1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Xu hướng hát cùng con trẻ của các sỹ Việt

Mới nhất, trong album "Mộc" của Hiền Thục, cô con gái 4 tuổi Gia Bảo có thể hiện chất giọng của mình trong bài "Trăng chiều". "Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi...", bé đọc không rõ lời, ngọng ngịu nhưng chính điều đó đã giúp cho bài hát mềm mại và gần gũi hơn nhiều.

Không phải là người đầu tiên nhưng người tạo được dấu ấn nhất về "khoản" đưa tiếng trẻ em vào CD phải kể đến nhạc sĩ Thanh Phương. Những sản phẩm anh làm cho Hà Trần gần như album nào cũng có những tìm tòi, sáng tạo khác lạ. Anh từng tâm sự, bài hát đầu tiên anh thu tiếng trẻ con là Nhật thực. Vì bài đó nặng quá, não nuột quá nên anh chèn vào tiếng trẻ nhỏ cười cho bớt "căng".

 

Hồi đó, con gái anh mới được 6 tháng tuổi. Anh chọc cho con cười rồi thu âm. Tiếng cười giòn tan, nguyên sơ ấy có lẽ làm cho người nghe nhớ nhất đến album Nhật thực của Hà Trần. Rất nhiều người đã cắt cúp, thu lại riêng đoạn cười của bé để làm chuông điện thoại.

 

Cũng từ đó, Thanh Phương quen với việc làm mới bài hát bằng cách cho bọn trẻ "hu ha" một đoạn nhỏ. Tiếp theo Nhật thựcEm về tóc xanh, Lữ khách sông Hồng, Ra ngõ mà yêu... Điểm mặt qua các album của Hà Trần, sẽ nhận thấy những bài có sự tham gia của bé Cua (con gái anh trai Hà) và con gái Thanh Phương đều rất ấn tượng, nhẹ nhàng, dễ làm cho mọi người nhớ lâu. Khi người ta đã no nê với những kỹ thuật thanh nhạc, những chau chuốt trong xử lý thì một sự ngọng ngịu, thô mộc, hồn nhiên của các bé lại là món ngon lạ miệng.

 

Người đàn bà hát trong CD Thanh Lam - Trọng Tấn cũng cho cậu con trai út hát mở đầu ca khúc Hát cho con một ngày mưa. Cu cậu này hát khá chỉn chu, và xử lý rất chuẩn các nốt khó, khác với kiểu hê ha của các bé trong CD của Hà Trần. "Bài hát ngày ngày con còn bé. Bài hát ngày ngày mưa mưa. Giọng hát của mẹ nghe ngọt lắm. Ngọt như giọt nước mưa trong veo. Á hà... á hà...", người lớn nghe cậu bé hát trọn vẹn đoạn này ai cũng phải khen tấm tắc.

 

Có lẽ tiêu chí biên tập của Lê Minh Sơn và Thanh Phương khác nhau nên chuyện cho các bé hát thế nào cũng khác. Phương thì không thích gò ép bọn trẻ vào chuẩn mực mà để nó tự nhiên, lúc nào có hứng mới hát và đọc thơ. Anh nói vui rằng, đó là sở thích nghịch ngợm của anh khi mix đĩa. Còn Lê Minh Sơn khi làm đĩa cho Thanh Lam có vẻ chú trọng đến sự chính xác về thanh nhạc, kể cả khi cậu út của Diva tham gia một phần nhỏ trong bài hát của mẹ. Mỗi cách làm đem đến cho người nghe một cảm nhận riêng nhưng đều tạo được một điểm nhấn, một sự khác lạ trong sản phẩm âm nhạc của ca sĩ.

 

Thường thì các ca sĩ chịu khó "tận dụng của nhà trồng được". Như Hà Trần có các cháu ruột, Thanh Lam có con trai út còn Hiền Thục thì có con gái Gia Bảo. Vì việc thu âm cho các bé rất khó, không giống như làm cho người lớn. Nên dùng "hàng nhà" vẫn là lựa chọn sáng suốt của các ngôi sao. Trẻ con phải "lừa" lúc chúng thích chí, hứng lên mới thu được, nói chung là mất rất nhiều thời gian. Nhất là hát những bài khó thì phải tập cho chúng khá lâu mới có thể đưa vào thu được. Người lớn có thể ép làm việc căng thẳng chứ trẻ con thì phải mềm mỏng, nịnh nọt, dỗ dành.

 

Sau các sao đàn chị, trong vol.4 của mình, Cao Thái Sơn cũng thực hiện ca khúc Cho con mà anh hát cùng các em nhỏ. Có thể nói dù chỉ là bản bonus, thêm vào để tặng khán giả, nhưng bài hát lại chiếm được cảm tình nhất trong số 11 ca khúc trong album. Hơn nữa, đây lại là một bài hát dành riêng cho các em nên khoản luyện tập và thu thanh không gặp mấy trở ngại.

 

Tiếng trẻ thơ luôn làm cho tâm hồn chúng ta được thanh thản, bình yên hơn. Cho các bé hát cùng là một cách làm mới cho ca khúc và phần nào đó cũng là một sự sáng tạo tìm tòi nghiêm túc của những người làm nghệ thuật.

 

Theo Mỹ Dung

Ngôi Sao