Y Ban cấm con gái đọc "I am đàn bà"
Sự kiện cuốn "I am đàn bà" bị thu hồi khiến nhà văn Y Ban thấy bứt rứt. Chị nói, hơi ân hận khi không khuyến cáo bạn đọc trẻ… miễn đọc tác phẩm của mình vì chị viết văn dành cho phụ nữ trưởng thành.
Y Ban cấm con gái đọc tác phẩm của mẹ, sợ con gái chưa đủ lớn để cảm nhận văn chương một cách khách quan. "Nếu đọc những trang bạo liệt đó, có thể hình ảnh thần tượng về mẹ trong con gái sẽ mất đi. Nhưng tôi viết sex trong logic chứ không khêu gợi cố tình” - Y Ban giải thích.
Chị nói viết sex không cố tình, vậy thì phải chăng chúng ta vẫn chưa thực sự cởi mở với những trang nhục cảm trong văn chương?
Tôi không khẳng định điều gì cả đâu. Nhưng tập I am đàn bà thì chỉ có hai truyện ngắn có những trang viết về sex chứ không phải toàn bộ. Người ta có quyền phê phán tôi. Nhưng tôi viết về sex trong logic của nó.
Tôi muốn nói là, đã đến lúc phải trả cho văn chương đúng vị trí của nó. Nó là bộ môn nghệ thuật và nhà văn được viết về mọi điều trong cuộc sống, miễn sao vẫn phải kiểm soát được mình không phạm pháp, không vi phạm các giá trị văn hóa và đạo đức.
Chị có kiểm soát được mình không khi chị từng thú nhận rằng, với truyện “Tự”, chị đã buông thả mình để giải phóng ngòi bút?
Tôi đã 46 tuổi, không còn bé dại nữa, tôi nhìn thấu tâm can mình rồi. Tôi đã có 15 đầu sách với hơn 100 truyện ngắn viết ra. Thời gian đầu tôi viết văn, cho đến năm 1994 tôi chuyển qua làm báo. Công việc ấy khiến tôi học được nhiều điều và ý thức hơn bao giờ hết về nghề văn. Khi đặt bút viết, tôi luôn tự hỏi, viết thế này có in ra được hay không? Đó là điều không hẳn đã hoàn toàn đúng với người viết.
Cho đến lúc này, tôi mới muốn viết một cách phóng bút, tôi không cắt xén chính mình cho vừa lòng người khác nữa. Tôi vẫn chưa buông thả hết. Tôi buông thả nhưng không buông tuồng.
Chị nghĩ sao khi có nhiều người cho rằng, những trang viết, điển hình như trong truyện “Tự” quá đậm đặc về sex, khiến người ta cảm giác như Y Ban quá say mê với sex?
Tôi học trường Y và tôi hiểu bản chất của vấn đề. Anh có thấy sex là xấu không? Có điều, cái sex mà chúng ta đang nói đến nó khác với những bộ phim cấp ba eo ở chỗ, chúng ta đặt sex vào sự đối xử văn minh và có văn hóa của những con người có tri thức.
Tôi chỉ thắc mắc, đời sống bây giờ mỗi ngày rùng rùng biến động, nhà nghỉ mọc lên như nấm, sex tràn lan trên TV, rạp chiếu phim mà không hề có bảng cấm nào với thiếu nhi cả. Mạng Internet được mắc cả vào phòng ngủ của người ta mà không có tường lửa nào chặn nổi cả triệu trang web đen như thế. Tại sao lại cấm nhà văn viết về sex một cách logic và có văn hóa?
Chị nói “sex một cách logic”?
Tôi nói sex một cách logic là như thế này, tôi không cố tình nhấn nhá vào sex như một cách khiêu dâm. Tôi không còn non tơ khờ dại như thế nữa. Tôi viết sex khi nhân vật cần phải như thế, câu chuyện nó đẩy nhân vật vào tình huống có sex...
Tôi cấm con gái tôi đọc truyện của mẹ. Nó 16 tuổi rồi và nó là đứa biết nghe lời. Trong mắt hai đứa con tôi, mẹ luôn là thần tượng, nếu nó đọc những truyện như thế này nó sẽ vẽ chân dung mẹ mình một cách cực kỳ méo mó. Ngay cả truyện thiếu nhi tôi viết đề tặng chúng, tôi cũng không cho chúng nó đọc. Tôi muốn khi lớn lên, chúng có đầy đủ sự nhận thức và sự khách quan của một bạn đọc nghiêm túc, chúng sẽ đọc để hiểu mẹ viết như thế nào và vì sao lại như thế.
Chị cấm con gái, nhưng còn biết bao bạn đọc trẻ khác chứ. Nhiều bạn viết lên blog là họ thấy giống mục “truyện người lớn” trên các trang web khiêu dâm…
Tôi đọc hết, cả ở diễn đàn, trên blog… Người ta nói tôi viết như “truyện người lớn”, rồi đủ thứ khác… Tôi đọc bằng sự bình tĩnh và hiểu vì sao mà họ nói thế. Tôi đã quên mất là tôi viết cho tuổi của tôi, nghĩa là những phụ nữ U40.
Tôi cứ mặc định, sách của mình chỉ có các phụ nữ chín chắn đọc thôi. Không ngờ các bạn trẻ quan tâm nhiều đến thế. Nên giờ thấy hơi ân hận, lẽ ra tôi cần có những dòng khuyến cáo trên sách, là sách này dành cho người lớn, như người ta phân loại phim cấm trẻ em ấy. Hoặc là tôi có thể lược bỏ những đoạn sexy trong “Tự” mà vẫn không ảnh hưởng gì đến nội dung. Nhưng khi cắt đi tôi nghĩ nó chẳng còn hấp dẫn nữa.
Nhiều người nói chị viết sexy là bởi giờ đây những gì liên quan đến đề tài này đều gây xôn xao. Chị nghĩ sao?
Tôi không đánh đu với các cô trẻ. Như đã nói, tôi viết cho bạn đọc của mình. Tôi có đọc hết những tác phẩm mà được gọi là sexy, kể cả dòng văn học linglei như Miên Miên, Vệ Tuệ, Cửu Đan. Tôi thấy họ được tung hô là thế nhưng họ chưa chín một chút nào. Họ viết sex nhiều khi phi logic.
Phải chăng, làng văn quá trầm lắng nên cần một scandal để tạo nên sự xôn xao? Và vì thế mà “I am đàn bà” mang sứ mệnh châm ngòi?
Có người bảo tôi, sau vụ này thì Y Ban nổi tiếng hơn nhiều. Tôi trả lời, tôi đã và đang nổi tiếng rồi. Tôi chẳng cần scandal. Tất cả các cuốn sách của tôi khi in ra đều nhận được dư luận tốt, riêng cuốn I am đàn bà thì có một chút sự cố thế thôi. Tôi vẫn đang viết, mà nhà văn tồn tại bằng tác phẩm. Tôi không sợ ai quên mình nếu tôi vẫn sống hàng ngày với trang viết.
Một bạn đọc của chị gửi tôi câu hỏi này, nhờ chị trả lời: Phải chăng nhà văn thường thích viết về những gì mình bị ức chế hay những ẩn ức trong đời sống?
Ý anh là, tôi viết về sex có phải tôi bị ức chế về tình dục không chứ gì? Nếu anh gặp chồng tôi, anh sẽ không bao giờ hỏi câu hỏi ấy…
Theo Hoài Phố
VTC