Phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng XHHT trong các tôn giáo:

Các cơ sở tôn giáo đóng góp tích cực cho công tác khuyến học

(Dân trí)- “Có thể nói ở mọi miền đất nước, đâu có nhà chùa, nhà thờ, thánh thất thì ở đó các vị chức sắc tôn giáo… ngoài chăm lo việc đạo đã hết lòng giúp đỡ các cháu học sinh, thầy cô giáo, gia đình nghèo có điều kiện đến trường học tập và giảng dạy tốt”.

Phó Chủ tịch TW Hội Khuyến học Việt Nam (HKHVN) Trần Xuân Nhĩ đã nhấn mạnh như trên tại hội nghị “Các tôn giáo tham gia công tác khuyến học- khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” khu vực phía Nam diễn ra vào ngày 9/5 tại tỉnh Trà Vinh.

Tham dự hội nghị có ông Dương Hòa Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh; bà Sơn Thị Ánh Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; các Phó Chủ tịch TW Hội Khuyến học Việt Nam: ông Trần Xuân Nhĩ, ông Lương Ngọc Toản, ông Phạm Thanh Phong; cùng lãnh đạo Hội KH và đại diện các nhà chùa, nhà thờ, thánh thất của 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Các cơ sở tôn giáo đóng góp tích cực cho công tác khuyến học
Quang cảnh hội nghị các tôn giáo với công tác khuyến học, khuyến tài tại các tỉnh khu vực phía Nam.

Hàng tỷ đồng giúp học sinh nghèo đến trường

Bà Dương Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch Hội KH tỉnh Trà Vinh cho biết, điểm nổi bật của công tác KH - KT là các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tham gia việc giúp đỡ HS-SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn được đến trường bằng tiền mặt hay các hiện vật và tặng thưởng HS-SV giỏi, giáo viên gặp khó khăn. Toàn tỉnh có 119 cơ sở có Quỹ KH với số tiền mặt vận động nhiều năm nay là trên 3,6 tỷ đồng và các hiện vật quy thành tiền là gần 6 tỷ đồng và đã cấp học bổng, khen thưởng… cho 14.670 HSSV. Ngoài ra, nhiều cơ sở tôn giáo còn nhận đỡ đầu cho trên 1.000 HS; một số nhà chùa, nhà thờ đã hiến 11.860m2 đất và đóng góp tiền, vật tư vào xây dựng sân trường, làm đường, xây dựng cầu...  “Từ kết quả trên cho thấy công tác khuyến học - khuyến tài trong các tôn giáo đang góp phần không nhỏ vào mục tiêu xây dựng xã hội học tập ở cơ sở” - bà Hà nói.

Đại đức Thích Nghiêm Thiền (chùa Núi Bà, tỉnh Tây Ninh) cho hay: Nhà chùa đã hiến đất và hỗ trợ kinh phí xây mới 1 trường THCS và các phòng học cho các cháu ở các trường mẫu giáo đóng trên địa bàn thị xã, huyện Hòa Thành, huyện Bến Cầu… với số tiền trên 7 tỷ đồng. Ngoài ra, trung bình hằng năm, nhà chùa ủng hộ Quỹ KH các cấp trong tỉnh gần 100 triệu đồng để tặng học bổng cho HS khó khăn, khen thưởng HS giỏi để tiếp sức cho các em đến trường, phòng chống bỏ học giữa chừng.

Đại diện tôn giáo Cao Đài, ông Huỳnh Bửu Lâm (họ đạo Cao Đài xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, Bến Tre) nói: “Nhận thức được công tác khuyến học- khuyến tài là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, họ đạo Cao Đài thống nhất thành lập Chi Hội Khuyến học để góp quỹ hỗ trợ khuyến khích con em nhà đạo nghèo có nguy cơ bỏ học”. Đến nay họ đạo đã giúp cho nhiều em SV chi phí học Đại học, trao quà cho các em HS vào đầu năm học mới. Tổng tiền quỹ của chi hội hiện nay trên 25 triệu đồng cũng nhiều hiện vật khác.

