1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhà thơ Bằng Việt:

Vừa “Nheo mắt...” vừa “Bắc cầu giải yếm”

(Dân trí) - Thế là vừa mới “Nheo mắt nhìn thế giới”, giờ đây Bằng Việt lại mắt nhắm mắt mở “Bắc cầu giải yếm” cho cuộc “hôn nhân” giữa hai nền văn hóa vốn nổi danh đất Bắc Hà: Văn hóa Kẻ Chợ (Hà Nội) và Văn hóa Xứ Đoài (Hà Tây).

Mới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi khá thú vị với nhà thơ Bằng Việt về thơ và những vấn đề liên quan.

 

Trước hết, xin chúc mừng anh vừa trúng cử Chủ tịch Hội LHVNNT HN và đặc biệt là sự thành công có thể nói là "vang dội" của Nheo mắt nhìn thế giới. Câu hỏi đầu tiên lại dành cho cương vị quản lý, một tháng sau khi sáp nhập, cuộc "hôn nhân" giữa hai nền văn hóa diễn ra như thế nào?

 

Chúng tôi vừa tổ chức bầu lại bộ máy mới của Hội hợp nhất. Sau khi mở rộng, BCH có 34 thành viên, gồm 2 BCH cũ cộng lại. Thật ra về nhân sự, anh em văn nghệ với nhau nên quen biết cả, không có gì lớn. Vấn đề chính là sau khi sáp nhập, phải đảm bảo làm sao cho các vùng đất văn hóa trước đây đã từng có truyền thống lâu đời và từng có nhiều giai đoạn phát triển rực rỡ sẽ tiếp nối được lịch sử và các thành tựu vẻ vang của mình.

 

Trong thâm tâm, một số người tỏ ra nuối tiếc và lo ngại sẽ có sự “thôn tính”, “đồng hóa”giữa hai  nền văn hóa?

 

Tôi nghĩ không ai "lấn át" ai và cũng không ai "thôn tính" ai bởi đã là một giá trị văn hóa lâu đời thì làm gì có thể thôn tính hay đồng hóa? Vấn đề là chúng tôi sẽ cùng suy nghĩ để làm sao bản sắc văn hóa của từng vùng đất sẽ càng được phát huy mạnh mẽ và đậm đà hơn trong một mái nhà chung, được phát triển đồng đều và hài hòa trong tương lai. Văn hóa Thăng Long, cái rốn và cái nôi của cả nền văn minh Sông Hồng sẽ được nối dài thêm vào cả vùng văn hóa Xứ Đoài của Hà Tây cũ, đồng thời tiếp nhận thêm cả một  vùng văn hóa Mường nổi tiếng.

 

Là người quê gốc Hà Tây cũ, tôi tin tưởng rằng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của nền văn minh và văn hóa Xứ Đoài nổi tiếng sẽ không hề bị mai một và bị lai tạp đi trong không gian văn hóa mới mà mãi mãi vẫn là một bộ phận cấu thành xứng đáng trong các giá trị phức hợp của Thủ đô mở rộng.

 

Nhà thơ Bằng Việt vừa đón nhận hai tin vui. Thứ nhất là ngày 4/9 vừa qua, anh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội hợp nhất (Nhà thơ Dương Kiều Minh là Phó Chủ tịch). Thứ hai, tập thơ Nheo mắt nhìn thế giới vừa ra mắt, được coi như một sự kiện văn chương năm 2008. Càng đặc biệt hơn bởi đây là tác phẩm thi ca, một lĩnh vực nhiều năm qua vốn ảm đạm và ế ẩm...

Tại thời điểm thơ ca trở thành mặt hàng ế ẩm như hiện nay thì Nheo mắt nhìn thế giới của anh đã được bạn đọc rất quan tâm và hàng chục cơ quan thông tấn giới thiệu. Anh có ngạc nhiên về sự kiện này?

 

Tôi ngạc nhiên chứ, ngạc nhiên một cách thích thú và bất ngờ! Có thể nói sự đón nhận của độc giả và các cơ quan truyền thông vừa qua là dồn dập và ngoài sức tưởng tượng của tôi. Thực tình, ý định ra tập thơ này cũng chỉ mới xuất hiện mấy tháng trước. Sau khi xuất bản Tuyển tập thơ của mình (2003), và Tuyển tập thơ dịch thế giới thế kỷ XX (2005), tôi thấy người nhẹ bẫng đi mọi cảm hứng sáng tác nên đã lên một kế hoạch to đùng về các công trình dịch thuật và biên khảo. Nhưng rồi mấy anh em thân hữu bảo, lớp thơ chống Mỹ ngày càng thiếu vắng, ngày càng bỏ thơ mà đi, anh có thấy tủi không, hay thực sự các anh nản rồi, hết hơi rồi! Ừ thì thơ! Nhưng đã dám dấn thân trở về với thơ thì phải có gan làm lại, không trùng lặp với cái cũ.

 

Có phải vì bi quan nên trong lời mở đầu, anh đã dẫn ý của một nữ thi sĩ Ba Lan rằng nếu cuộc đời này chỉ còn lại dăm bảy người yêu thơ thì bà vẫn làm thơ. Và nếu quả thật thơ không còn cần cho ai, thì anh sẽ sẵn sàng đi làm việc khác?  

 

Tôi vốn là người không thần thánh hóa nhà thơ và cũng không thi vị hóa công việc làm thơ nên tôi nói câu trên hoàn toàn thành thật. Và cũng không phải là không có một chút bi quan về thái độ đối với thơ hiện nay. Còn thì, dù nếu không nói câu trên, tôi vẫn luôn luôn làm nhiều việc khác, chứ có độc canh với thơ bao giờ đâu!

 

Nói anh đừng giận, đọc tập thơ này tôi có cảm giác như Bằng Việt  dung dị, dễ tính... với nghệ thuật?

 

Tôi không những không giận mà còn phải cảm ơn bạn. Quả thật đến tuổi nào đó, người ta mới ngộ ra giá trị thật của sự đơn giản, không bày vẽ. Thơ Đường là mộc. Thơ Bertolt Brecht cũng là rất mộc. Đáng sợ nhất là cứ thích cao giọng rao giảng kinh sách trong một thế giới thật sự biết đùa! Mà ngay cả đùa cợt đấy, nhưng không phải là không có triết lý!

 

Có nhận xét trong tập thơ này ít thấy một Bằng Việt thi sĩ lãng mạn mà lại thấy nhiều hơn một Bằng Việt công dân, một Bằng Việt nhà báo?

 

Đúng là trong tập thơ này, có rất nhiều sự kiện ở dạng tư liệu báo chí được "thơ hóa". Ví dụ như các bài: Cầu vượt, Lý sự vụn về xe, Hãy đợi đấy, Nhà Hát Lớn, Ngôn ngữ và chính trị, Du lịch sinh thái, Từ điển danh nhân, Sự kiện tày đình, Vợ thời @, Bán thuốc ở Nam Ninh, Phim về Lý Công Uẩn, Rượu của Nguyễn Cao Kỳ... đều là thơ ở dạng như vậy. Tôi nghĩ nó được bạn đọc đón nhận có lẽ vì nó “gãi đúng chỗ ngứa” này của bạn đọc cũng nên!

 

Xu thế thơ trẻ hiện nay là thích trình diễn cầu kỳ, bẻ cong ngôn từ, thay đổi cách ngắt câu, nhả chữ, xuống dòng... tỏ vẻ bí hiểm, lập dị, bắt chước nước ngoài, pha trộn chất sexy... Thế nhưng anh lại bảo thơ của mình  không mới mà cũng không cũ. Vậy nó là cái gì?

 

Thơ tôi gần cách viết một bài báo hiện đại, nhưng có cảm hứng. Nó không lên giọng ôi a, ít bày tỏ cảm xúc, không nhấn nhá chữ nghĩa. Nó biết dựa vào các chi tiết cụ thể để tạo ra ấn tượng, nhưng không sa đà vào đó. Nó có thể tạo ra triết lý từ cách sắp đặt các tình huống, chứ không tự phát ngôn thành triết lý. Đặc biệt là nó có giọng trào lộng bình dân mà bỏ xa chất khái quát tư biện, duy lý. Nhiều bài thơ vừa được đơn cử trích dẫn ở trên thể hiện rõ xu thế đó. Điều thú vị là trong mục Hành động & ấn tượng của tờ báo mạng VietnamNet lại lấy ngay bài thơ của tôi để... bình cho sự kiện Hà Nội tạm dừng không sản xuất bộ phim về Thái tổ Lý Công Uẩn trong giai đoạn này nữa.

 

Anh có người vợ trẻ, đẹp và cũng rất  mô-den. Vì vậy, bài thơ “Vợ thời @”  khiến không ít người có sự liên tưởng đến nguyên mẫu. Phải chăng có sự so sánh, liên tưởng nào ở đây?

 

Đây không phải một bài thơ lấy nguyên mẫu nào ở ngoài đời. Nó thực sự là những quan sát tập hợp từ nhiều người, nhất là từ các câu chuyện mà vợ tôi hay kể về nhiều người quen cùng thế hệ, từ trong cơ quan đến các mối quan hệ tiếp xúc xung quanh. Do cũng có gặp trực tiếp một vài người "điển hình" trong số đó, tôi rút ra một số đặc điểm đã trở thành tính cách của một lớp phụ nữ trẻ trong cuộc sống làm ăn, bươn chải trong kinh tế thị trường hiện nay.

Khi bài thơ ra đời, vợ tôi đùa, bảo: "Anh có ý định bôi xấu thế hệ bọn em à?". Tôi cũng đùa, bảo: "Không phải định bôi xấu, mà có ý định cảnh báo thôi!". Vợ tôi vẫn chưa chịu, bảo: "Vậy em có gì đáng cảnh báo nào?". Tôi bảo: "Thì đấy! ít đọc báo, không quan tâm đến chính trị, hay tổ chức đi ăn uống picnic cùng bè bạn!". Vợ tôi bèn trề môi ra, giễu: "Thế anh không đi uống bia suốt trưa, suốt tối với bè bạn, thì việc gì em phải đi". Thế là dừng cuộc tranh luận về bài thơ!

 

Xin cám ơn anh! 

 

 Bùi Hoàng Tám (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm