"Cha mẹ trực thăng"

Quỳnh Anh

(Dân trí) - Biểu hiện thường thấy ở "cha mẹ trực thăng" là luôn muốn nắm quyền kiểm soát cuộc sống của con, từ việc lựa chọn quần áo, ăn uống đến định hướng tương lai, nghề nghiệp.

"Cha mẹ trực thăng"

Cách gọi này bắt nguồn từ sự liên tưởng tới hình ảnh những chiếc trực thăng lởn vởn ngay trên đầu những đứa con, được sử dụng lần đầu trong cuốn sách "Thuật ứng xử giữa cha mẹ và con cái" của Tiến sĩ Haim Ginott.

Cha mẹ trực thăng - 1

"Cha mẹ trực thăng" là cách gọi những ông bố bà mẹ chăm sóc con quá kỹ, luôn ở bên cạnh, hướng con theo ý mình (Ảnh: Mamamia)

Cách đây không lâu, mạng xã hội xôn xao bàn luận về phát ngôn của một người mẹ khi phát hiện con tiếp cận những nội dung không phù hợp lứa tuổi, cùng với lời cảnh báo "các phụ huynh hãy kiểm tra điện thoại của con mình". Một số chuyên gia về tâm lý học trong nước cho rằng hành vi của người mẹ này xuất phát từ việc chưa được chuẩn bị kỹ càng về mặt tâm lý khi phải đối diện với những thay đổi của con không nằm trong tầm kiểm soát của mình.

Trên thực tế, rất nhiều phụ huynh Việt Nam có suy nghĩ giống với người mẹ trong trường hợp kể trên. "Tôi nghĩ việc giám sát con là điều cần thiết, bởi thứ nhất, đó là con tôi và tôi có quyền. Thứ hai, tôi làm vậy vì tôi thương nó và muốn tốt cho nó", một bà mẹ giấu tên nêu quan điểm.

Trong khi đó, Phạm Yến Nhi (18 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Mình cho rằng nguyên nhân khiến các bố mẹ chăm sóc con quá kỹ lưỡng như vậy là do không tin tưởng vào con cái, đồng thời cũng do các thông tin tiêu cực trên phương tiện truyền thông khiến họ lo lắng rằng con mình sẽ đi sai hướng".

Phương pháp nuôi dạy "trực thăng" - nên hay không?

Có thể nói, ở một mức độ nào đó, sự bao bọc của cha mẹ là điều nên có, nhằm đảm bảo hành vi của con không vi phạm về mặt đạo đức và pháp luật. Chia sẻ về phương pháp giáo dục của mẹ mình, Võ Thị Huyền Anh (18 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Mình thấy bản thân được gia đình yêu thương, chiều chuộng, đặc biệt là mẹ, nhưng kèm theo đó mẹ sẽ đưa ra điều kiện mà mẹ nghĩ mình "cần" cho mình. Mình sẽ phải thực hiện cái mẹ mong muốn, để đổi lại cái mình mong muốn.

Mặc dù đôi khi có cảm thấy bị mẹ áp đặt, nhưng sau khi nhìn lại, mình biết ơn mẹ vô cùng, bởi mẹ uốn nắn mình từ những thứ nhỏ nhất trong cuộc sống. Sau này ra ngoài, mình không mắc phải lỗi đó nữa. Mình nghĩ đây là một thành công của mẹ, bởi mình đã trở thành một "con nhà người ta" trong mắt nhiều bạn đồng trang lứa".

Cha mẹ trực thăng - 2

Huyền Anh được mẹ nuôi dạy theo phương pháp yêu thương, chiều chuộng "có điều kiện" (Ảnh: Huyền Anh).

Tuy nhiên, khi sự bao bọc trở nên thái quá, các bậc cha mẹ sẽ trở thành "trực thăng", điều này không những không hề đem lại hiệu quả dạy con mà còn tác động một cách tiêu cực tới tâm lý và hành vi con trẻ.

Theo một bài đăng từ tài khoản Facebook Minh Đào về "Bi kịch của những đứa trẻ ngoan", phương pháp nuôi dạy "trực thăng" vô hình trung đã buộc những đứa trẻ phải trở nên "ngoan", nhưng thực chất bên trong vỏ bọc đó là một tâm hồn trống rỗng, không biết mình muốn gì. Với những đứa trẻ "ngoan", cuộc đời luôn được sắp xếp bởi một kịch bản có sẵn, khi mà "Nói 'Không' với bố mẹ là điều con thấy khó nhất".

Chủ nhân của bài viết chia sẻ: "Tôi cũng từng cố học thật giỏi, vì ở Việt Nam, học giỏi là cách dễ nhất là để bạn có được tình yêu từ bố mẹ và người khác. Tôi cũng tìm cách làm hài lòng bố mẹ, vì khi họ vui thì tôi cũng hạnh phúc. Tôi cũng phải bỏ qua những lời chê bai của họ, vì tôi biết rằng thế hệ ông bà, bố mẹ chúng ta sống trong một thời đại tăm tối về tâm lý học. Họ không có khái niệm về "không gian nội tâm", nên họ dạy con theo cách họ từng được dạy: đánh, mắng, chửi, so sánh, cung cấp đầy đủ cơm - áo - gạo - tiền... để con mình tốt hơn. Tôi thương họ, như mọi đứa con Việt thương bố mẹ khác, nhưng tôi cũng thương mình".

Theo kênh tâm lý trị liệu New Port Academy, một nghiên cứu thực hiện bởi Nicole Perry, Tiến sĩ Đại học Minnesota (Mỹ) cho thấy, những đứa trẻ được dạy dỗ bởi phương pháp "trực thăng" thường gặp khó khăn khi phải đối mặt với những yêu cầu, thách thức trong tương lai, cũng như trong việc định hướng môi trường học đường.

Bên cạnh đó, sự bao bọc quá mức của những ông bố bà mẹ trực thăng sẽ gây phản tác dụng. Với một vài bạn trẻ, "bố mẹ càng cấm thì mình càng làm". Nguyễn An Phương (17 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây, mình đều ngoan ngoãn nghe lời, không dám cãi lời bố mẹ. Tuy nhiên dần dần, mình bắt đầu có sự phản kháng, thậm chí có lần mình cư xử hoàn toàn trái ngược với những lời khuyên bảo của bố mẹ".

Nuôi dạy "trực thăng" không phải là phương pháp duy nhất giúp trẻ phát triển toàn diện

Đồng ý rằng cha mẹ nào cũng yêu thương con cái của mình. Tuy nhiên, yêu thương như thế nào cho phải là một bài toán khó đặt ra cho các bậc làm cha làm mẹ, bởi ranh giới giữa giáo dục và kiểm soát vô cùng mong manh.

Theo lời khuyên mà kênh New Port Academy đưa ra, cha mẹ nên khuyến khích con mình tự giải quyết các vấn đề của con mình thay vì giải quyết và đưa ra quyết định hộ chúng. Hơn thế nữa, việc kiểm soát mọi hành vi cử chỉ của con mình là không cần thiết. Hãy để con bước đi trên con đường của mình và cảm nhận mọi nỗi đau sau mỗi lần vấp ngã, từ đó chúng có thể tự nhận ra những bài học quý giá.

Quay trở lại với câu chuyện người mẹ ở đầu bài viết, liệu việc thường xuyên kiểm tra điện thoại có giúp ngăn chặn những hành vi sai trái của con? Câu trả lời là: Không.

Thực tế cho thấy, rất nhiều bạn trẻ vì muốn tránh sự kiểm soát của bố mẹ đã chọn cách nói dối. Như vậy, kiểm soát không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Điều này thực sự gây khó khăn cho bố mẹ trong việc định hướng hành vi của con trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên học cách lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của con mình, từ đó đưa ra những phương pháp trao đổi, giáo dục giúp con phân biệt thế nào là sai, thế nào là đúng.

Cha mẹ trực thăng - 3

Kiểm tra điện thoại con cái thường xuyên có ngăn chặn được hành vi sai trái của con? (Ảnh: ScreenTime).

Nguyễn Vân Trang (18 tuổi, Hà Nội) nói: "Mẹ mình không hề ngăn cấm hay giới hạn các trải nghiệm trong cuộc sống của mình; thay vào đó, mẹ sẽ đóng vai trò là người đưa lời khuyên để mình được trải nghiệm sao cho trọn vẹn nhất. Mình thật sự thích cách này của mẹ, bởi mình không hề cảm thấy bị gò bó, và mình cũng có mẹ là bạn đồng hành trong quá trình trưởng thành".

Cùng được giáo dục bằng phương pháp "làm bạn với con", Huyền Anh cho biết: "Khoảng cách tuổi tác giữa mình và mẹ đều không phải vấn đề lớn, bởi mẹ là người trẻ trung, năng động. Hơn nữa, mẹ luôn cố gắng lắng nghe, thấu hiểu con từ những điều nhỏ nhất. Nhờ phương pháp dạy con đặc biệt này của mẹ, mình và mẹ trở nên thân thiết với nhau hơn, bản thân mình cũng hoàn thiện theo hướng tích cực hơn".

Phương pháp nuôi dạy của bố mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hành trang lớn lên của mỗi đứa trẻ. Để con có thể phát triển một cách toàn diện nhất, các bậc phụ huynh nên cất "những chiếc trực thăng" trên bầu trời của con, và chấp nhận để con tự đối mặt với bất cứ rủi ro, sai lầm nào xuất hiện trên con đường mà chúng đi.