Tại tỉnh Sóc Trăng (một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer, đạo Phật giáo sinh sống) theo ông Lâm Es - Chủ tịch Hội KH tỉnh Sóc Trăng cho biết: Nhờ sự phối hợp với các chức sắc tôn giáo trong tỉnh, Hội KH các cấp đã phát huy hiệu quả công tác KH-KT sẵn có trong mọi giới chức sắc tôn giáo như: hoạt động công tác an sinh xã hội, mở lớp học tình thương, giúp đỡ HS nghèo, lo chỗ ăn ở cho HS nghèo, cơ nhỡ.

Chủ tịch Hội KH Sóc Trăng cho biết, tại Sóc Trăng có Hòa thượng Tăng Nô (trụ trì chùa Khleng) luôn tích cực hoạt động phòng trào KH - KT. Hơn 10 năm qua, nhà chùa đã cho tá túc và nuôi cơm hàng ngàn HSSV nghèo ở vùng nông thôn sâu, vùng xa để đi học phổ thông, TC, CĐ, ĐH. Nhà chùa còn hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng trường học, mở các lớp xóa mù chữ tiếng Khmer, xây nhà tình thương cho bà con phật tử nghèo.

Thượng tọa Thích Trí Minh (trụ trì chùa Phước Tường, huyện Cầu Kè, Trà Vinh) cho hay: Hơn 11 năm qua, nhà chùa đã vận động các nhà hảo tâm với số tiền trên 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho HS nghèo. Bên cạnh đó, nhà chùa còn hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở (như năm học 2011-2012 xây 4 căn nhà trị giá trên 70 triệu đồng) góp phần tạo nơi ăn chốn ở cho giáo viên an tâm dạy tốt. Vào những tháng hè, chùa mở các lớp dành riêng cho các em HSSV tham gia học tập tạo điều kiện cho các em nhận thức rõ nhân cách đạo lý làm người để luôn rèn luyện, học tập, trao đồi trí tuệ, không sa vào tệ nạn xã hội trở thành con ngoan trò giỏi. Trong những năm qua, chùa đã tổ chức 154 cuộc học tập với trên 46.200 lượt người tham dự, một con số không nhỏ.

Tại chùa Cẩm Phong (huyện Gò Dâu, Tây Ninh), theo Thượng tọa Thích Định Tánh cho biết: Nhà chùa nuôi được 76 trẻ mồ côi và có mời cô bảo mẫu về chăm sóc nuôi dạy trẻ. Trong đợt lũ 2010 vừa qua, chùa đã ủng hộ tỉnh bạn An Giang, tỉnh Kon Tum hàng trăm phần quà trị giá gần 100 triệu đồng để phát cho các em HS. Nhà chùa còn tặng quà cho HS nghèo là người Việt ở Campuchia với số tiền gần 80 triệu đồng. Tất cả khoản tiền và quà, hiện vật nhà chùa đã ủng hộ cho hoạt động KH - KT trong những năm qua gần 3 tỷ đồng.

Các cơ sở tôn giáo đóng góp tích cực cho công tác khuyến học
Thượng tọa Thích Thiện Xuân (Đồng Tháp): "Khuyến học - Khuyến tài không chỉ là trao quà, phát thưởng mà nên tập trung vào chất lượng học tập lâu dài".
 
Khuyến học- khuyến tài không chỉ là trao quà, phát thưởng

Theo ông Đặng Phúc Minh - Phó Chủ tịch Hội KH huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) cho biết: Địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có khoảng 34 xứ đạo và nơi đây cũng được mệnh danh là “miền đất học”. Ông Minh cho hay, nơi đây việc bỏ học của các cháu rất ít dù cha mẹ vẫn còn nghèo khó. Song, họ sẵn sàng bán nhà cửa, ruộng vườn để cho con em được học tới nơi tới chốn.

