Các chuyên gia giải đáp về "ma trận" phương thức xét tuyển đại học 2022

Nguyễn Phương Thảo

(Dân trí) - Tuyển sinh năm 2022, về cơ bản là giữ ổn định song mục tiêu của Bộ GD&ĐT là sẽ điều chỉnh lại quy chế và kỹ thuật để đảm bảo, tạo điều kiện tối đa cho học sinh.

Vào tối ngày 17/02/2022, đã diễn ra chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022 với chủ đề "Chọn phương thức nào khi xét tuyển đại học, cao đẳng?" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) thực hiện.

Buổi tư vấn có sự tham gia của 6 khách mời đến từ Bộ Giáo dục và đào tạo, cùng các trường đại học. Rất nhiều những câu hỏi và thắc mắc đã được các khách mời giải đáp, đặc biệt là việc nên chọn phương thức nào khi xét tuyển ĐH, CĐ giúp các thí sinh cũng như phụ huynh nắm rõ hơn.

Các chuyên gia giải đáp về ma trận phương thức xét tuyển đại học 2022 - 1

Bộ GD&ĐT dự kiến đối với tất cả phương thức đăng ký xét tuyển của thí sinh sẽ tiến hành lọc ảo chung (Ảnh: DT).

Dự thảo về Quy chế tuyển sinh 2022: Cơ bản giữ ổn định

Tại buổi tư vấn, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo) cho biết, năm 2022, kỳ thi THPT cơ bản vẫn giữ ổn định, không có gì thay đổi, thí sinh thi các môn để tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH,CĐ.

"Về phía Bộ GD&ĐT hàng năm cũng đánh giá lại kết quả tuyển sinh của các trường cũng như dư luận xã hội, kiến nghị của cử tri, đại biểu quốc hội để triển khai điều chỉnh những chính sách cho phù hợp.

Trong năm 2022, về cơ bản là giữ ổn định song mục tiêu của Bộ GD&ĐT là sẽ điều chỉnh lại quy chế và kỹ thuật để đảm bảo, tạo điều kiện tối đa cho học sinh. Từ khâu đăng ký, xét tuyển đến đảm bảo tính công bằng đối với học sinh giữa ngành với ngành, giữa các phương thức tuyển sinh trong 1 ngành và giữa các trường với nhau để đảm bảo sự công bằng, minh bạch, tối ưu nhất cho thí sinh", ông cho hay.

Với phương châm đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đang triển khai phương án sửa phần mềm để cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH,CĐ thiên về trực tuyến, trường hợp bất khả kháng mới sử dụng phương thức giấy như trước đây.

Và theo quyết định của Thủ tướng thì phải đăng ký trên cổng dịch vụ công của Chính phủ để kiểm soát được việc đăng ký của thí sinh và công khai minh bạch với toàn xã hội.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT dự kiến đối với tất cả phương thức đăng ký xét tuyển của thí sinh sẽ tiến hành lọc ảo chung. Trước đây thì chỉ tập trung lọc ảo nếu các cơ sở giáo dục ĐH chỉ cần sử dụng kết quả của một môn thi THPT, nhưng đến thời điểm hiện nay để đảm bảo tính công bằng hơn nữa giữa các trường, giữa các ngành thì sẽ tiến hành lọc ảo tất cả các phương thức xét tuyển của thí sinh.

Bên cạnh đó, trong chính sách ưu tiên, cụ thể là chính sách ưu tiên khu vực, Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá lại nhưng có lộ trình để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh trong vấn đề áp dụng chính sách cũng như là đảm bảo tính công bằng.

Cũng trong buổi tư vấn, TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thời gian công bố mẫu đề thi sẽ như mọi năm; kiến thức, nội dung hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 12.

ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trương đẩy mạnh kỳ thi ĐGNL như một tiêu chí xét tuyển mang tính chủ lực

Chia sẻ về chủ trương tuyển sinh, TS Dương Tôn Thái Dương - Phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, ĐH Quốc gia TP.HCM cùng với các đơn vị thành viên cũng đã duy trì mục tiêu, định hướng của mình trong việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh từ giai đoạn 2016 đến nay.

Trong đó, sử dụng các phương thức tuyển sinh riêng bên cạnh kết quả của kỳ thi THPT.

"Từ 2017 chúng tôi thiết kế các phương thức ưu tiên về xét tuyển các thí sinh giỏi ở các trường THPT, trường chuyên phổ thông năng khiếu trong cả nước, khoảng 150 trường.

Đến năm 2018, bắt đầu triển khai kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) để xây dựng một tiêu chí xét tuyển mang tính chủ lực của ĐH Quốc gia TP.HCM", phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay.

Năm 2021, trường đã tuyển được 20% tổng chỉ tiêu của ĐH Quốc gia, khoảng chừng 5000 thí sinh từ phương thức xét tuyển bài thi ĐGNL. Cũng theo đó, TS Thái Dương cho biết năm 2022, trường sẽ cố gắng đẩy mạnh và đưa chỉ tiêu lên 40% trên toàn hệ thống của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Song song với đó, nhà trường đã và đang tiếp cận với những phương thức xét tuyển mang tính kết hợp, tức là kết hợp các tiêu chí với nhau như: kết hợp học bạ với điểm bài thi ĐGNL; kết quả thi THPT hoặc với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như ielts, toeic, toefl,...

"Chúng tôi thực hiện các kế hoạch chiến lược một cách đồng bộ trong việc hướng đến tuyển chọn những thí sinh có năng lực mang tính toàn diện, đảm bảo năng lực học tập ĐH của người học và đồng thời có thể phát huy năng khiếu, sở trường mà thí sinh có được trong quá trình đào tạo của mình", TS Thái Dương chia sẻ.

Với mục tiêu đó, năm nay ĐH Quốc gia TP.HCM đã và đang tiếp tục triển khai các phương thức xét tuyển. Đối với kỳ thi ĐGNL, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ được tổ chức 2 đợt:

Đợt 1 thi vào ngày 27/03/2022, thời gian đăng ký là từ 28/01-28/02/2022.

Đợt 2 thi vào ngày 22/05/2022, thời gian đăng ký từ 05/04-25/04/2022.

"Nếu thi đợt 1 mà mức điểm chưa hài lòng thì thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký thi đợt 2. Và kết quả của lần nào cao nhất thì chúng tôi sẽ lấy kết quả đó đưa vào hệ thống xét tuyển và lọc ảo của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Và chỉ xét tuyển 1 lần duy nhất sau khi 2 đợt thi kết thúc, dự kiến là cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm nay. ", phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay.

Tham gia sớm và sử dụng nhiều phương thức xét tuyển sẽ tạo ra nhiều cơ hội

Về phía trường ĐH Văn Hiến, sử dụng 5 phương thức xét tuyển chính bao gồm:

Sử dụng kết quả học bạ (Kết quả của 5 học kỳ, 3 học kỳ, 2 học kỳ hoặc điểm bình quân của lớp 12);

Sử dụng kết quả của kỳ thi Tốt nghiệp THPT;

Kết quả của kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức;

Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT cũng như quy định của ĐH Văn Hiến;

Ngoài ra, một số ngành phải kết hợp với thi năng khiếu như: Thanh nhạc, piano.

Theo đó, ThS Trần Mạnh Thái - giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Văn Hiến cho biết, nếu như hiện tại thí sinh đã có kết quả của học kỳ I thì hoàn toàn có thể tham gia xét tuyển học bạ vào các trường ĐH nếu như các trường đó có sử dụng phương thức sử dụng kết quả của lớp 10,11 và học kỳ I của lớp 12. Việc tham gia sớm và sử dụng nhiều phương thức xét tuyển sẽ tạo ra nhiều cơ hội dựa trên các thời điểm. Ở mỗi thời điểm khi có kết quả thí sinh cần sử dụng một cách linh hoạt.

Tuy nhiên, ThS. Trần Mạnh Thái cũng nhấn thí sinh cần tỉnh táo và xác định được hai điều kiện "cần" và "đủ". Trong đó, điều kiện cần là phải tốt nghiệp THPT và điều kiện đủ là đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào của các trường dựa trên các phương thức xét tuyển.

Cũng theo đó, ThS Đặng Thị Tuyết Nhi, giảng viên khoa ngoại ngữ - Trường CĐ Công thương TP.HCM đề xuất thí sinh nên thực hiện kết hợp, đặc biệt là với phương thức xét tuyển học bạ. Và sau khi có kết quả từ các kỳ thi như kỳ thi THPT, kỳ thi ĐGNL thì thí sinh tiếp tục đăng ký thì tỷ lệ vào được môi trường và cơ sở đào tạo mong muốn sẽ có cao hơn.

Trường ĐH Tây Nguyên xét tuyển theo 4 phương thức xét tuyển chính bao gồm: Xét tuyển kết quả bài thi tốt nghiệp THPT; Xét học bạ; Xét điểm kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM; Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, với phương thức xét học bạ, có 4 cách:

Thứ nhất, xét điểm trung bình THPT năm lớp 12;

Thứ hai, xét điểm trung bình THPT năm lớp 11 + điểm THPT học kỳ I năm lớp 12;

Thứ ba, xét điểm trung bình THPT năm lớp 10,11 + điểm THPT học kỳ I năm lớp 12;

Cuối cùng, xét điểm trung bình THPT năm lớp 10,11 và 12.

Với phương thức xét học bạ, PGS.TS Nguyễn Phương Đại Nguyên - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên, khuyên các thí sinh hãy cân nhắc và chọn 1 trong 4 cách thức, cách nào điểm cao nhất thì nên lựa chọn.

Trả lời cho câu hỏi "Giữa xét tuyển học bạ và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, thì phương thức nào dễ trúng tuyển hơn" của bạn học sinh, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên, PGS.TS Nguyễn Phương Đại Nguyên chia sẻ rằng tùy theo ngành, với những ngành số lượng thí sinh đăng ký vào hạn chế, cạnh tranh ít thì có thể thì phương thức nào cũng có cơ hội cao. Ngược lại, với những ngành số lượng thí sinh đăng ký lớn, cạnh tranh nhiều thì phương thức nào cũng có sự cạnh tranh rất mạnh, cả xét điểm học bạ hay điểm THPT.

Tại buổi tư vấn, ThS Nguyễn Anh Vũ - trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết với chuyên ngành Digital marketing có 2 phương thức xét tuyển là: xét điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM.

Ngoài ra, chương trình chất lượng cao hay quốc tế song bằng thì có phương thức kết hợp giữa học bạ với các yếu tố khác như: đạt học sinh giỏi các học kỳ, học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc các chứng chỉ tiếng Anh như ielts, vstep,...

Trước câu hỏi của một vị phụ huynh rằng: "Việc sử dụng ielts để không phải thi môn tiếng Anh là có chính xác hay không?"

"Đối với những bạn có chứng chỉ ngoại ngữ thuộc diện có thể miễn thi tốt nghiệp ở môn tiếng Anh và hàng năm Bộ GD&ĐT đều có ban hành bảng quy đổi điểm cụ thể, đó là với mục đích xét tốt nghiệp THPT.

Nhưng với mục đích thứ hai, dùng điểm ielts để xét tuyển vào các trường ĐH mà bằng điểm thi THPT thì lại là một câu chuyện khác. Khi đó, thí sinh phải xem cụ thể trong quy chế tuyển sinh của các trường, có những trường chấp nhận việc quy đổi này, nhưng cũng nhiều trường thì lại không. Ví dụ, như tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nếu xét bằng điểm thi tốt nghiệp  THPT tại tất cả tổ hợp có môn tiếng Anh thì vẫn phải thi môn tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp  THPT, chứ nhà trường không quy đổi điểm ielts sang thang điểm 10", ThS Nguyễn Anh Vũ chia sẻ.