5 nút thắt cần gỡ ngay sau bê bối thi cử chấn động

Bên cạnh yêu cầu xử lý nghiêm gian lận thi cử, cái gốc của vụ việc là xem xét kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục như thế nào.

Một kỳ thi THPT quốc gia 2018, hàng trăm bài thi được nâng điểm để vào các trường đại học tốp trên, 3 vụ án tại 3 địa phương đã bị khởi tố, hàng chục cán bộ giáo dục bị bắt giam, hàng trăm sinh viên nhập học rồi bị trả lại địa phương, danh sách phụ huynh có chức quyền mua điểm ngày một đông. Chưa bao giờ, sự học trở nên xấu xí, lòng tin xã hội bị chà đạp phũ phàng như vậy.

Việc gì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Không bàn về khía cạnh đạo đức xã hội, ở khía cạnh quản lý cũng có nhiều nguyên nhân. Như người ta nói: “Ai buộc chuông thì người đó sẽ cởi chuông”, “muốn gỡ dây phải tìm người buộc dây”.

Ai buộc dây, đã buộc ra sao, và nên cởi như thế nào?

Từ "2 chung" sang "3 trong 1"

Tháng 11/2013, Nghị quyết 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam nêu rõ: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học... Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”.

5 nút thắt cần gỡ ngay sau bê bối thi cử chấn động - 1

Gian lận điểm thi ở Hà Giang

Tháng 6/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 44/NQ-CP về Chương trình hành động  thực hiện Nghị quyết 29, trong đó nêu rõ “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo cao đẳng, đại học; thành lập các trung tâm khảo thí độc lập”.

Tháng 7/2014, Bộ GD-ĐT công bố quyết định 2653/QĐ-BGDĐT ban hành kế hoạch hành động triển khai chương trình trên, nêu rằng sẽ “Thành lập trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia để triển khai việc đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học; tiến tới tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh cao đẳng, đại học”.

Tháng 2/2015, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 02/2015/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức thi THPT quốc gia, thay thế cho các quy chế thi tốt nghiệp phổ thông trước đó, nêu rõ (điều 2): thi THPT quốc gia nhằm 3 mục đích:

(1) Lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT;
(2) Cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông;
(3) Cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.

Từ năm 2015, cuộc thi THPT quốc gia - một kỳ thi đa mục tiêu "3 trong 1" - bắt đầu được thực hiện, thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học "2 chung" trước đó.

Cụm thi: 4 năm thay đổi 3 lần

Khái niệm “cụm thi” – là nơi sẽ tổ chức trông thi, chấm thi cho thí sinh trong 4 năm 2015-2018 được thay đổi 3 lần.

Năm 2015: Mỗi cụm thi đại học (thí sinh dự thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển sinh ĐH, CĐ) phục vụ cho việc thi cử của ít nhất 2 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và do các trường đại học chủ trì, còn các cụm thi tốt nghiệp (chỉ để xét tốt nghiệp) thì thi trong cụm do Sở GD-ĐT chủ trì. Trong năm 2015, có tất cả 38 cụm thi đại học và 65 cụm thi tốt nghiệp. Nhiều thí sinh từ tỉnh này phải sang tỉnh khác để thi.

Năm 2016, sửa đổi đáng lưu ý là quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức cụm thi đại học do trường đại học chủ trì, và cụm thi tốt nghiệp do sở GDĐT chủ trì. Năm 2016 có tất cả 70 cụm thi đại học và 50 cụm thi tốt nghiệp.

Năm 2017, thông tư mới về thi THPT quốc gia thay thế cho quy định của năm 2015. Một thay đổi lớn về thi THPT quốc gia trong thông tư 04/2017 là quy định “mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do-sở-GDĐT-chủ-trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh”. Các trường đại học tham gia với vai trò phối hợp, không còn vai trò chủ trì như các năm 2015, 2016 nữa.

Năm 2018 các cụm thi được tổ chức giống như 2017.

Sai sót "chết người" ở đây là mặc dù đã quyết định thi THPT quốc gia là kỳ thi đa mục tiêu vừa để xét tốt nghiệp vừa để làm căn cứ tuyển sinh đại học, mặc dù đã quyết định tổ chức thi tại địa phương để giảm nhẹ tốn kém đi lại của thí sinh, nhưng lại giao cho địa phương chủ trì.

Mâu thuẫn lợi ích giữa các địa phương (muốn con em quê hương mình vào được các trường đại học tốt) và các trường đại học (tuyển được đầu vào có chất lượng tốt) làm cho tiêu cực có đất để nở hoa kết trái (mầm thì đã thể hiện qua phong trào "2 không" năm 2007 khi xiết chặt thi cử và tỷ lệ thi tốt nghiệp ngay lập tức giảm mạnh).

Được giao cho chủ trì, và vì lợi ích cục bộ, tiêu cực tại địa phương đã nảy sinh và không phải chỉ một nơi. Quy định giao cho địa phương chủ trì đã để "lửa gần rơm" từ 2016, và 2018 thì bén. Mà có khi bén ngay từ 2017...

5 nút thắt cần gỡ ngay sau bê bối thi cử chấn động - 2

Gỡ dây: 5 nút thắt

Gỡ 1: Trung tâm Khảo thí

Nghị quyết 44/2014/NQ-CP của Chính phủ đã nêu rõ cần "thành lập các Trung tâm Khảo thí độc lập" (mục II.4.a). Kế hoạch hành động được ban hành theo Quyết định 2653/2014/QĐ-BGDĐT của Bộ GDĐT cũng nêu cần "thành lập trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia" (mục II.4.c). Trong QĐ 2653 cũng chỉ rõ cần xây dựng và thực hiện "Đề án đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng" và "Đề án đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo".

