Xu hướng tự xuất bản bắt đầu hình thành tại Việt Nam
(Dân trí) - Việt Nam bắt đầu chứng kiến sự hình thành của xu hướng tự xuất bản vốn đang ngày càng chứng minh tính hiệu quả tại nhiều thị trường ebooks phát triển trên thế giới.
Hình thức tự xuất bản ngày càng chiếm ưu thế trên thế giới
Theo Báo cáo thị trường sách điện tử Quý II & III/2018 “Sự dịch chuyển của lĩnh vực xuất bản sách điện tử” của Nền tảng xuất bản điện tử Waka, thị phần của các nhà xuất bản ebooks truyền thống lớn đang giảm mạnh, nhường chỗ cho những hình thức xuất bản khác, đặc biệt là hình thức tự xuất bản. Trong khi phần lớn các hình thức xuất bản ebook truyền thống hay nhỏ lẻ đều đang trên đà sụt giảm hoặc chỉ tăng nhẹ thị phần thì hình thức tự xuất bản giữ vững đà tăng trưởng liên tục.
Điều này được củng cố hơn khi nhìn vào thị trường ebooks lớn nhất thế giới – Mỹ (chiếm 30% thị phần toàn cầu), số lượt tải ebooks bán ra và doanh số thu về của các nhà xuất bản truyền thống đang sụt giảm mạnh trong vài năm gần đây. Năm 2017, số ebook bán ra giảm 10% so với năm 2016; trong khi doanh số thu về giảm 4.7% trong cùng khoảng thời gian.
Nguyên nhân lý giải cho sự đổi ngôi này của các hình thức xuất bản chính là cơ hội thành công về mặt tài chính mà mỗi hình thức xuất bản mang lại. Tự xuất bản sẽ mang lại thu nhập tốt hơn nhờ tỷ lệ tiền bản quyền được hưởng lớn hơn. Đồng thời, nó cũng sẽ là bước đệm tốt để tác giả có cơ hội ký hợp đồng với các nhà xuất bản truyền thống với mức tỉ lệ tiền bản quyền cao hơn. Theo kết quả khảo sát của Written Word Media, 72% tác giả thu nhập cao (trên 100,000 USD/năm) chỉ chọn hình thức tự xuất bản và 28% kết hợp cả tự xuất bản lẫn xuất bản truyền thống. Không có ai trong số đó chỉ hoàn toàn dựa vào xuất bản truyền thống. Trong khi đó, trong số những tác giả mới nổi (thu nhập từ sách dưới 500 USD/năm), chỉ có 17% số người lựa chọn hình thức kết hợp, và 10% khác chỉ dựa vào xuất bản truyền thống hay hình thức khác.
Xuất hiện hình thức tự xuất bản tại Việt Nam
Rõ ràng, hình thức tự xuất bản là xu hướng đã bước đầu chứng minh được tính hiệu quả của mình ở trên thế giới. Tham gia khai thác thị trường sách điện tử - xu hướng này là điều tất yếu sẽ diễn ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Waka, thị trường sách điện tử Việt Nam còn quá non trẻ nên chưa thể đủ tiềm lực để thực hiện mô hình đó tại thời điểm này.
Tại sao lại nói là “chưa thể” tại thời điểm này? Thứ nhất, theo luật xuất bản của Việt Nam, nếu một tác giả muốn xuất bản tác phẩm của mình thì phải thông qua một nhà xuất bản. Và dĩ nhiên, nhà xuất bản sẽ chỉ đồng ý xuất bản sau khi đánh giá thấy tác phẩm có khả năng kinh doanh có lãi. Vượt qua được quy trình đánh giá này không phải là điều dễ dàng. Thứ hai (có thể coi là hệ quả của điều thứ nhất), đối với những tác phẩm thử nghiệm theo xu hướng mới chưa từng có tiền lệ và biết đến trước đó, cơ hội được ra sách gần như bằng không vì các nhà xuất bản sẽ hiếm khi mạo hiểm doanh thu và lợi nhuận của mình như vậy. Cuối cùng, những tác giả trẻ cần được va chạm nhưng lại bị thiếu sân chơi nên tài năng của họ khó có thể được mài giũa và phát triển. Vì thế, khả năng tự đứng trên đôi chân của mình (tự sáng tác và kinh doanh tác phẩm và sống được bằng nghề viết) là sẽ mãi là điều xa vời nếu không có một sự hỗ trợ thay đổi ở tầm vĩ mô hơn.
Sự hỗ trợ đó là rất cần thiết trong giai đoạn đầu, và nên đến từ những tổ chức có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Nắm bắt được nhu cầu này của thị trường, cuối năm 2017, Waka chính thức thành lập Nhóm 4.0 – chuyên sáng tác những tác phẩm văn học mạng. Dự án “Nhóm 4.0” của Waka theo đuổi 3 mục tiêu chính:
- Sáng tác theo nhóm, tạo tiền đề cho những tác phẩm đồ sộ trong tương lai;
- Viết truyện dài kỳ, khai thác nhiều thể loại khác nhau
- Đào tạo tác giả trẻ trở thành những tay viết chuyên nghiệp
Có thể coi Dự án này của Waka như là một hoạt động bảo trợ dành cho nhóm tác giả trẻ. Khi các tác giả đã đủ lông đủ cánh, họ có thể “tự đứng trên đôi chân” của mình và sống được với nghề viết. Lúc đó, cùng với những yếu tố khác về mặt quy định pháp luật, hình thức tự xuất bản tại Việt Nam sẽ có cơ hội chính thức vận hành theo mô hình chuẩn như trên thế giới.
Dự án “Nhóm 4.0” của Waka cũng đánh dấu bước đi tiên phong trong việc triển khai mô hình viết theo nhóm tại Việt Nam.
Như vậy, mặc dù vẫn còn một khoảng cách khá xa so với những thị trường ebooks phát triển rầm rộ, nhưng thời gian gần đây, Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều động thái bắt nhịp với thế giới và hòa chung vào xu thế sáng tác – khai thác – đọc sách của kỷ nguyên công nghệ ngày nay.
Waka là nền tảng xuất bản điện tử hàng đầu tại Việt Nam, trực thuộc Vega Corporation. Waka hiện đang hợp tác với hầu hết các nhà xuất bản và phát hành Việt Nam. Tính đến nay, Waka có hơn 3 triệu người đọc, và con số này đang trên đà tăng trưởng với tốc độ 40-50% mỗi năm. Với lợi thế mạnh mẽ này, Waka triển khai mô hình kinh doanh nền tảng để chia sẻ hạ tầng điện tử đã dày công phát triển với nhiều nhà phát hành và xuất bản khác trong cả nước; đồng thời tiên phong nghiên cứu và thực hiện những ý tưởng sáng tạo để đóng góp tích cực cho sự phát triển của lĩnh vực xuất bản điện tử tại Việt Nam. Báo cáo thị trường sách điện tử được Waka thực hiện và công bố định kỳ 6 tháng 1 lần kể từ 2017, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh, độc lập và đáng tin cậy về lĩnh vực sách điện tử thế giới và Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết về Báo cáo, vui lòng truy cập: https://waka.vn/bao-cao-thi-truong-sach-dien-tu .