Áp lực bủa vây giáo viên, ai là người "mở khóa" trường học hạnh phúc?

Kiều Phương

(Dân trí) - Người đứng đầu nhà trường cần có cái nhìn cảm thông bởi giáo viên vốn đã là nghề chịu nhiều áp lực. Thay vì chỉ trích, phê bình, nên chuyển sang góp ý chân thành, chỉ ra lỗi sai cho giáo viên sửa.

Trường học hạnh phúc được tạo nên bởi các hành vi chuẩn mực, trước hết là của thầy, cô giáo có đạo đức trong sáng, yêu nghề, tận tâm, tận lực. Muốn học sinh hạnh phúc, điều tất yếu là trước hết mỗi thầy cô giáo phải được thoải mái.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên vẫn chưa được quan tâm đúng mức, áp lực tứ phía bủa vây khiến họ không thực sự cảm thấy hạnh phúc trong hành trình "gieo mầm con chữ".

Áp lực bủa vây giáo viên, ai là người mở khóa trường học hạnh phúc? - 1

Giáo viên chịu nhiều áp lực.

Áp lực bủa vây tứ phía

Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn H.G. (giáo viên Ngữ văn tại Hải Phòng) chia sẻ, nhiều người cho rằng giáo viên là công việc nhàn hạ, sạch sẽ, "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu"; tuy nhiên, trên thực tế lại cực nhọc và áp lực vô cùng.

"Áp lực lớn nhất đến từ phía Ban giám hiệu. Đầu năm học, giáo viên sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để đăng ký chỉ tiêu giáo dục cho học sinh. Nhưng hầu như việc đăng ký ấy chỉ mang tính hình thức, vì mọi chỉ tiêu đã bị áp đặt từ cấp trên.

Để "chạy" theo thành tích này, hằng tuần, nhà trường vẫn thường công bố một bảng xếp hạng thi đua giữa các lớp, đọc dõng dạc trong buổi chào cờ. Điều này tạo ra một nỗi sợ khủng khiếp bởi chỉ cần một vi phạm nhỏ, lớp sẽ bị trừ điểm, giáo viên chịu khiển trách".

Chưa dừng lại ở đó, cô G. cho hay, nhiều trường học lúc nào cũng hô hào khẩu hiệu "Học thật, thi thật", nhưng thực tế thì diễn ra hoàn toàn trái ngược. Ví dụ một số giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề nhưng sống theo nguyên tắc, không nâng điểm cho học sinh thì sẽ không đủ chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh khá, giỏi.

Khi họp thì Ban giám hiệu nhắc đi nhắc lại trước hội đồng và cho rằng điều đó làm ảnh hưởng tới thành tích, tới danh hiệu "trường chuẩn"... Áp lực khiến nhiều thầy cô không muốn chạy theo thành tích cũng đành làm trái với lương tâm.

Bên cạnh áp lực công việc, nhiều thầy cô còn phải sống nỗi lo cơm áo gạo tiền khi đồng lương đứng lớp vẫn còn quá khiêm tốn. Khi mà những vướng bận từ cuộc sống chưa được cởi bỏ, còn đó những lo toan thì họ cũng khó có thể đứng trên bục giảng bằng một tâm trạng thoải mái nhất với học trò của mình.

"Sau giờ lên lớp, giáo viên còn phải làm rất nhiều việc khác như soạn giáo án, chấm bài, hoàn thành các loại hồ sơ, sổ sách… Những người làm công tác chủ nhiệm như tôi không chỉ làm việc ban ngày mà còn cả buổi tối để giải quyết các vấn đề liên quan đến học sinh. Vậy mà mức lương nhận lại vẫn chẳng tương xứng với tâm huyết đã bỏ ra" - cô Đoàn Thị Hương (Thái Bình) thẳng thắn thừa nhận.

Theo cô Hương, áp lực của giáo viên thường được xem xét ở nhiều khía cạnh. Nếu áp lực vừa sức, giáo viên có tư duy tích cực và đủ ý chí, năng lực ứng phó thì chính áp lực lại trở thành động lực để giáo viên đổi mới, sáng tạo.

Nhưng khi áp lực đã quá sức chịu đựng, giáo viên không đủ sức khỏe, tâm lý thì áp lực có thể trở thành nguyên nhân gây ra thất vọng, chán nản, thậm chí giảm tình yêu với nghề nghiệp. Điều này dễ dẫn tới nguy cơ giáo viên sẽ có những hành vi, lời nói thiếu tôn trọng, thậm chí là gây tổn thương thể chất, tâm lý cho chính học sinh.

Hiệu trưởng cần thay đổi để "mở khóa" hạnh phúc

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS.NGƯT Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho biết, trước hết cần hiểu rõ thế nào là một "trường học hạnh phúc".

Theo đó, trường học hạnh phúc là một môi trường học tập vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thầy, trò; đồng thời thích ứng với sự phát triển của nền giáo dục hiện đại theo hướng phát huy tiềm năng, định hướng cho trẻ phát triển. Đó là nơi mà mọi giáo viên, học sinh cảm thấy được yêu thương, tôn trọng. "Hạnh phúc" ở đây hoàn toàn không phải là đến trường chỉ để vui chơi thỏa thích.

Để hiện thực hóa trường học hạnh phúc, có rất nhiều công việc cần phải triển khai một cách đồng bộ; trong đó, vai trò của hiệu trưởng, hay còn được gọi là người "đầu tàu", là "thuyền trưởng" vô cùng quan trọng.

"Trước hết, hiệu trưởng phải là người thực sự có năng lực, trình độ, tâm huyết với giáo viên, học sinh, và sự nghiệp trồng người. Nếu gọi là "quan chức" giáo dục, chỉ làm những việc hành chính để nhằm mục đích cá nhân, không gắn với lợi ích của thầy và trò trong nhà trường thì thực sự không đáp ứng được yêu cầu của trường học hạnh phúc".

Đứng trước tình trạng nhiều giáo viên cảm thấy lo lắng do quá nhiều áp lực từ phía trên, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho hay, để đem đến một môi trường giáo dục lành mạnh, hiệu trưởng phải là người nắm vững các kiến thức khoa học và tâm lý giáo dục, từ đó mới có thể định hướng đúng sự phát triển của trường học.

"Hiệu trưởng phải là người biết khơi dậy những mặt tích cực của giáo viên và học sinh; lấy cái hay, cái tốt làm động lực phát triển chứ không phải bằng mệnh lệnh.

Và đặc biệt phải tạo ra một môi trường giáo dục "dân chủ kỷ cương, tình thương, trách nhiệm" - đây là môi trường lý tưởng để phát triển khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, sự đóng góp của mỗi cá nhân phải hòa quyện, tránh xa việc cạnh tranh thành tích, ganh đua, kèn cựa… bởi những điều này đều trái với hạnh phúc chân chính mà mọi người hướng đến. Tất nhiên, quá trình chỉ đạo, đánh giá, kiểm tra của Ban giám hiệu cũng cần được đảm bảo một cách trung thực, khách quan" - TS. Tùng Lâm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19, những người đứng đầu nhà trường cần biết ứng dụng khoa học, công nghệ vào giảng dạy. Cần biết cách ứng biến kịp thời để thích nghi với hoàn cảnh khó khăn, đồng thời động viên đội ngũ nhà giáo, các em học sinh vượt khó vươn lên. Làm được điều này, trường học mới thực sự là nơi hạnh phúc.

Trao đổi với Dân Trí, thầy Trần Văn Hướng (quyền hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến) cho hay:

"Là một hiệu trưởng, tôi luôn xác định mình phải là người nêu gương, đồng hành, cùng đội ngũ giáo viên giải đáp và tháo gỡ khó khăn. Trước những thất bại, chúng tôi học cách chấp nhận, song không phải là chùn bước. Những thất bại trong công tác quản lý, giáo dục sẽ là kinh nghiệm sâu sắc cho tương lai về sau.