Ông Minh cho rằng, có nhiều nguyên nhân để công tác KH - KT tại 34 xứ đạo phát triển. Trước hết là bởi nhận thức của các giáo dân ở đây rất đúng đắn về sự học. Họ cho rằng, sau mỗi lần biến đổi, cái còn lại không phải là vật chất, là nhà cửa, là ruộng vườn mà là con người, là trí tuệ. Chính vì thế, họ coi trọng sự học, kính trọng người có học thức, trọng dụng người có tài. Bên cạnh đó, các vị linh mục ở đây sẵn sàng giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn để làm sao tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học sinh nghèo được đến trường.

Cũng theo ông Đặng Phúc Minh, ngoài việc KH - KT, các xứ đạo còn được các linh mục hàng ngày chỉ dẫn, dạy bảo về đạo đức cho tất cả mọi người. Vì thế ở các xứ đạo còn một việc làm thường xuyên nữa là khuyến đức. Chính vì thế mà 34 xứ đạo đều đạt danh hiệu giáo xứ 3 không: không mại dâm, không xì ke ma túy, không trộm cắp.

Còn Trụ trì chùa Phước Tường Thích Trí Minh (Trà Vinh) đánh giá: Thông qua việc vận động tuyên truyền đã thấy rõ “Gia đình hiếu học” là hạt nhân cơ bản của xã hội học tập và là một trong những lực lượng chính tham gia hoạt động học tập ở cơ sở, là việc làm quan trọng và rất cần thiết, tạo tiền đề cơ bản cho việc xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, ích đạo- lợi đời là biểu hiện đạo đức nghĩa tình và trách nhiệm nối tiếp của các thế hệ. “Chi hội Khuyến học của chùa Phước Tường đã có 600 gia đình đăng ký gia đình hiếu học và tỷ lệ đạt được trên 90% gia đình hiếu học được công nhân”- trụ trì chùa Phước Tường nói.

Khi đó, Linh mục Đinh Ngọc An (giáo xứ Bùi Thái, TP Biên Hòa, Đồng Nai) thẳng thắn: “Có lẽ chưa bao giờ việc giáo dục thanh thiếu niên lại rất thuận lợi nhưng cũng quá khó khăn như hiện nay. Làm sao để có được “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, làm sao để thực hiện được “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, xây dựng được “xã hội học tập”…ở tầm vĩ mô Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách, chỉ thị và Hội Khuyến học là nòng cốt thực hiện ước mơ đó?”. Linh mục Đinh Ngọc An nhấn mạnh, chúng ta cần phải chung tay hình thành được môi trường sống tốt đẹp. Mỗi gia đình là một mái ấm thực sự, quản lý - yêu thương - giáo dục, kết hợp chặt chẽ gia đình - học đường - xã hội tạo cho con em mình những ước mơ hoài bão; mỗi người làm cha mẹ, thầy cô, người đứng đầu phải mẫu mực trong cuộc sống, trong công việc, chan hòa thân ái, chu toàn bổ phận, một tấm gương sống động để các em được học tập noi theo.

Còn Linh mục Nguyễn Quới Thọ (giáo xứ Định Bình, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) bày tỏ: Để đưa cuộc sống người giáo dân đi lên, con đường văn hóa là bảo đảm nhất, là vững chắc nhất. Giới trẻ đi học: học để thoát nghèo, thoát dốt. Mười phút, mười lăm phút trước thánh lễ mỗi chúa nhật tại nhà thờ, linh mục chánh sở không ngừng giải thích, kêu gọi, động viên giới trẻ đi học, phụ huynh cố gắng tiết kiệm, dành dụm đầu tư cho con.

Thượng tọa Thích Thiện Xuân- Phó Trưởng  Ban đại diện Phật giáo tỉnh Đồng Tháp, trụ trì chùa Hồng Liên, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, cho biết: Khuyến tài - khuyến học không chỉ là trao quà, phát thưởng mà cần phải thể hiện “tinh thần chất lượng khuyến học”. Theo Thượng tọa Xuân, để làm được điều này cần có sự kết hợp giữa 4 nhà: nhà trường, nhà nước, gia đình, các nhà lãnh đạo tôn giáo. Thượng tọa Thích Thiện Xuân giãi bày: Các em tuổi trẻ đôi khi tư chất tốt nhưng thiếu điều kiện thì tư chất đó khó vươn lên, cũng giống như khúc gỗ quý không có thợ khéo tay thì cũng quăng vào bếp. Do đó mỗi địa phương, mỗi một người khi lãnh nuôi dưỡng một hoặc nhiều em thì phải thường xuyên theo dõi các em”.

