Cậu bé 6 tuổi học lớp 3 và câu hỏi: "Tại sao phải tách đứa trẻ?"

Hoài Nam

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, trường hợp Lữ Hoài Thương mới 6 tuổi đã học lớp 3, có khả năng vượt trội ở một số lĩnh vực không phải là cá biệt mà là hiện tượng phổ biến.

Thời gian gần đây, câu chuyện về Lữ Hoài Thương ở Đồng Tháp mới 6 tuổi đã học lớp 3, có khả năng tính nhẩm (được ví nhanh như máy tính) được nhiều người quan tâm.

Hiện, Thương đang học lớp 5 tại trường tiểu học Ngô Thì Nhậm. 

Cậu bé 6 tuổi học lớp 3 và câu hỏi: Tại sao phải tách đứa trẻ? - 1

Em Lữ Hoài Thương là trường hợp đầu tiên học vượt lớp ở Đồng Tháp (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo gia đình, khi học mầm non bé đã quan tâm đến chữ cái, con số. Thấy con có tố chất, bố mẹ thay nhau chơi đùa, dạy học, đọc sách cho con.

Việc Thương được học vượt 2 lớp đã được Phòng GD&ĐT TP Cao Lãnh chấp thuận sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Hội đồng khảo sát của trường.

Có phải là thần đồng?

Trường hợp những đứa trẻ như Thương, có khả năng tính toán nhanh, bắt kịp chương trình khi học vượt lớp, hoặc những khả năng vượt trội nào khác có phải là biểu hiện của thần đồng là mối quan tâm của rất nhiều người. 

Chia sẻ về trường hợp học sinh học vượt 2 lớp với một số biểu hiện nổi trội, TS Dương Minh Thành, Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) nói, theo Thuyết đa trí tuệ/đa trí thông minh của Howard Gardner thì đứa trẻ nào cũng có khả năng vượt trội ở một số lĩnh vực nào đó, ví dụ như ngôn ngữ, toán học, thể thao... Theo lý thuyết thì trường hợp của Thương không phải là cá biệt mà là hiện tượng phổ biến. 

TS Thành cho rằng gia đình, hệ thống giáo dục và xã hội có đủ sức làm bệ phóng giúp bé phát huy và phát triển tối đa năng lực vượt trội của mình hay không.

Vị trưởng khoa giáo dục chia sẻ, gia đình phải là nơi động viên, khuyến khích và tạo điều kiện (nếu có điều kiện) để con mình theo đuổi lĩnh vực tỏ ra vượt trội. 

Với những trường hợp học sinh có năng khiếu, có tài năng, có khả năng vượt trội thì nhà trường cần tạo điều kiện thêm cho trẻ bằng cách tạo môi trường giáo dục thuận lợi, ví dụ xếp vào lớp có nhiều học sinh tương tự, phân công giáo viên giỏi... 

Còn xã hội cần khuyến khích các trường hợp này, không nên coi đó là sự cá biệt mà chỉ là một trường hợp vượt trội bên cạnh vô số trường hợp khác. 

Đó là về mặt lý thuyết. Còn thực tế, TS Dương Minh Thành nhấn mạnh cần chú ý rất nhiều vấn đề. 

Thứ nhất, Thương cũng như bao trẻ khác đều bình thường về mặt tâm sinh lý, chỉ có vượt trội lên về một số năng lực nào đó. Khi đưa ra giải pháp thì ưu tiên sự phát triển tự nhiên của trẻ, tránh cực đoan hóa theo cách đầu tư toàn bộ thời gian, sức khỏe, tuổi thơ của bé cho mục đích phát triển tối đa năng lực đó. 

Nếu làm theo kiểu cực đoan hóa sẽ khiến đứa trẻ không còn tuổi thơ và tài năng nếu có sau này cũng sẽ thiên lệch.

Thứ 2, khi nuôi dưỡng một cái cây thì ngoài mầm cây tốt cần phải có môi trường tốt, với tình yêu thương làm suối nguồn. Do đó gia đình, thầy cô giáo, bạn bè luôn đi cùng với những bé có tài năng. Minh chứng các tài năng thể thao thế giới (môn cờ vua, tennis, ...) là luôn có người thân bên cạnh.

Thứ 3, gia đình và nhà trường cần cân nhắc khi đưa các bé tài năng học vượt lên khá xa so với các bạn cùng trang lứa. Cần cân bằng giữa học vượt và đảm bảo môi trường để các bé phát triển tự nhiên. Khi một đứa trẻ học chung với các học sinh lớp trên (cùng năng lực, khác tuổi) thì vô tình dẫn tới các học sinh đó sẽ ít bạn đi, ít người chơi cùng ... 

"Minh chứng trong lịch sử chỉ ra những đứa trẻ học vượt dễ rơi vào trầm cảm", TS Thành cảnh báo. 

Cuối cùng, TS Dương Mình Thành chia sẻ tài năng vượt trội chưa hẳn là ân huệ hay là may mắn với một đứa trẻ, với một gia đình. Do đó gia đình cần tỉnh táo để đưa ra những quyết định sáng suốt cho sự phát triển và tương lai của con. 

"Đây là chuyện bình thường. Gia đình và xã hội cố gắng giữ bình tĩnh", TS Thành nói.

Tách đứa trẻ ra cần phải cân nhắc nhiều thứ

Theo Thông tư số 28/2020 của Bộ GD&ĐT  ban hành Điều lệ trường tiểu học, từ năm học 2020-2021 học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. 

Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau: Trước hết cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.

Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo Trưởng phòng GD&ĐT xem xét quyết định.

Cậu bé 6 tuổi học lớp 3 và câu hỏi: Tại sao phải tách đứa trẻ? - 2

Nhiều trẻ có biểu hiện thần đồng nhưng thực chất là biểu hiện của giáo dục sớm (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Trao đổi về trường hợp học sinh học vượt 2 lớp, Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh, nguyên chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ bà hoàn toàn tôn trọng quyết định của Hội đồng trường, Phòng GD&ĐT nơi Thương đang theo học. Để đưa ra quyết định này, các bộ phận liên quan chắc chắn đã trải qua các giai đoạn kiểm tra, thẩm định, đánh giá, tư vấn...

Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, bà không đồng ý với việc tách đứa trẻ ra khỏi số tuổi của mình, đứa trẻ 8 tuổi thì cần được sống đúng với tuổi của mình. 

Bà nói một đứa trẻ tiểu học học chung với các anh chị THCS là không ổn chút nào trong mối quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội. Cuộc sống của trẻ cần rất nhiều yếu tố chứ không chỉ là việc học. 

Bà Thụy Anh cũng nhắc đến câu hỏi "Tại sao phải tách đứa trẻ ra?".

Bà cho rằng trẻ cần được tạo cơ hội để giáo dục và phát triển đúng độ tuổi. Trẻ cần được học giao tiếp, ứng xử thông thường phù hợp với lứa tuổi và tâm sinh lý. 

Nếu trẻ có khả năng nổi bật, bà Thụy Anh cho rằng nên tạo cơ hội để nuôi dưỡng và phát triển tài năng đó bằng nhiều cách như đầu tư hơn lĩnh vực đó, có yêu cầu bài học cao hơn hoặc thông qua đọc sách... mà không cần phải tách đứa trẻ ra môi trường phù hợp với lứa tuổi.

Bà cũng bày tỏ, những đứa trẻ 2 - 6 tuổi được ca tụng là thần đồng, thiên tài khi nói tiếng Anh như người bản xứ, tính nhẩm nhanh hơn máy tính hay nhớ các sự kiện lịch sử vanh vách... không phải là thần đồng mà là biểu hiện của giáo dục sớm. 

Khi đứa trẻ chớm bộc lộ khả năng hoặc sở thích về lĩnh vực nào đó, có thể cha mẹ hoặc các đơn vị giáo dục đã nhồi, luyện đủ kiểu. Não của một đứa trẻ như tờ giấy trắng, bắt chúng làm việc mỗi ngày với cường độ lớn thì chúng sẽ ghi nhớ tốt và biểu hiện ra bên ngoài.

Bà Thụy Anh cho rằng việc tách đứa trẻ ra cần phải hết sức cân nhắc đến đặc điểm tâm lý, nhận thức xã hội, kiến thức, giao tiếp xã hội, tâm sinh lý...