Bị tố gian lận trong nghiên cứu, giáo sư trẻ nhất Việt Nam xin lỗi
(Dân trí) - Bị tố gian lận trong nghiên cứu khi sử dụng cùng một phổ cộng hưởng từ cho nhiều bài báo khác nhau, GS Phan Thanh Sơn Nam lên tiếng xin lỗi về sự việc.
Mới đây, bách khoa toàn thư mở Wikipedia có đăng tải nội dung "tố" GS Phan Thanh Sơn Nam gian lận kết quả nghiên cứu.
GS Phan Thanh Sơn Nam hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM, được biết đến là nhà khoa học trẻ nhất Việt Nam được phong chức danh giáo sư vào năm 2014.
Theo trang này, GS Phan Thanh Sơn Nam gian lận kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cộng hưởng từ của cùng một lần đo cho nhiều kết quả khác nhau trong một số bài báo khác nhau không liên quan (xuất bản từ năm 2014-2020).
Hiện trên trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã không còn thông tin này. Bài viết về GS Phan Thanh Sơn Nam cập nhật được chỉnh sửa lần cuối vào ngày 9/3/2021.
Liên quan đến sự việc, GS Phan Thanh Sơn Nam thừa nhận sai sót và lên tiếng xin lỗi.
GS Phan Thanh Sơn Nam cho biết, sau khi nắm thông tin trong một số công bố của nhóm nghiên cứu, xảy ra tình trạng trong phần phụ lục (SI) của bài này, có một số phổ NMR giống với NMR trong SI của bài khác của chính nhóm mình nghiên cứu.
Nhóm đã rà soát lại và cũng đã email xin tạp chí cho đăng bản đính chính cho phần SI của 4 bài báo bị lỗi trên.
GS Nam cho biết, trong các bài báo của mình, phần viết SI được kiểm tra qua nhiều vòng nhưng không thoát khỏi được tai nạn này. Việc bài báo này có hình ảnh hay dữ liệu giống bài báo khác trong chính nhóm của mình, kể cả trong phần SI, là sai.
"Xưa nay mình vẫn nhắc nhở học trò mình rằng chuyện này là sai. Nhóm mình đã sai thì phải tự sửa lại cho đúng", ông bày tỏ.
GS Phan Thanh Sơn Nam chia sẻ trên trang cá nhân:
"Đúng là xưa nay mình chỉ chăm chút kỹ phần bài báo, mà không chăm chút kỹ cho phần SI. Khi mình kiểm tra phần SI do học trò hay do thầy corresponding thứ nhất đưa sang, đúng là mình chỉ dò lại xem phổ NMR đó có đúng với cấu trúc chất trong bài không, có đủ số lượng H và C không, mà đã không để ý đến việc trong các phổ này có phổ nào giống với những bài trước không. Lỗi của mình.
Với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu, và là người có kiểm tra lần cuối bài báo, mình thành thật xin lỗi cộng đồng vì nhóm mình đã để xảy ra chuyện này. Cá nhân mình thành thật xin lỗi vì không đủ kiến thức và kỹ năng cũng như đã không tổ chức nhóm nghiên cứu thật tốt để ngăn chặn những lỗi nói trên.
Cá nhân mình cũng thành thật xin lỗi vì đã không hướng dẫn học trò kỹ hơn nữa. Bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu kinh nghiệm, thì mình cũng cần phải học thêm cách làm việc cho nghiêm túc hơn nữa.
Sau tai nạn này, nhóm mình phân công luôn một thầy có bằng Tiến sĩ chịu trách nhiệm rà soát kiểm tra thật kỹ phần SI của bài báo khi công bố, ngoài những lần kiểm tra như xưa nay. Ngoài ra, các nhóm nhỏ trong nhóm mình sẽ kiểm tra chéo với nhau nữa.
Mình mong rằng các bạn trẻ đang và sẽ tham gia vào nhóm nghiên cứu của mình phải đọc kỹ bài này và đừng bao giờ quên những gì mình đã nhắc nhở. Khoa học không có chổ cho bất cứ chiêu trò gì. Nếu không tuyệt đối làm theo những yêu cầu của mình, có thể lúc nào đó bạn sẽ gây ra tai họa và làm liên lụy những người khác.
Một lần nữa, thành thật xin lỗi mọi người. Lỗi của mình. Giờ thì nhóm mình phải lặp lại rất nhiều thí nghiệm vì những sai sót trước đây".
GS Phan Thanh Sơn Nam cho rằng, đây là kinh nghiệm xương máu của nhóm mình. Qua sự việc, ông cũng hy vọng bạn nào đó cần sẽ đọc để có những điều chỉnh thích hợp cho nhóm nghiên cứu của bạn.
GS Phan Thanh Sơn Nam cho biết: "Các first author của 4 bài báo này đã rời nhóm, mình có liên lạc và chất vấn lý do. 2 bài báo có phổ NMR trong SI giống nhau được làm cùng một thời điểm. Có người thì vô ý nhầm lẫn. Có người thì vô tư nghĩ rằng sau khi tinh chế bằng sắc ký cột xong, kiểm tra bằng GC-MS, thấy giống nhau rồi, nhưng do tiếc tiền nên chỉ chạy NMR một lần, mà không ý thức được rằng làm như vậy là sai.
Đặc biệt lúc đó lại sợ mình nên không dám nói thật. Các bạn ấy có xin lỗi mình vì để xảy ra chuyện này".