Hiện nay, Ban giám hiệu nhà trường cũng đang cố gắng ghi nhận từng sự thay đổi nhỏ của thầy cô, đánh giá công bằng và tuyên dương một cách kịp thời… Nhưng để đem đến niềm hạnh phúc thực sự cho cả thầy và trò, cần sự nỗ lực lâu dài chứ không phải ngày một, ngày hai".

Cô Đoàn Thị Hương bày tỏ, trong một trường học, hiệu trưởng chính là mắt xích quan trọng nhất. Một hiệu trưởng với tư duy lãnh đạo đúng đắn, cởi mở chắc chắn sẽ xây dựng nên một môi trường giáo dục tốt đẹp.

Là giáo viên, việc đầu tiên cô mong mỏi từ hiệu trưởng là chính sự công bằng, sáng tạo trong quản lý. Thay vào đó, người đứng đầu nhà trường cần có cái nhìn cảm thông bởi giáo viên vốn đã là nghề chịu nhiều áp lực. Thay vì chỉ trích, phê bình, nên chuyển sang góp ý chân thành, chỉ ra lỗi sai cho giáo viên sửa. Cùng với đó, cán bộ quản lý nhà trường cần tạo ra một môi trường sư phạm cởi mở, dân chủ để mỗi người thầy có thể mạnh dạn bộc lộ những lo âu, căng thẳng mà mình đang gặp phải, từ đó, tìm tiếng nói chung, sự sẻ chia từ tập thể, cơ quan.

Thầy cô "ươm mầm" hạnh phúc

Theo TS. Tùng Lâm, để mang đến một trường học, lớp học hạnh phúc; bên cạnh Ban giám hiệu, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo cũng mang ý nghĩa nhất định. Bởi chỉ có Ban giám hiệu thay đổi, giáo viên không chuyển động thì công tác xây dựng trường học hạnh phúc sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Theo tôi, các thầy cô giáo phải thực hiện được sứ mệnh giáo dục, giúp học sinh phát triển nhân cách, bằng sự yêu thương chứ không phải sự o ép hay cấm đoán.

Bên cạnh đó, thầy cô phải luôn luôn đổi mới phương pháp giảng dạy. Căn cứ vào đặc điểm, cá tính, hoàn cảnh của mỗi học sinh để tổ chức giờ dạy phù hợp . Không chạy theo kiến thức một cách khô cứng, thúc đẩy tinh thần học tập của học trò bằng sự khơi gợi, động viên, làm cho trò tự giác học tập thay vì dùng hình phạt, kỷ luật hay chạy theo điểm số. Giáo viên cũng cần quan tâm, tôn trọng tinh thần tự do sáng tạo của mỗi em học sinh.

Cuối cùng, thầy cô cũng phải tự cảm thấy bản thân mình sáng tạo, cống hiến và giúp đỡ học trò phát triển. Đó là niềm vui, hạnh phúc trong hành trình giáo dục của mỗi thầy cô" - TS. Tùng Lâm phân tích.

Theo cô giáo Nguyễn H.G., chỉ khi các thầy cô có hạnh phúc, học trò mới hạnh phúc. Muốn vậy, các thầy, cô giáo phải tự thay đổi, đặc biệt trong cách dạy và ứng xử với học trò. Nếu như trước đây, học sinh đi học muộn, làm ảnh hưởng tới thi đua, giáo viên có thể áp dụng hình thức phạt; nay cần thay đổi bằng cách hỏi han lý do đi học muộn, từ đó động viên để lần sau các em có ý thức đi học đúng giờ.

Thêm vào đó, hãy để học trò thể hiện đúng khả năng của mình. Đừng bắt học sinh giỏi Văn phải giỏi thêm cả Toán. Năng lực các em thế nào, thầy cô hãy tôn trọng để bồi dưỡng và phát triển. Làm được điều này, trò hạnh phúc, cô vui vẻ, ngày nào đi học cũng là mùa xuân.