1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Xiếc Việt “làng tôi” trên sân khấu Paris

Khoảng 6 năm trước, một bức tranh tổng hợp về làng quê Việt Nam thông qua hình ảnh cây tre đã được thể hiện trong vở xiếc "Làng tôi”, từng công diễn chính thức lần đầu tiên tại nhà hát lớn Hà Nội vào tối ngày 5/5/2008.

Đây là phiên bản mới do Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Hội đoàn Scène de la Terre (Sân khấu Địa cầu - CH Pháp) sản xuất với sự tham gia của 19 nghệ sĩ. Trước đó, phiên bản đầu tiên của tác phẩm này được dàn dựng và công diễn thử nghiệm vào tháng 8/2005 tại rạp xiếc Trung ương (Hà Nội). Vở diễn đã đưa khán giả từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi diễn viên đã dùng tre để đi lại, tung hứng, nhào lộn. Ngay cả việc thiết kế sân khấu cũng sử dụng nguyên liệu chính là cây tre.

 

Vở xiếc "Làng tôi” được sáng tạo và xây dựng qua bàn tay của ba người cùng tham gia công tác đạo diễn: Nguyễn Nhất Lý, Nguyễn Lân và Lê Tuấn. Nghệ sĩ Nguyễn Lân hiện làm giám đốc nội dung đào tạo của Trường Nghệ thuật Xiếc thành phố Chambéry (Pháp). Nghệ sĩ Lê Tuấn tốt nghiệp Trường xiếc quốc gia TP Hồ Chí Minh, hiện đang sống và làm việc ở Berlin (Đức).

 

Hầu hết các nghệ sĩ xiếc của vở "Làng tôi” đều xuất thân từ Trường xiếc Hà Nội. Nói về ý tưởng của vở xiếc, nghệ sĩ Lê Tuấn cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện một vở xiếc mang đậm hồn dân tộc với dụng cụ chủ yếu là cây tre. Chúng tôi muốn các bạn trẻ hướng về cội nguồn dân tộc cũng như mang nét đẹp văn hóa Việt Nam tới nhiều quốc gia trên thế giới...”. Cũng sau lần công diễn ấy, tác phẩm đã "khăn gói” lên đường tới Pháp, Anh, Mỹ và nhiều quốc gia ở châu Âu khác trong vòng 3 năm với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh của xiếc Việt Nam cùng bạn bè quốc tế. Đạo diễn Lê Tuấn cho rằng nếu vở xiếc gây tiếng vang lớn ở nước ngoài, con số 3 năm lưu diễn có thể sẽ chưa dừng lại.
 
Xiếc Việt “làng tôi” trên sân khấu Paris  - 1
Quảng cáo chương trình xiếc Việt "Làng tôi” ở Paris

 

"Làng tôi” thuộc thể loại "xiếc mới”. So với xiếc cổ truyền, xiếc mới không dùng thú vật và kỹ thuật xiếc thuần túy được đặt vào ánh sáng, nhạc trong mục đích kể chuyện có tính cách "kịch”. "Làng tôi” có tính chất đơn giản nhưng rất đẹp của một vở diễn được dàn dựng như một công trình kiến trúc bằng tre không ngừng biến hóa, trong đó các nghệ sĩ nhào lộn và các nhà xây dựng luôn trong tư thế thăng bằng.

 

Sân khấu "Làng tôi” không sặc sỡ dưới ánh đèn màu, mà chỉ đơn thuần với một màu nâu. Cảnh phông là màn tre, dàn diễn viên 19 người nhẩy múa, nhào lộn trên thân tre với những phần "động” và "tĩnh” tương phản với nhau để tôn vẻ đẹp cho nhau. Theo đó, các nghệ sĩ đã chắt lọc những tinh hoa trong văn hóa cổ truyền, kết hợp với những yếu tố hiện đại trong âm nhạc, ánh sáng... làm cho "Làng tôi” thực sự trở thành bữa tiệc văn hóa nhiều màu sắc. Vở xiếc còn tạo nên sự gắn kết giữa những sinh hoạt văn hóa - văn nghệ người Việt từ bao đời nay, như hát đối, hát ví, hò... với các hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của bà con nông dân, tái hiện sinh động một không gian văn hóa thuần Việt. Riêng phần âm nhạc được khai thác từ chất liệu dân gian thực sự là linh hồn của chương trình. Đó là những giai điệu, tiết tấu mới, lạ nhưng lại cũ và khá quen thuộc. Nhiều đoạn hát được trích từ vở chèo hay các bài dân ca, đồng dao...

 

Nghệ sĩ Lê Tuấn thay mặt nhóm thực hiện chương trình chia sẻ: "Khán giả nước ngoài chắc chắn sẽ được biết tới những trò chơi dân gian Việt Nam, được lắng nghe những giai điệu âm nhạc truyền thống cùng hàng trăm cảnh sắc thuần Việt trong "Làng tôi”, để họ càng hiểu và thêm yêu mến cuộc sống, con người Việt Nam. Đó cũng chính là thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm qua các tiết mục xiếc”. Còn ông Jean Luc Larguier - Giám đốc Hội đoàn Scène de la Terre đánh giá: "Đây là cơ hội để nâng cao trình độ và làm thay đổi sự đánh giá của cộng đồng quốc tế với nghệ thuật xiếc Việt Nam”.

 

Theo ĐĐK

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm