"Bí kíp" đồng hành cùng con trang bị nền tảng Tiếng Anh - Toán - Khoa học

Trường Thịnh

(Dân trí) - Để phụ huynh giúp con trang bị nền tảng Tiếng Anh - Toán - Khoa học, hai chuyên gia giáo dục Đàm Quang Minh và Phan Hồ Điệp nhấn mạnh đến từ khóa "đồng hành", làm bạn và dẫn dắt con.

Cách học tiếng Anh truyền thống đã lỗi thời trong kỷ nguyên 4.0

Góp mặt trong tọa đàm: Tiếng Anh - Toán - Khoa học, "Vũ khí tối thượng" thích ứng kỷ nguyên 4.0 do Báo Dân trí phối hợp cùng iSMART Online School tổ chức tối ngày 30/12 chị Phan Hồ Điệp, mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam, hiện là Giảng viên Đại học Sư Phạm Hà Nội khẳng định cách học tiếng Anh truyền thống (học cách giao tiếp thông thường hoặc chú trọng ngữ pháp hoặc học để lấy bằng cấp...) không còn hiệu quả trong thời đại 4.0.

"Các bậc cha mẹ chúng ta thường học tiếng Anh theo cách rất truyền thống. Đó là ngữ pháp hoặc cố gắng học thật nhiều kiến thức. Tuy nhiên, trong quá trình đồng hành với Nam về việc học tiếng Anh thì mình thấy rằng đó là cách học hơi lạc hậu rồi. Và mình nghĩ, cách học mà phù hợp nhất là coi tiếng Anh trở thành một công cụ", chị Hồ Điệp chia sẻ.

Bí kíp đồng hành cùng con trang bị nền tảng Tiếng Anh - Toán - Khoa học - 1
Hai chuyên gia Phan Hồ Điệp (giữa) và Đàm Quang Minh (phải) tham dự tọa đàm.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Giám đốc điều hành khối trường Phổ thông của Equest cho rằng, đối với môn tiếng Anh hiện nay có khác biệt căn bản và rất xa so với thời trước. Như thời kỳ cha mẹ 7x, 8x hay 9x, ai được tầm 6.0 IELTS là thấy rất tốt, thậm chí hồi đó giáo viên cũng như vậy. Nhưng ngày nay, các con có trình độ tiếng Anh cao khá phổ biến. Và cách chúng ta học tiếng Anh để thi không phải là cái có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của chúng ta nữa.

Ông Đàm Quang Minh gợi ý phụ huynh cần chia tiếng Anh thành hai giai đoạn học tập. Vì Việt Nam không phải là quốc gia nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nên ta phải phấn đấu tốt nhất là sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai chứ không phải ngoại ngữ.

Giai đoạn thứ hai là dùng tiếng Anh như một công cụ học tập. Chúng ta phải đưa các môn học khác vào học tiếng Anh, mà điển hình và dễ tiếp cận nhất là Toán và Khoa học - hai bộ môn vốn là thế mạnh của học sinh Việt Nam.

Là người giảng dạy và đồng thời có quá trình đồng hành với con trai, chị Phan Hồ Điệp nhận thấy Toán và Khoa học trên thế giới đang cố gắng giúp học sinh trở thành những người tự tìm tòi, khám phá và chuyên gia này tin triết lý giáo dục đó sẽ trở thành xu hướng của thế giới. Vì nó biến người học thành người khao khát tìm hiểu kiến thức.

Đây cũng là con đường, cách thức chị hỗ trợ Nam trong quá trình con học từ hồi nhỏ. Bởi lẽ nền tảng Toán - Tiếng Anh - Khoa học cũng là trụ cột giúp đứa trẻ tăng cường khả năng khám phá học hỏi, tư duy logic cũng như tư duy về hình tượng ngôn ngữ và giúp nó có ước mơ rộn ràng hơn về việc nhanh chóng trở thành công dân toàn cầu. Hiện, với cách giáo dục đó, hiện con trai chị Điệp cũng đã trở thành sinh viên năm 3 Đại học tại Mỹ.

Ba mẹ có nên giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh với con?

Chị Phan Hồ Điệp cho rằng, ba mẹ không cần giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh với con. "Bởi một phần cũng vì mình không quá giỏi tiếng Anh. Nhưng chính trong thời gian đồng hành với Nam mình nhận ra rằng, bố mẹ không giỏi tiếng Anh đôi khi cũng là một lợi thế. Vì bất kỳ buổi học nào của Nam, mình đều nói với Nam rằng: Nam cố gắng học để về nhà dạy lại cho mẹ, vì mẹ thực sự không giỏi tiếng Anh nên cần nhờ Nam giúp. Đó là một phương pháp học được thế giới đánh giá rất cao là cho trẻ con giảng dạy lại những thứ chúng nó học. Người ta nói rằng, nếu chỉ đọc nhớ lại thì kiến thức sẽ trôi nhanh hơn nhưng nếu giảng lại thì kiến thức đó sẽ ở lại với trẻ lâu hơn", chị chia sẻ.

Bí kíp đồng hành cùng con trang bị nền tảng Tiếng Anh - Toán - Khoa học - 2
Chị Phan Hồ Điệp đã dùng cách làm đó để học môn tiếng Anh với con trai và sau đó sử dụng cách đó để học các môn học khác.

"Mình sẽ tìm hiểu kiến thức Khoa học và hai mẹ con sẽ trao đổi với nhau, luôn luôn sẽ là mẹ nói tiếng Việt - con nói tiếng Anh và không sợ không hiểu nhau vì lúc ấy cả hai cùng hiểu rằng mình đang cùng nói về một chủ đề. Vì thế không cần thiết lúc nào bố mẹ cũng phải nói hoàn toàn bằng tiếng Anh mà đối với mình việc đôi khi bố mẹ sử dụng tiếng Việt lại cũng là một cách để gìn giữ và giúp cho con có gốc rễ về mặt tiếng Việt để sau này con sẽ phát triển ra các ngôn ngữ khác".

Ông Đàm Quang Minh bổ sung thêm, quá trình toàn cầu hóa mọi người hay hiểu là phải hòa nhập được, nhưng hòa nhập chứ không có nghĩa là hòa tan. Bởi vì khi toàn cầu hóa, chúng ta có trở nên có giá trị hay không phải là chúng ta có góp được gì đó vào trong quá trình đó. Nếu chúng ta giống hệt người khác thì họ cũng không cần. Cái góp vào tốt nhất phải là bản sắc của mình, phải là bản sắc có từ Việt Nam và phải là khác biệt chúng ta mang đến cho thế giới.

Bên cạnh đó, cả hai chuyên gia cùng đồng tình nhận định, phương pháp học tập tốt nhất đối với trẻ đó là một môn học tích hợp được rất nhiều môn học khác. Ví dụ, thông qua một bài đọc hiểu, em hoàn toàn có thể học Khoa học, học làm Toán, học các lĩnh vực liên quan đến đời sống, tới cảm xúc xã hội rồi kỹ năng về ngôn ngữ… Như thế, trong một tổng thể chung, cùng một lúc đứa trẻ có thể học được rất nhiều khía cạnh của một môn học chứ không chỉ tập trung vào trong ba môn.

Bí kíp đồng hành cùng con trang bị nền tảng Tiếng Anh - Toán - Khoa học - 3
Chuyên gia Đàm Quang Minh nhấn mạnh, cách tốt nhất để đồng hành cùng con là làm bạn.

Cách đồng hành tốt nhất là làm bạn

Để phụ huynh giúp con trang bị nền tảng Tiếng Anh - Toán - Khoa học, chuyên gia Đàm Quang Minh nhấn mạnh đến từ khóa "đồng hành".

"Theo mình, cách đồng hành tốt nhất là làm bạn. Mình dành thời gian chia sẻ với con, dành thời gian để học cùng con, dành thời gian để hỏi và thảo luận để cùng tìm ra lời giải", ông lưu ý thêm.

Đặc biệt trong mùa dịch bệnh, các bậc phụ huynh càng nên dành thời gian, phương pháp đồng hành phù hợp cùng con học Tiếng Anh - Toán - Khoa học hiệu quả tại nhà.

Nhiều phụ huynh hoang mang khi con dễ bị sao nhãng trong quá trình học trực tuyến, dùng máy tính nhưng để chơi game chứ không phải để học. Không ít giáo viên lại chưa thực sự được cập nhật và làm quen với phương pháp dạy trực tuyến. Họ đang hiểu rằng, học trực tuyến có nghĩa là bê nguyên các bài giảng truyền thống chuyển thành slide, sau đó đưa lên Zoom và dạy cho học sinh.

Gợi ý "bí kíp" từ chị Phan Hồ Điệp là phụ huynh nên cố gắng thiết kế một không gian học trực tuyến phù hợp đối với con của mình. Không gian đó phải đảm bảo rằng bạn vẫn có thể quan sát được con nhưng không phải là kiểm soát và không khiến cho đứa trẻ cảm thấy rằng có một công an hoặc một thanh tra đứng ở bên cạnh. Tiếp theo đó, phụ huynh cần phải có một thời gian biểu rất phù hợp với con, đảm bảo kết hợp việc học, hoạt động thể chất, dinh dưỡng và sắp xếp thời gian cá nhân đồng hành cùng con học.

Trường hợp học sinh có khả năng học tập và tiếp thu kiến thức rất tốt trong môi trường 4.0 nhưng khả năng và điều kiện kinh tế gia đình, phụ huynh có thể sử dụng một số cách, ví dụ tìm các nguồn học ở trên mạng hoặc các môn học trực tuyến.

Ngoài ra, chương trình còn giới thiệu, kết nối ba mẹ với các chuyên gia và các bậc ba mẹ khác để trao đổi những bài học kinh nghiệm trong hành trình nuôi dạy con thời đại 4.0 tại "Cộng đồng iParent - Cha mẹ hiện đại": https://www.facebook.com/groups/ismart.online.school