5 nguyên nhân khiến nhiều ngành học khó tuyển, sinh viên thất nghiệp

Nhật Hồng

(Dân trí) - Thiếu các nghiên cứu tổng thể về nguồn nhân lực, nhu cầu nguồn nhân lực gắn kết với thị trường lao động của từng vùng, yêu cầu năng lực đặc thù nghề nghiệp đối với nhu cầu lao động.

Đó là một trong những nguyên nhân, hạn chế mà Bộ GD-ĐT đã xác nhận trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Bộ GD-ĐT có 4 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, tình hình tuyển sinh của các cơ sở GDĐH hiện đang gặp nhiều khó khăn: nhiều ngành đào tạo của các cơ sở không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, nhiều ngành không thu hút được sinh viên.

Thứ hai, Chương trình đào tạo của các trường tuy đã được tổ chức rà soát, cập nhật và hoàn thiện lại nhưng vẫn chưa được đánh giá cao: có thể do việc thực hiện rà soát hoàn thiện chương trình đào tạo mới thực hiện triển khai từ năm 2016 theo Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ban hành quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của GDĐH và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, nên chưa có nhiều sinh viên, học viên tốt nghiệp chương trình đã được xây dựng hoàn thiện lại.

Bên cạnh đó, có khả năng do nhiều trường cùng tuyển sinh 1 ngành nên số lượng sinh viên được đào tạo một số ngành quá nhiều gây hiện tượng cung vượt quá cầu trong giai đoạn trước làm cho số lượng sinh viên đăng ký vào các ngành đó cũng sẽ giảm do nhu cầu của thị trường lao động giảm.

Thứ ba, Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp chưa diễn ra trên phạm vi rộng và hiệu quả như mong đợi, có thể kể đến là: Nền kinh tế phát triển chưa ổn định, năng lực/trình độ của cơ sở giáo dục đại học/doanh nghiệp chưa cao, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, chưa phát triển truyền thông kết nối thông tin cung - cầu,… làm cho việc xác định nhu cầu lao động vùng không chính xác, nhiều ngành nguồn nhân lực được đào tạo tốt nghiệp vượt quá lượng cầu trong vùng và trên toàn quốc.

Thứ tư, Thiếu các nghiên cứu tổng thể về nguồn nhân lực, nhu cầu nguồn nhân lực gắn kết với thị trường lao động của từng vùng, yêu cầu năng lực đặc thù nghề nghiệp đối với nhu cầu lao động.

Thứ năm, Nhiều cơ sở đào tạo khi thực hiện liên kết đào tạo đã không thực hiện đúng quy định để đảm bảo chất lượng như: tuyển sinh chưa đúng tiêu chuẩn đề ra; đội ngũ giảng viên chưa đạt yêu cầu; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; một số cơ sở thực hiện liên kết đào tạo chưa coi trọng chất lượng mà đặt nặng mục tiêu về lợi nhuận đã gây bức xúc cho xã hội.

5 nguyên nhân khiến nhiều ngành học khó tuyển, sinh viên thất nghiệp - 1
Sinh viên trường ĐH sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long trong giờ thực hành

Tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ đại học hiệu quả

Bộ GD-ĐT đưa ra giải pháp, Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học, thông qua công tác hoạch định chính sách, chiến lược phát triển giáo dục đại học; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản dưới Luật như quy định về xử phạt vi phạm hành chính; các thông tư ban hành quy chế đào tạo các trình độ đào tạo, chuẩn chương trình, mở ngành, quy định về giáo trình, quy định về công khai thông tin, về thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học…, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ đại học hiệu quả.

Bộ GDĐT triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học báo cáo, cập nhật cơ sở dữ liệu của trường, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo vào cơ sở dữ liệu chung để công khai, minh bạch thông tin, thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học theo quy định; tạo cơ sở để xây dựng chính sách, quản lý nhà nước, xã hội giám sát và đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm