Ăn bớt khẩu phần của trẻ em là tham ô, ăn cắp

M. Hà

(Dân trí) - "Việc ăn bớt khẩu phần của trẻ em vừa vi phạm pháp luật, đó còn là tham ô, ăn cắp", TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết.

Câu chuyện bữa ăn “ngoài tưởng tượng” của học sinh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, Q.9, TPHCM gây bức xúc dư luận vài ngày nay.

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, đồng thời với hình ảnh được ghi lại cho thấy, bữa ăn của học sinh chỉ cơm với ít lát trứng chiên, canh rau dền lõng bõng và tráng miệng với chuối, một bữa sáng là nui (mỳ) với vài chút thịt vụn vặt lèo tèo, quả trứng cút... 

Theo hóa đơn phụ huynh có được, giò được cung cấp vào bếp ăn của trường chỉ có giá 64.000 đồng, 1kg giò lụa giá 65.000 đồng.

Chưa dừng lại ở đó, sáng 2/11, một số phụ huynh đến trường kiểm tra thực phẩm, ghi nhận tại bếp ăn ghi nhận cà rốt bị thối, dập, rau cải cũng bị dập. Phụ huynh bức xúc, đã yêu cầu làm việc với nhà trường.

Tại Hà Nội, vài ngày qua, dư luận và truyền thông tiếp tục ồn ào về việc 39 học sinh Trường tiểu học Newton Goldmark (Hà Nội) bị từ chối cung cấp thức ăn vì nhà trường cho rằng phụ huynh phản ánh không đúng về an toàn thực phẩm và yêu cầu cao quá không đáp ứng được.

Ăn bớt khẩu phần của trẻ em là tham ô, ăn cắp - 1

Suất ăn chính của học sinh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, Q.9, TPHCM phụ huynh chụp lại.

Về phía phụ huynh, trong buổi làm việc với nhà trường, vấn đề an toàn thực phẩm được đặt ra và yêu cầu nhà trường trả lời thoả đáng.

Trước những phản ánh trên, dư luận rất bức xúc vì chế độ ăn uống, dinh dưỡng cho các em học sinh tại các nhà trường đã không đảm bảo về mặt dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Theo TS giáo dục Vũ Thu Hương, từ lâu chuyên gia này phản đối việc cha mẹ quá lạm dụng vào bán trú, bởi lẽ có nhiều vấn đề nảy sinh như thực phẩm không rõ nguồn gốc, khẩu phần bị bớt xén khi học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cũng bức xúc. Ông cho rằng, việc ăn bớt khẩu phần của học sinh không phải bây giờ mới được đặt ra.

Nhiều sự việc đau lòng, nhiều phụ huynh đã bật khóc khi nhìn vào khẩu phần ăn của con và phải phản ánh đến cơ quan công luận. Tuy nhiên, nhiều trường học vẫn “nhắm mắt làm ngơ” vấn đề thực phẩm.

“Hiện có một số trường tự tổ chức bếp ăn nhưng một số trường thuê các công ty bên ngoài cung cấp suất ăn.

Tôi cho rằng, cần phân định rạch ròi việc công ty ăn bớt hay nhà trường chủ trương ăn bớt.

Tuy nhiên, cho dù là ai, việc ăn bớt khẩu phần của trẻ em vừa vi phạm pháp luật, đó còn là tham ô, ăn cắp”, TS Tùng Lâm nói. 

Cũng theo chuyên gia này, học sinh- nhất là đối tượng mầm non, tiểu học rất cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

Khẩu phần ăn hợp lý của trẻ đã được nghiên cứu, tính toán lượng dinh dưỡng cân đối, do đó việc bớt khẩu phần ăn của trẻ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trưởng thành về thể chất cũng như trí lực của trẻ.

Ăn bớt khẩu phần của trẻ em là tham ô, ăn cắp - 2

Suất ăn chính lèo tèo của học sinh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, Q.9, TPHCM.

Về ý kiến hiện nay nhiều trường không cho phép phụ huynh đột xuất kiểm tra bếp ăn, nên gần như thực phẩm học đường đều do nhà trường và công ty tự biên tự diễn, TS Tùng Lâm cho hay đấy là bất cập.

“Tôi cho rằng cần quy trách nhiệm cho hiệu trưởng. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm cao nhất nếu để xảy ra vấn đề về thực phẩm”, TS Tùng Lâm khẳng định.

Trước đó, tại Hà Nội, việc kiểm soát thực phẩm học đường được siết chặt hơn. Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, các trường học trên địa bàn TP Hà Nội có tổ chức ăn bán trú phải tiến hành rà soát hồ sơ năng lực của các đơn vị cung cấp thực phẩm, cung cấp suất ăn theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm soát nguồn thực phẩm chế biến bữa ăn học đường cho các em học sinh bảo đảm nguồn gốc, chất lượng và giàu chất dinh dưỡng.

Thực hiện tốt việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực ba bước theo quy định, việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn thực phẩm khi cần thiết.

Nhà trường phối hợp hội cha mẹ học sinh, ban giám sát ATTP, công đoàn, cán bộ y tế học đường… thường xuyên kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh tại bếp ăn bán trú nhằm hạn chế tình trạng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn.