325 học viên trường Múa "kêu cứu" vì học 7 năm không được cấp bằng

Mai Châm

(Dân trí) - Học sinh học 7 năm không được cấp bằng tốt nghiệp THPT, không thể học lên trình độ cao hơn, cũng không thể xin việc làm vì Học viện múa đào tạo nhưng không cấp bằng văn hóa.

Phụ huynh học sinh trường Múa tố nỗi khổ khi con học mà không có bằng

Tương lai của 325 học viên chưa rõ về đâu

Em H.N.V (sinh năm 2001) trong tâm trạng mệt mỏi kể về câu chuyện của em sau hơn 1 năm ròng gõ đủ mọi cánh cửa để hỏi về tấm bằng tốt nghiệp THPT mà lẽ ra em đã có trong tay từ gần 1 năm trước.

H.N.V. chia sẻ với phóng viên Dân Trí rằng em là học viên Học viện Múa Việt Nam, hệ cao đẳng chính quy, lớp Diễn viên múa khóa 2. Trong 7 năm học tại Học viện Múa (từ 2013 tới 2020), V. hoàn thành mọi chương trình học theo yêu cầu của nhà trường, bao gồm cả chương trình học văn hóa và học chuyên ngành múa.

Lịch học của các em so với các bạn đồng trang lứa là rất nặng vì vừa phải học chuyên ngành múa, vừa học văn hóa. Thông thường, V. và các bạn học chuyên ngành múa cả buổi sáng, nghỉ trưa khoảng 1 giờ sau đó học văn hóa cả buổi chiều.

325 học viên trường Múa kêu cứu vì học 7 năm không được cấp bằng - 1

Học viện Múa Việt Nam, nơi có 325 học viên đang "kêu cứu" vì đi học mà không được cấp bằng.

Sau khi ra trường, V. được nhà trường trao cho tấm bằng tốt nghiệp hệ cao đẳng chính quy chuyên ngành múa nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Vì có nhu cầu học Biên đạo múa trình độ đại học, V. thi vào Đại học Sân khấu điện ảnh.

Em đạt được số điểm cao, đủ tiêu chuẩn đỗ vào ngành Biên đạo múa, trường ĐH Sân khấu điện ảnh. Tuy nhiên, trường ĐH Sân khấu điện ảnh thông báo từ chối tiếp nhận sinh viên V. bởi vì hồ sơ của em còn thiếu bằng tốt nghiệp THPT.

Vì vấn đề chiếc bằng tốt nghiệp THPT, V. và phụ huynh nhiều lần trở về Học viện Múa để yêu cầu được cấp bằng nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Bố của V. là ông Hoàng Mạnh Cường cho hay: "Tôi và con đã đến trường nhiều lần, gặp lãnh đạo nhà trường nhưng chưa nhận được câu trả lời về tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 của con. Mặc dù con và các bạn đã dự thi tốt nghiệp theo kỳ thi được nhà trường tổ chức, có bảng điểm nhưng không được cấp bằng".

Cùng tình cảnh không được cấp bằng tốt nghiệp THPT như em H.N.V là toàn thể học viên khóa 2 của Cao đẳng Múa Việt Nam. Các học viên từ khóa 3 tới khóa 6 đang được đào tạo tại trường cũng được nhà trường thông báo sẽ không có bằng tốt nghiệp THPT. Đồng nghĩa với việc 325 học viên có học, có thi cử nhưng không được tốt nghiệp cấp 3.

Chính vì vậy, đại diện cho tiếng nói của các em học viên Học viện Múa, tập thể phụ huynh của các em đã làm đơn kiến nghị gửi tới nhà trường, các Bộ, ban, ngành để mong được xem xét, cấp bằng tốt nghiệp cho các em.

 Trường đề nghị học sinh 18 tuổi quay lại học lớp 7

Sau khi "gõ cửa" nhiều nơi nhưng vấn đề cấp bằng THPT cho học sinh, phụ huynh học sinh quyết định tìm tới báo chí để "kêu cứu". Ngày 31/3, hội phụ huynh học sinh Học viện Múa Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí trình bày vấn đề đào tạo văn hóa và cấp bằng cho học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam.

