Cẩn thận với thiết bị chống cận

(Dân trí) - Chị Tú Mai có con học lớp 2 trường Tiểu học DL Đoàn Thị Điểm đã phải đeo kính cận 2 điốp. Để giúp con, chị Mai đã mua thiết bị chống cận về cho con dùng. Tuy nhiên, sau một thời gian, chị phải vứt bỏ thiết bị đó vì phản tác dụng.

Hằn cổ, mỏi lưng

Thiết bị chống cận được các công ty chào bán đến tận trường nên hầu như phụ huynh nào của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đều mua cho con. Tuy nhiên, sau một thời gian, các phụ huynh đã phải kêu trời vì tác hại của các thiết bị này.

Thiết bị chống cận được thiết kế gồm bảng nhựa kê trên bàn khoảng 2cm để học sinh để vở và thanh nhựa cao đến cổ học sinh nhằm giữ khoảng cách giữa mắt đến vở. Khác với lời giới thiệu tính “ưu việt” của sản phẩm là giúp cho học sinh có dáng ngồi thích hợp: lưng thẳng, ngẩng cao đầu và giữ khoảng cách tốt so với mặt vở, thì ngược lại, học sinh đã phải khốn khổ với thiết bị này.

Chị Tú Mai kể: "Thanh đỡ để giữ cho học sinh có khoảng cách từ mắt tới vở thì vừa yếu, vừa mỏng ngăn ngay ở cổ, nên tạo ra cảm giác đau khiến bé cứ nghển cổ lên ngồi viết. Sau một tuần học, tôi thấy cổ bé đỏ hằn và bé đã kêu đau cổ, mỏi cổ. Tôi không cho cháu dùng nữa, nếu dùng lại thêm phản tác dụng".

Một phụ huynh khác cho biết, cái bảng để vở cho học sinh cao hơn mặt bàn, vì thế khi viết tay cháu để không đều nên rất mỏi, chữ nguệch ngoạc trông rất xấu. Bên cạnh đó, chiếc hộp bút gắn với bảng trở nên thừa vì hầu như cháu nào cũng đã có một hộp rồi.

Cẩn thận với thiết bị chống cận - 1

Thiết bị chống cận làm bé đau cổ, mỏi lưng.

Còn theo cô giáo Trần Thị Thanh Loan, chủ nhiệm lớp 1A1, trường Tiểu học DL Lý Thái Tổ: Khi có thiết bị này, các em không còn ngả nghiêng ra bàn để viết mà ngồi rất ngay ngắn. Tuy nhiên, với các công dụng khác của chiếc bảng, như dùng để đọc và viết, thì lại phản tác dụng, ảnh hưởng đến học sinh vì với độ dày của bảng, học sinh đặt tay rất khó để viết vì quá gập ghềnh. Hơn nữa, cấu tạo của bảng khá trơn, nên quyển vở của học sinh thường bị trôi, khiến nhiều em phải loay hoay để chỉnh sửa.

Cần phải cải tiến nhiều mới dùng được

Theo bác sĩ Đặng Anh Ngọc, trưởng khoa Khoa sức khỏe trường học - Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế), với thiết bị này thì không nên dùng thuật ngữ “chống cận thị” vì không chính xác. Thiết bị này chỉ giúp các cháu luyện tập giữ một khoảng cách cần thiết nhưng với điều kiện cách giữa bàn và ghế phải chuẩn. Vì nếu bàn quá cao, khi đặt bảng lên sẽ càng khiến khoảng cách giữa sách vở và mắt rút ngắn lại. Hơn nữa, thanh chắn cao cũng làm trẻ có thể ngồi thẳng lưng nhưng cổ lại phải cúi gập xuống. Với một góc không phù hợp thì tư thế này sẽ chèn các mạch máu dẫn lên nuôi vùng đầu khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu.

“Việc chống cận thị hữu hiệu nhất là phải có ánh sáng đủ, khoảng cách hợp lý từ mắt đến vở, thời gian học tập khoa học. Thời gian thích hợp với học sinh tiểu học là dưới 1 giờ với ánh sáng bình thường. Với những vật có nguồn sáng kích thích như ti vi, máy tính, máy điện tử thì thời gian phải dưới 35 phút. Các bậc phụ huynh cũng phải quan tâm tới dáng ngồi của trẻ, góc học tập... để trẻ không bị cận thị” - bác sỹ Ngọc nói.

 

Ông Phạm Ngọc Phương, Cục phó Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) khuyến cáo: Thiết bị chống cận này nên dùng để đọc chứ không nên dùng để viết vì quá cập kênh so với mặt bàn. Tôi nghĩ thiết bị này cần cải tiến hơn nữa, vì khoảng cách giữa thanh chắn và bảng là hơi hẹp.
 
Thiết nghĩ, với thị trường thiết bị giáo dục đa dạng hiện nay, các bậc phụ huynh trước khi chọn sản phẩm cho con mình dùng nên tìm hiểu kỹ.
 
Hồng Hạnh