Bệnh thành tích "ngáng đường" xây dựng "trường học hạnh phúc"

Kiều Phương

(Dân trí) - Nhắc đến căn bệnh thành tích đã gây nên những áp lực, khiến giáo viên và đặc biệt là các em học sinh, cảm thấy không thực sự hạnh phúc khi tới trường.

Bệnh thành tích ngáng đường xây dựng trường học hạnh phúc - 1

"Trường học hạnh phúc" có thể được hiểu là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy vui vẻ trong suốt quá trình dạy và học.

Khái niệm trường học hạnh phúc đã được đưa ra từ lâu và đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này vẫn còn nhiều rào cản, trong đó, có thể nhắc đến căn bệnh thành tích đã gây nên những áp lực, khiến giáo viên và đặc biệt là các em học sinh, cảm thấy không thực sự hạnh phúc khi tới trường.

Thấy gì ở "trường học hạnh phúc"?

Theo cô giáo Vũ Thu Hương (Hà Nội), "trường học hạnh phúc" có thể được hiểu là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy vui vẻ trong suốt quá trình dạy và học. Đó là nơi yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa các học sinh, cùng nhau trân trọng và bồi đắp tình cảm mỗi ngày.

Ngoài ra, đây phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những sự việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng của người dạy và học.

Đồng quan điểm, nhà giáo H.V.Đ. (giáo viên Ngữ văn tại Hải Phòng) cho hay: "Bên cạnh việc lưu tâm, truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho học sinh; một trường học được coi là "hạnh phúc" khi chú trọng công tác giáo dục cảm xúc cho học trò. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của học sinh phải được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ lỗi thời, lạc hậu".

Thầy Đ. nhấn mạnh, trong một môi trường giáo dục, học sinh chính là chủ thể quan trọng nhất. Đi học từ năm lên ba tới lúc trưởng thành - ngần ấy năm miệt mài trên giảng đường, gắn bó với bút vở, bảng đen, phấn trắng - nhưng nếu trẻ không cảm thấy hạnh phúc thì trường học sẽ mãi chỉ là một "địa chỉ" mà chúng miễn cưỡng phải tới mỗi ngày.

Do đó, học sinh cần được hạnh phúc khi đến trường. Tuy nhiên, nói hạnh phúc không phải là đến trường để vui chơi thoải mái. Hạnh phúc phải là tạo cho học sinh hứng thú khi học tập, tham gia các hoạt động. Khi đó, bản thân các em tự giác tham gia, tự chủ trong việc học và các hoạt động.

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: "Trường học hạnh phúc là một trường học mà ở đó thầy trò thương yêu nhau; các giáo viên cùng hướng tới mục tiêu tốt đẹp, tất cả vì học sinh, dạy dỗ các con trưởng thành. Khi đến trường, các con vui vẻ, cha mẹ cũng sẽ yên tâm".

Song, trên thực tế, tình trạng chạy theo điểm số, thành tích đã tạo nên những áp lực khiến chất lượng giáo dục vẫn chưa được nâng cao, trường học vẫn chưa phải là nơi mà học sinh, giáo viên cảm thấy hạnh phúc.

Bệnh thành tích ngáng đường xây dựng trường học hạnh phúc - 2

Áp lực học tập khiến học sinh "sợ" học

Nhìn nhận bệnh thành tích là căn bệnh trầm kha trong nền giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm, áp lực về điểm số, thành tích phần lớn là do lãnh đạo nhà trường tạo nên.

Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường, còn những môn khác thì "bỏ ngỏ"; để trở thành "trường chuẩn quốc gia". Rồi để không "rớt chuẩn", nhà trường buộc phải tìm mọi cách để giữ vững danh hiệu, tạo áp lực học tập rất lớn đối với học sinh, giáo viên.

Hiện tại là sinh viên năm 2 của một trường đại học, song Mai Thu Anh (Hà Nội) vẫn không thể quên những ngày đi học phổ thông đầy căng thẳng, mệt mỏi.

"Ngay từ nhỏ, tôi đã được gia đình dạy rằng phải học giỏi, phải luôn đứng tốp đầu. Tới trường, học lớp chọn, tôi lao vào học ngày học đêm bởi thầy cô không cho phép tôi bị điểm thấp hay tụt hạng. Tôi không thích Toán, nhưng vì thành tích chung, tôi vẫn phải tới các lớp học thêm Toán. Nỗi sợ các chữ số và hình học không gian theo tôi cả vào giấc ngủ.

Tôi mất những tình cảm ấm áp thời học trò mà lẽ ra bản thân xứng đáng được hưởng, mất những kỹ năng mềm cần thiết vì chỉ biết chạy theo áp lực điểm số, mãi so đo, tị nạnh với chúng bạn, những điều mà đến tận giờ tôi vẫn còn thấm thía".

Tương tự, Ngọc Linh - một nữ sinh lớp 12 cho rằng, nhiều khi em cảm thấy sợ đi học, sợ tới trường, bởi có quá nhiều áp lực đến từ phía thầy cô, nhà trường.

"Các kỳ thi khảo sát, thầy chủ nhiệm yêu cầu không học sinh nào có môn thi đạt dưới 7, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng đến thi đua. Thậm chí, với nhiều môn em học kém, nhiều lúc trong giờ kiểm tra em phải nhờ đến sự "trợ giúp" của bạn bè. Xấu hổ vì điểm số không phải là năng lực của mình, nhưng còn một nỗi sợ lớn hơn, đó là sợ bị mắng".

Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên cũng tỏ ra căng thẳng trước cuộc đua thành tích và điểm số. Nhà giáo H.G. (Gia Lai) chia sẻ nỗi sợ hãi trước mỗi cuộc thi giáo viên giỏi khi từ những vòng đầu, cô đã phải tất bật chuẩn bị suốt một tháng, đi khắp nơi tầm sư học đạo để xây dựng tiết học.

"Chưa hết, trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường đều đưa ra quy định mỗi môn, mỗi lớp phải đạt bao nhiêu phần trăm tốt nghiệp. Áp lực nặng nề kinh khủng. Chúng tôi không biết làm gì ngoài gò, ép học sinh phải học và học. Thậm chí, áp lực đến nỗi trước mỗi đợt thi, giáo viên chúng tôi thường nói vui với nhau là "chuẩn bị lên thớt" - cô G. tâm sự.

Theo cô giáo này, chính vì bệnh thành tích quá nặng khiến cho cả trường lẫn giáo viên phải dối trá quanh co, và cuối cùng học sinh là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Nhiều trường học tựa như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân, với tập thể. Áp lực thi đua hình thức làm người ta quan tâm đến những cái bên ngoài hơn là cái bên trong, cái cốt lõi dẫn đến đảo lộn những bậc thang giá trị như dạy chay, học vẹt, mua điểm, chạy trường…

Trong khi đó, vấn đề áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến học sinh rối loạn về sức khỏe tâm sinh lý. Từ đó dẫn đến tình trạng không hạnh phúc, thậm chí sợ đến trường học, giảm sút kết quả học tập...

Đồng quan điểm, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay: "Bệnh thành tích làm con người không thể nào cảm thấy hạnh phúc; bởi thầy cô gian dối để nâng cao thành tích, trẻ em vì thế thì sẽ phải chịu nhiều áp lực. Trong khi đó, thành tích chỉ là những thứ phù phiếm khi mà được công nhận là trường tiên tiến, được công nhận là tổ lao động xã hội chủ nghĩa… nhưng thực chất lại không có gì là thật".

Bệnh thành tích ngáng đường xây dựng trường học hạnh phúc - 3

Mỗi nhà trường cần hướng giáo dục tới 3 yếu tố: Dạy thật, học thật và thi thật.

Vẽ chân dung "trường học hạnh phúc"

Chỉ vài từ "trường học hạnh phúc", tuy nhiên việc làm sao để một trường học thực sự là nơi đem đến hạnh phúc cho cả thầy và trò vẫn còn gặp nhiều khó khăn; trong đó có thể kể tới căn bệnh thành tích khó chữa đang "ngáng đường".

Theo GS. Phạm Tất Dong, để dần "triệt tiêu" căn bệnh thành tích, tháo gỡ những rào cản tâm lý cho học sinh, giáo viên; cần có sự thay đổi các cấp lãnh đạo nhà trường, cơ quan thi đua, bởi đây là nơi "nảy" ra những chủ trương, quy định về thành tích khiến cả thầy và trò phải chạy theo, quên đi giá trị thực chất. Sự chỉ đạo sai lệch sẽ kéo theo những hành động sai lệch.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ, để "vẽ" chân dung "trường học hạnh phúc", mỗi nhà trường cần hướng giáo dục tới 3 yếu tố: Dạy thật, học thật và thi thật. Nói chung, tất cả mọi thứ trong giáo dục cần phải thực chất. Bài giảng như thế nào, dạy thế nào thì đánh giá năng lực học sinh đúng như vậy.

Bên cạnh sự thay đổi của lãnh đạo nhà trường, sự góp sức của đội ngũ giáo viên cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

"Theo tôi, để làm cho học sinh hạnh phúc, hào hứng và tự giác với việc học, quan trọng nhất, thầy cô cần có bản lĩnh, có lòng thương yêu học sinh. Mọi công tác dạy học cần phải chú trọng đến học sinh, hướng các em tới những giá trị nhân văn cao đẹp. Không thể vì áp lực của các cấp lãnh đạo, mong muốn có kết quả này, kết quả khác mà mình gây nên những áp lực cho bản thân mình và con trẻ. Thầy giáo cần là tấm gương sáng cho học sinh noi theo" - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Là giáo viên chủ nhiệm đồng thời là giáo viên bộ môn, nhà giáo Vũ Thu Hương cho hay, để giảm bớt áp lực trên vai học sinh, thầy cô cũng cần bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Theo đó, giáo viên cần thay đổi công tác kiểm tra bài cũ đối với học sinh. Thay vì cách kiểm tra cũ, mặt đối mặt, trò càng thuộc giống vở ghi bao nhiêu, cô càng cho điểm cao bao nhiêu thì nhà giáo có thể linh hoạt hình thức kiểm tra, có thể dựa vào hình ảnh trình chiếu, giúp các em khôi phục lượng kiến thức cũ theo hình thức tư duy chứ không phải "chữ thầy trả thầy".

"Bên cạnh đó, học sinh chỉ cảm thấy thực sự hạnh phúc khi các em được tôn trọng, lắng nghe và được là chính bản thân mình. Do đó, mỗi buổi sinh hoạt cuối tuần, thầy cô hãy cố gắng biến nó thành những giờ để các em được tâm sự, thấu hiểu hay vui chơi. Đừng lấy những tiết sinh hoạt để chì chiết, đánh giá hay phê bình thành tích, điểm số.

Ngoài những phương pháp trên, một yếu tố rất quan trọng là tạo thiện cảm với học sinh chính là trang phục nghiêm túc, giọng nói nhẹ nhàng, nét mặt, nụ cười… đều toát lên vẻ hạnh phúc. Học sinh nhìn đã thấy cô hạnh phúc rồi thì khi vào tiết học các em cũng sẽ thấy nhẹ nhàng, hứng thú. Khi đó, mỗi ngày đến trường của trẻ đều là những ngày vui".