Cần giao quyền tự chủ cho các trường nghề

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của TS Lê Văn Học, trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Văn hoá, giáo dục Thanh niên, thiếu nhiên, nhi đồng Quốc hội trong buổi làm việc với UBND TPHCM về việc công tác thực hiện chính sách pháp luật về dạy nghề của TP vào ngày 25/12.

Đại diện cho Sở LĐ-TBXH TPHCM, ông Huỳnh Thanh Khiết - phó Giám đốc Sở báo cáo rằng từ năm 2006 đến 2013, số cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố (TP) đã tăng hơn 100 cơ sở, từ 320 cơ sở lên 430 cơ sở. Các cơ sở này trở thành mạng lưới phát triển đa dạng về hình thức và loại hình đào tạo. Hiệu quả công tác dạy nghề có chuyển biến tích cực với 70% sinh viên, học sinh, học viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Cần giao quyền tự chủ cho các trường nghề
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TPHCM về công tác thực hiện chính pháp luật về dạy nghề.

Tuy nhiên, ông Khiết cũng nhìn nhận chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp; chưa gắn với quy hoạch phát triển nhân lực với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; mất cân đối trong đào tạo giữa các nhóm ngành, nghề; việc phân luồng học sinh còn chưa hiệu quả. Một số chủ trương, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn người dân học nghề, chi phí hỗ trợ cho người dân học nghề còn thấp.

Đoàn giám sát của Quốc hội đã tập trung tìm hiểu kỹ mặt hạn chế của công tác dạy nghề tại thành phố, yêu cầu đánh giá lại hiệu quả việc sử dụng trang thiết bị, việc gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, cách thức thu hút học sinh thi vào các trường nghề. Nhiều đại biểu cũng tỏ ra nghi ngờ con số 70% có việc làm sau khi tốt nghiệp từ trường nghề. Bà Trần Hồng Thắm - đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đặt vấn đề: 70% học sinh trường nghề ra trường tìm được việc làm là một tỉ lệ đáng biểu dương, tuy nhiên liệu đó có phải là những công việc ổn định không. Các đại biểu giám sát đề nghị TPHCM cần đánh giá lại tỉ lệ này vì thị trường lao động hiện nay, nhiều doanh nghiệp “chê” công tác đào tạo nghề  và họ phải đào tạo lại. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng có giải pháp nào để cải thiện tình hình đầu vào tuyển sinh khó khăn.

Đại diện Sở LĐ-TBXH TPHCM cho biết: TP hướng đến việc phân luồng, 30% học sinh sau THPT học nghề. Đồng thời, sẽ có chính sách miễn, giảm và hỗ trợ để học sinh yên tâm học nghề. Đầu tư những trường nghề có uy tín, nâng chất lượng đào tạo, hiệu quả đào tạo  để thu hút người dân thay đổi quan điểm học làm thợ tốt hơn làm thầy trong bối cảnh hiện nay.

TS Lê Văn Học - Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hoán, giáo dục Thanh thiếu nhiên, nhi đồng - Quốc hội khóa 13, Trưởng đoàn giám sát cho rằng: Với cơ chế quản lý các cơ sở trường dạy nghề hiện nay quá nhiều nơi quản lý vì có quá nhiều loai hình trường trực thuộc ngành giáo dục quản lý, có trường thuộc ngành lao động, thương binh-xã hội quản lý, có trường thuộc các bộ ngành khác.

“Tổng Cục quản lý dạy nghề quản các trường chẳng khác quản trường mẫu giáo. Quản lý quá chặc chẽ đến mức từ chương trình, đề thi - đáp án bài kiểm tra, đến các sổ sách…thì các trường không còn gì để làm. Quản lý như vậy có nên hay không? Có nên đưa vào luật vấn đề tự học cho các trường nghề? Nhiều cơ chế nhưng chúng ta cũng cần thống nhất một chính sách trong đào tạo nghề để học sinh học xong có thể dùng tấm bằng này thi vào các trường ĐH-CĐ cùng ngành nghề để học chuyên sâu hơn” - ông Học nói.

 Cần giao tự chủ cho các trường nghề (Ảnh minh họa)
 Cần giao tự chủ cho các trường nghề (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, ông Học cũng đề xuất: “Vấn đề tổ chức các trường cao đẳng nghề vào hệ thống tuyển sinh quốc gia, cá nhân tôi rất ủng hộ chuyện này. Chúng ta có ngày hội tuyển sinh quốc gia trong khi chúng ta chưa bao giờ nghe nói đến ngày hội tuyển sinh trường nghề. Nếu không đi giám sát thì chúng tôi cũng không biết có những trường nào, nghề ra làm sao”.

Lê Phương