Tại buổi gặp, đại diện hội phụ huynh tỏ ra bức xúc và bế tắc trong việc đòi quyền lợi chính đáng cho con em.

Ông Hoàng Mạnh Cường - phụ huynh của H.N.V. cho biết, nhiều phụ huynh Học viện múa đã gặp gỡ, trao đổi thông tin với BGĐ Học viện Múa về vấn đề này nhưng chưa từng nhận được câu trả lời thỏa đáng. Câu trả lời duy nhất mà họ nhận được từ nhà trường là: Phụ huynh yên tâm chờ đợi.

325 học viên trường Múa kêu cứu vì học 7 năm không được cấp bằng - 2

Hội phụ huynh học sinh "kêu cứu" thay cho tương lai của con em.

"Nhưng chờ đến bao giờ? Các con ra trường không có bằng nên không có việc làm, không học lên cao hơn được. Như vậy thì rất khó khăn cho con em chúng tôi", ông Cường nói.

Theo ông Cường tìm hiểu từ trước tới nay, trường Múa vẫn đào tạo cả chuyên ngành và văn hóa phổ thông cho học viên. Gia đình ông Cường yên tâm cho con theo học và tin tưởng rằng sẽ được cấp bằng vì nhà trường đã yêu cầu học sinh theo học tại trường phải rút học bạ từ trường học cũ, nộp cho nhà trường.

Ông Cường còn cho biết một thông tin khiến ông rất sốc: "Tôi đến trường 5-6 lần mới được trả lời rằng các con không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT do trường không có mã định danh do Sở GD&ĐT cấp".

Bà Phạm Thị Thanh Thủy có con là học sinh sinh năm 2003, khóa K4, sẽ tốt nghiệp năm 2022 cho biết, ngày 17/1, nhà trường tổ chức họp phụ huynh. Tại đây nhà trường thừa nhận rằng không có đủ năng lực cấp bằng văn hóa cho học sinh. Nhà trường để nghị học sinh quay lại học từ đầu.

Bà Thủy nói: "Con tôi đã 18 tuổi, bây giờ để nghị học lại lớp 7 làm sao cháu học được và nơi nào cho cháu học?".

Phía phụ huynh đã có đơn gửi BCH nhà trường và yêu cầu trả lời bằng văn bản nhưng đại diện nhà trường từ chối.

325 học viên trường Múa kêu cứu vì học 7 năm không được cấp bằng - 3

Học viện Múa Việt Nam chưa hồi đáp vấn đề bức xúc của phụ huynh và học sinh.

Bà Lưu Thị Thu Lan, giảng viên ĐH Sân khấu điện ảnh, cũng là phụ huynh của học viên mắc kẹt vấn đề bằng tốt nghiệp THPT tại Học viện Múa cho hay: "Tôi là người trong ngành nhưng tôi rất chủ quan, tin tưởng vào nhà trường, dẫn tới tôi không nắm được vấn đề. Con tôi cứ học nhưng không có bằng".

Hội phụ huynh học sinh đưa ra nhiều bằng chứng khẳng định các con đi học đầy đủ, tổng kết cuối năm và thi đầy đủ. Vấn đề duy nhất là không được cấp bằng tốt nghiệp.

Sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh và học sinh, phóng viên Dân Trí đã đến Học viện Múa Việt Nam liên hệ làm việc. Nhà trường đáp rằng sẽ sắp xếp để trả lời báo chí.

Phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ quản Học viện Múa Việt Nam, cho biết đang tìm phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi cho học viên.

Theo quy định trước năm 2018, các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc).

Người học sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận bằng tốt nghiệp THPT, được tham dự kỳ thi đại học. Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) được tham dự kỳ thi đại học.

Tuy nhiên, từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối kiến thức văn hóa (4 môn) theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, để người học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không liên thông lên đại học.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để bổ túc văn hóa cho học sinh, chứ không được tổ chức dạy văn hóa như trước.

Học viện Múa Việt Nam, tiền thân là trường Múa Việt Nam, được thành lập năm 1959, sau đó được nâng cấp lên thành trường Cao đẳng Múa Việt Nam từ năm 2001. Năm 2019, Thủ tướng đồng ý phê duyệt thành lập Học viện Múa Việt Nam trên cơ sở trường Cao đẳng Múa.