BỘ GD&ĐT cho phép học sinh lớp 10 đổi môn tự chọn

Mỹ Hà

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản hướng dẫn, theo đó trong trường hợp đặc biệt, học sinh được chuyển đổi tổ hợp môn tự chọn vào cuối năm học.

Văn bản hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký nêu rõ, trước tình hình thực tế hiện nay đối với năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học phổ thông, Bộ GD&ĐT hướng dẫn tạm thời việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông.

Theo đó, việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12.

BỘ GDĐT cho phép học sinh lớp 10 đổi môn tự chọn - 1

Trường hợp đặc biệt học sinh muốn đổi môn tự chọn, phải thực hiện vào cuối năm học (Ảnh: Mạnh Quân).

Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới.

Đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự học của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên học sinh lớp 10 thực hiện chương trình, SGK mới. Ngoài những môn học bắt buộc, học sinh được chọn 4 môn học khác.

Sau một học kỳ, nhiều em mong muốn chuyển đổi tổ hợp môn vì không phù hợp nhưng nhà trường, các Sở GD&ĐT đều lúng túng vì Bộ GD&ĐT chưa hướng dẫn cụ thể.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) cho biết, nhà trường đang rất "đau đầu" vì đến thời điểm này có khoảng 30-40 học sinh có nhu cầu chuyển tổ hợp môn (tương đương 10% học sinh), chưa kể học sinh muốn chuyển trường theo gia đình. Thế nhưng nếu chiếu theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường khá bối rối.

Cụ thể, theo công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT có hướng dẫn: "Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD&ĐT". Do vậy, việc thay đổi sẽ do nhà trường quyết định.

Thế nhưng mỗi trường sẽ có kế hoạch tổ chức giảng dạy, xây dựng cơ cấu lớp, quy định sĩ số lớp, phân công giáo viên, cơ sở vật chất..., khác nhau, nên cần có những hướng dẫn riêng.

Và theo bà Văn Liên Na, Bộ GD&ĐT nên quy định trường hợp "đặc biệt" là như thế nào để các trường dễ vận dụng.

BỘ GDĐT cho phép học sinh lớp 10 đổi môn tự chọn - 2
Bộ GD&ĐT nên có quy định linh hoạt trong việc chuyển đổi tổ hợp (Ảnh: Đ. Tuệ).

Hiện nhà trường chưa nhận được đơn xin chuyển tổ hợp từ học sinh lớp 10 nhưng theo ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lô mô nô xốp, nhu cầu đổi tổ hợp môn hoàn toàn có.

"Ngay cả học sinh lớp 12, dù sắp sửa thi nhưng nhiều em vẫn muốn đổi khối thi.

Thậm chí có em học một thời gian tổ hợp toán, hóa, sinh nhưng sau một năm thấy không phù hợp lại đổi sang tổ hợp vật lý, địa lý, tin học…

Sau một năm theo đuổi tổ hợp vật lý, địa lý, tin học, một số em lại quay về tổ hợp ban đầu để phù hợp với bài thi đánh giá năng lực của một số trường đại học", thầy Tùng chia sẻ.