Đề án đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2018-2020 đã được ban hành theo quyết định 1475/QĐ-BGDĐT ngày 17/4/2018 (và đã được Bộ GDĐT thu hồi sau đó 1 tháng) cũng không nhắc đến việc thành lập Trung tâm Khảo thí độc lập, mà chỉ nhắc đến việc xây dựng 25 trung tâm thi vệ tinh để từ 2021 thí sinh thi trên máy tính.

5 năm đã trôi qua và việc thành lập các Trung tâm Khảo thí chưa được thực hiện, còn Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục cũng đã được đổi tên, bỏ đi chữ Khảo thí và Kiểm định, với tên mới là Cục Quản lý Chất lượng. Kiểm định được giao cho các trung tâm kiểm định đã được thành lập, còn Khảo thí giao về đâu?

Nếu như có các trung tâm khảo thí đủ mạnh, tổ chức các kỳ thi độc lập đánh giá năng lực kiểu như "SAT Vietnam" - để cho các trường đại học cao đẳng dựa vào đó để tuyển sinh, thì kỳ thi chung (3 trong 1) không còn cần thiết.

Mỗi năm có cả triệu thí sinh Việt Nam học xong phổ thông, cứ tính là 50% có nhu cầu vào đại học cao đẳng, mỗi thí sinh thi 3-4 môn, thi 1-2 lần - cứ tính là thi tất cả là 5 lần đi - sẽ là 2.5 triệu lượt thi/năm. Nếu thu 2 USD/lượt thì (khoảng 50 ngàn đồng/lượt), thì mỗi năm SAT Vietnam có doanh thu 5 triệu USD. Đủ lớn để PPP (BOT) nếu nhà nước muốn nắm, hoặc tốt hơn là thành lập Trung tâm Khảo thí độc lập với nhà nước. Việc này cần phải được làm ngay...

Gỡ 2: Thi THPT

Việc thay đổi nền giáo dục "vị-thi-cử" sang giáo dục "vị-giáo-dục" không thể ngày một ngày hai, khi nhiều thầy cô thấy hẫng hụt khi bỏ thi THPT - mất đi động cơ quan trọng của việc dạy của thầy cô và việc học của học sinh hiện nay.

Việc thi THPT còn nhằm một mục tiêu rất quan trọng là cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông ở các địa phương.

Chẳng hạn nếu chỉ dựa vào kết quả thi THPT quốc gia thì tỷ lệ tốt nghiệp của Sơn La, Hà Giang mấy năm qua không quá 20% - và cần phải có động thái của địa phương và của trung ương để hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tại các địa phương này.

Cho nên nói thẳng luôn: khi không thi thì mất động lực dạy và học, khi bệnh thành tích tại địa phương vẫn còn, khi chất lượng giáo dục phổ thông các địa phương còn quá khác biệt, nhiều địa phương là vùng trũng giáo dục - thì vẫn phải có một kỳ thi tốt nghiệp mang tính quốc gia.

Gỡ 3: Giải quyết xung đột lợi ích

Khi vẫn còn những trường đại học (mà là nhiều trường Top) sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển đại học, khi tỷ lệ tốt nghiệp gần 98% - tức tốt nghiệp THPT không quá khó, thì với thí sinh và phụ huynh, với địa phương, kỳ thi THPT quốc gia mang tầm quan trọng của một kỳ thi đại học.

Để tránh xung đột lợi ích, không thể để cho địa phương chủ trì việc chấm thi. Trông thi vẫn nên tổ chức tại địa phương để thuận lợi cho thí sinh, và với việc thi trắc nghiệm, trong phòng thi mỗi thí sinh một đề, có thêm cán bộ trông thi từ các trường đại học, lắp camera trong phòng thi... thì tạm yên tâm về khâu trông thi.

Việc chấm thi cần do Bộ GD-ĐT chủ trì, tổ chức chấm thi tập trung dựa trên dữ liệu bài thi được quét chuyển về Bộ ngay khi thi xong. Kỳ thi năm 2019 sắp tời mới chỉ tăng cường vai trò tổ chức của các trường đại học, còn vẫn chấm thi tại địa phương - nút thắt này chưa được gỡ.

Gỡ 4: Giảm nhẹ

Dù sao thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm vẫn trên 95%. Với Luật Giáo dục hiện nay, vẫn có thể áp dụng cơ chế đặc cách công nhận tốt nghiệp cho một tỷ lệ thí sinh nhất định, chỉ tổ chức thi cho số thí sinh còn lại.

Nếu chỉ để xét tốt nghiệp thì có thể đặc cách miễn thi rất nhiều, nhưng để có số liệu làm cơ sở đánh giá chất lượng giáo dục tại địa phương thì số thí sinh dự thi phải đủ lớn.

Đề nghị là cho các địa phương xét đặc cách xét tốt nghiệp cho 30% thí sinh khá giỏi tính từ trên xuống tại địa phương mình, còn 70% vẫn thi THPT quốc gia. Như vậy vẫn còn động cơ dạy và học, giảm bớt đi được 30% số thí sinh thi cử - tức khoảng 300 ngàn thí sinh 1 năm, và vẫn đủ số liệu để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông tại các địa phương.

Gỡ 5: Tự chủ tuyển sinh đại học

Mục 4 mà gỡ xong thì buộc các trường đại học phải tăng cường tự chủ tuyển sinh, vì 30% số thí sinh khá giỏi không có điểm thi THPT Quốc gia.

Đây là một cú hích tăng tính vận động của các trường đại học ngay cả khi chưa có Trung tâm Khảo thí SAT Vietnam.

Giống bố mẹ muốn con cái tự chủ, thì một trong những việc đầu tiên là không nấu cơm cho chúng sẵn có mà ăn nữa...

Lê Trường Tùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT)

(Theo báo VNN)