Bằng đại học của Việt Nam có ngang bằng với các nước trong khu vực?

Nhật Hồng

(Dân trí) - Bộ GDĐT đang phối hợp cùng với Bộ Lao động TB&XH và các bộ, ngành thực hiện tham chiếu khung trình độ của Việt Nam với ASEAN. Vậy bằng đại học của Việt Nam có ngang bằng với các nước khu vực?

Cử tri chưa an tâm về việc chất lượng các bằng cấp chuyên môn của nước ta hiện nay, nhất là bằng cấp đại học. Chính vì vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét sao cho giá trị sử dụng bằng cấp của nước ta ngang bằng với tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bằng đại học của Việt Nam có ngang bằng với các nước trong khu vực? - 1

Bằng đại học của Việt Nam có ngang bằng với các nước trong khu vực?

Trả lời vấn đề trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, trong 5 năm qua, quy mô đào tạo đại học của nước ta không tăng nhiều, nhưng chất lượng đào tạo đã có chuyển biến đáng ghi nhận (08 trường nằm trong top 400 trường châu Á và 02 đại học nằm trong nhóm 1000 trường danh tiếng nhất thế giới; năm 2015 có 4.484 công bố khoa học trên hệ thống Scopus đến năm 2019 có 12.475 bài, tăng gấp 3 lần, đứng thứ 49 trong bảng xếp hạng của Scimago), đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy vậy, Bộ GD&ĐT thừa nhận, chất lượng đào tạo còn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.

Để có cơ sở đối sánh giá trị văn bằng của nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới, Bộ GDĐT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì triển khai Khung trình độ quốc gia đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020 - 2025 tại Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 với mục tiêu là: nhằm đổi mới hoạt động đào tạo gắn với bảo đảm, nâng cao chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam; thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước trong khu vực và trên thế giới; tạo ra cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Khung tham chiếu các trình độ ASEAN (AQRF) xuất phát từ Hiến chương ASEAN do các nhà lãnh đạo ASEAN ký ngày 20 tháng 11 năm 2007 tại Singapo.

Mục tiêu của AQRF là để so sánh các trình độ giữa các quốc gia thành viên. AQRF sẽ liên kết các khung trình độ quốc gia hay các hệ thống trình độ trong ASEAN và trở thành một phần cơ chế của ASEAN để công nhận các trình độ đối chiếu với các hệ thống trình độ khác trong khu vực.

Theo yêu cầu của Ủy ban tham chiếu trình độ ASEAN (Ủy ban AQRF), các nước ASEAN cần thực hiện tham chiếu Khung trình độ quốc gia của mỗi nước với AQRF.

Ngày 11 tháng 12 năm 2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 10380/VPCP-QHQT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GDĐT là cơ quan đầu mối, chủ trì tổng hợp và đệ trình báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu các trình độ ASEAN tới Ủy ban AQRF.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang chủ trì, phối hợp cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan để thực hiện tham chiếu khung trình độ của Việt Nam với ASEAN.

Bộ GD&ĐT cho biết, tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp  với các bộ, ngành có liên quan thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao thực hiện tham chiếu khung trình độ của Việt Nam với ASEAN nhằm nâng cao giá trị sử dụng bằng các bậc đào tạo để sớm được khu vực và thế giới công nhận.