiện thực

(Dân trí)-“Đầu tháng này, em nhận được kết quả buồn, nhưng nay em lại nhận được tin vui. Ước mơ của em trở thành hiện thực rồi, bố mẹ em là người vui nhất…”, Ngô Văn Thuận-cậu học trò đạp 300km đi thi ĐH, vừa được tuyển bổ sung vào trường Sĩ quan Tăng thiết giáp tâm sự.

Niềm vui của Thuận và mẹ.
Niềm vui của Thuận và mẹ.

Những ngày cuối tháng 8, khi nhận được thông tin Ngô Văn Thuận được Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp chính thức nhận nhập học đại học cấp phân đội theo quy định, chúng tôi đã có mặt tại gia đình Thuận vào một buổi trưa nắng cháy, khi cả gia đình vừa ăn cơm xong. Trong ngôi nhà bé nhỏ, không có gì đáng giá, ngoài những chiếc cột chống đỡ mái nhà cũng bị mối mọt ăn, bức tường gia cố sơ sài cũng đã rêu phong đi nhiều…

Bên bát nước chè xanh vào buổi xế trưa, vừa ngụm hớp nước, bà Ngô Thị Tuệ (42 tuổi) - mẹ Thuận vui vẻ: “Thế là nguyện ước của cháu nó giờ đã thực hiện được rồi chú à. Cái quan trọng bây giờ là nó phải chăm học ở môi trường quân đội thôi. Gia đình tôi thì khó khăn thật nhưng may mà nó được cấp trên thương giúp chứ học ở ngành khác sợ không thể chu cấp nổi đâu. Tôi vui quá đến nỗi rơi nước mắt luôn ấy”.

Với bà Tuệ, niềm vui ấy với bà bây giờ là đúng thôi. Bởi từ ngày Thuận đi thi về, đêm nào bà cũng lo cho con, sợ nó không đỗ thì thêm một lần nữa lỡ hẹn với giảng đường đại học. Bà bảo nhiều đêm ngủ không yên, thi thoảng lại thức giấc bởi cứ suy nghĩ về việc nó làm và sợ rằng ước nguyện của nó không thực hiện được, lỡ có chuyện gì thì không hay.

Tâm sự với PV, Thuận bảo sẽ cố gắng học thật tốt để không phủ lòng mong mỏi của mọi người.
Tâm sự với PV, Thuận bảo sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của mọi người.

“Từ khi nó đi thì về bảo với mẹ là làm bài không ổn lắm nên tôi cũng lo lắng cho con lắm. Đi thi về là nó lại lao vào đi làm thêm đợi kết quả. Và cái hôm nhận kết quả không đỗ vào trường Sỹ quan Lục quân 1, tui thấy nó buồn quá, rồi nó còn khóc… Tui khuyên bảo nó số con đã có ông trời sắp đặt rồi, có lo cũng không được. Nghe lời tui, thế là nó lại đi lên rừng lấy củi, ra đồng bắt cua… để phụ giúp mẹ. Rồi ngày 23/8 vừa qua, Huyện đội Yên Thành báo về cho gia đình là cháu Thuận đã được trường Sĩ quan Tăng thiết giáp chấp nhận vào học. Ngày nhận tin, vợ chồng tôi vui lắm, nó cũng vui mà khóc lên”, bà Tuệ tâm sự.

Nhận tin trường Sĩ quan Tăng thiết giáp tại Vĩnh Phúc chấp nhận Thuận nhập học, Thuận mừng lắm và bảo: “Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng của cha mẹ, anh em, cũng như thầy cô giáo đã dày công vun đắp cho em...”.

Cũng theo Thuận, em mong ước được học ở một ngôi trường quân đội sẽ không phải lo học phí khi gia đình quá nghèo. “Bây giờ với em muốn để thoát nghèo, muốn đỡ vất vả cho gia đình chỉ còn cách thi và học ở trường quân đội”, Thuận chia sẻ.

Bà Tuệ cùng Thuận sau những ngày chờ đợi giờ ước mơ đã thành hiện thực.
Bà Tuệ cùng Thuận sau những ngày chờ đợi giờ ước mơ đã thành hiện thực.

Ngồi bên Thuận, nghe con tâm sự với PV, bà Tuệ bỗng rơi nước mắt, những giọt nước mắt mặn chát cứ lăn dài trên đôi gò má đen sạm rồi bà bảo: “Bây giờ mọi thứ chỉ mới bắt đầu thôi chú à. Tôi chỉ mong rằng cháu nó vào học đó thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của mọi người. Còn với bố mẹ ở nhà thì chỉ biết làm mấy sào ruộng, lên rừng hái thêm ít củi về bán tiếp tục chăm sóc đứa em của nó. Dù có nghèo, tôi cũng phải nuôi con học hành đến nơi đến chốn, để các con không phải thất học”.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, Thuận là anh trai cả trong nhà, lại có tính tự lập từ nhỏ, học giỏi để làm gương cho các em noi theo. Năm Thuận lên lớp 5 thì em gái Thuận mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình lại không có tiền chữa bệnh nên sau mấy tháng đổ bệnh đã qua đời.

Còn với Thuận, bây giờ trong lúc chờ nhập học ở trường Sĩ quan Tăng thiết giáp, em vẫn lên rừng chặt củi, ra ruộng bắt cua, thả lươn về cho mẹ bán kiếm tiền mua sách vở cho em trai chuẩn bị vào năm học mới.

Bà Tuệ cùng Thuận sau những ngày chờ đợi giờ ước mơ đã thành hiện thực.
Căn nhà của Thuận bây giờ cũng chỉ là những cột gỗ chắp vá, những chiếc giường trong nhà cũng đã hư hỏng.

Thầy Nguyễn Trọng Mậu - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5 (Trường THPT Yên Thành 2) - nơi Thuận học tập cho biết: Với em Ngô Văn Thuận, ba năm học cấp 3 em luôn là học sinh khá giỏi của trường, đồng thời là một học sinh gương mẫu. Với ý chí quyết tâm đó, bây giờ em Thuận đã đỗ đại học, tôi cầu chúc em luôn học giỏi”.

Chia tay Thuận và gia đình cũng là lúc mặt trời khuất sau rặng núi Gấm, những tia nắng cuối cùng của tháng 8 như thắp lên niềm hy vọng cho Thuận trong môi trường mới.
 

Độc giả báo điện tử Dân trí ủng hộ Ngô Văn Thuận

Sau khi bài viết về em Ngô Văn Thuận đăng trên báo điện tử Dân trí, một độc giả là Việt Kiều tại Na Uy đã liên lạc với PV Dân trí tại Nghệ An để nhờ trao 1.500.000 đồng tới em Thuận. Nhận được số tiền, PV Dân trí tại Nghệ An đã đến thăm và trao tới em.

 

PV Dân trí trao 1.500.000 đồng của chị Việt Kiều Na Uy tới em Ngô Văn Thuận.
PV Dân trí trao 1.500.000 đồng của độc giả là Việt Kiều Na Uy tới em Ngô Văn Thuận.

Chia sẻ với PV, chị Việt Kiều tại Na Uy bảo: “Tôi là một độc giả thường xuyên và luôn đồng hành cùng báo Dân trí. Tôi đã đọc và đọc rất nhiều hoàn cảnh mà báo Dân trí đã phản ánh. Nhiều hôm tôi đọc xong bài rồi chỉ biết khóc nữa mà thôi. Có rất nhiều hoàn cảnh thật khổ, trong số đó, có hoàn cảnh của em Thuận. Sau khi đọc xong những dòng về Thuận, tôi đã không cầm được nước mắt và tôi quyết định gửi cho em ấy món quà nhỏ để động viên, an ủi Thuận trong lúc khó khăn nhất. Tôi hy vọng và cầu chúc em Thuận sẽ học tập tốt ở môi trường mới”, chị Việt Kiều tâm sự.

Cũng theo chị Việt Kiều, chị sang Na Uy từ năm 22 tuổi, gia đình ở Việt Nam cũng khó khăn lắm, bố mẹ chị cũng là những chiến sỹ bộ đội nên chị hiểu hơn ai hết. Còn với Thuận, chị cũng hiểu rằng đó là ước nguyện sâu kín nhất trong cõi tâm tư. “Bố mẹ tôi đều là những người lính, sống trong cảnh nghèo khổ, giờ đây thấy hoàn cảnh của em Thuận tôi hiểu và rất thông cảm. Ở mảnh đất khách, xa quê hương tôi biết được em Thuận cũng như những hoàn cảnh éo le của cuộc sống qua báo Dân trí và tôi chỉ có món quà nhỏ cầu chúc em luôn đạt được ước nguyện của mình”.

Ngày nhận quà, thông qua PV Dân trí, Thuận xin gửi lời cảm ơn đến chị Việt Kiều (Na Uy) đã giúp đỡ em trong lúc khó khăn. “Em cảm ơn chị đã giúp em lúc này. Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của mọi người”.

 
Nguyễn Duy