“Chúng tôi thấy rằng, khuyến học phải nuôi dưỡng các em từ buổi ban đầu cho đến nơi đến chốn. Mỗi năm phải có báo cáo cho các mạnh thường quân biết tình hình của các em để họ biết có bao nhiêu em đậu đại học, bao nhiêu em đã ăn học thành tài, bao nhiêu em ra trường có việc làm. Như thế để cho họ thấy công tác khuyến học có hiệu quả mà mạnh dạn tiếp tục ủng hộ nữa. Hoặc nếu có em nào không học nữa thì có thể hướng cho các em học nghề để các em có việc làm nuôi sống bản thân, tránh “nhàn cư vi bất thiện”- Thượng tọa Thích Thiện Xuân thẳng thắn nói.

Qua các phát biểu của các chức sắc tôn giáo cho thấy các tổ chức tôn giáo tuy chưa có “công tác cụ thể” đối với việc KH- KT nhưng mỗi cơ sở đều thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hướng về sự nghiệp giáo dục. Các sư, các linh mục đều nhận thức được sự đúng đắn của chủ trương, chính sách về KH- KT, xây dựng xã hội học tập của Đảng, Nhà nước. Từ đó, nhà chùa, nhà thờ phối hợp cùng Hội KH các cấp thực hiện những hoạt động, việc làm thiết thực để giúp các em HSSV nghèo trên địa bàn. Các chức sắc tôn giáo cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội KH địa phương tích cực đóng góp cho hoạt động KH - KT, xây dựng xã hội học tập ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung ngày càng tốt hơn.

Các đại biểu cũng kiến nghị để hoạt động của Hội cơ sở có điều kiện tốt hơn, nên chăng cần công nhận Hội cơ sở cũng là Hội có tính đặc thù để có những hỗ trợ thiết thực nhất giúp cho các chức sắc tôn giáo hoạt động được thuận lợi.

Các cơ sở tôn giáo đóng góp tích cực cho công tác khuyến học
Phó Chủ tịch TW Hội KH Việt Nam Trần Xuân Nhĩ: "Sự đóng góp của các tôn giáo cho khuyến học- khuyến tài có thể nói gần như là mười phân vẹn mười".
 
Phát biểu tổng kết tại hội nghị, ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch TW Hội KH Việt Nam nhấn mạnh: “Thời gian qua, các cơ sở tôn giáo trong cả nước nói chung, khu vực phía Nam nói riêng đã đóng góp hết sức tích cực, sáng tạo, nhiệt tình, đem hết cái tâm của mình ra để tham gia vào phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Có thể nói những sự đóng góp này đã gần như là mười phân vẹn mười”.

Theo ông Nhĩ, các cơ sở tôn giáo đã làm đủ mọi cách trong và ngoài nhà trường như chăm sóc trẻ khó khăn, mồ côi, bị bỏ rơi, lo chỗ ăn ở, khám chữa bệnh, mở trường lớp, làm đường giao thông….với số tiền bỏ ra không hề nhỏ để lo cho các cháu ăn học. Những thành tích này đáng được ghi nhận và biểu dương một cách tích cực nhất.

Phó Chủ tịch TW Hội KH Việt Nam cho rằng, hội nghị lần này đáng lẽ phải được tổ chức từ nhiều năm trước để ghi nhận sớm hơn sự đóng góp quý báu của các tôn giáo đối với công tác KH- KT. Qua hội nghị này, Phó Chủ tịch TW Hội KH Việt Nam đề nghị: Trong thời gian tới, các tổ chức tôn giáo cần phối hợp hơn nữa với các trường, Hội KH các cấp để có thể kịp thời đỡ đầu cho những hoàn cảnh khó khăn vì một xã hội học tập phát triển sâu rộng, vững mạnh hơn.

Huỳnh Hải