1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Vừa “cấm” lại vừa “cắt”!

Ngày 27/6 bộ phim Sex And The City (tạm dịch: Chuyện ấy là chuyện nhỏ) chính thức được công chiếu tại Việt Nam. Khi bộ phim được trình chiếu tại Mỹ nó đã gây "sốc" vì những cảnh quá đỗi mát mẻ trên màn ảnh, đúng như tên gọi cũng như chủ đề của bộ phim.

Tại Mỹ, Sex And The City bị dán nhãn "R" vì sự xuất hiện của những hình ảnh khỏa thân và câu thoại liên quan đến tình dục. Cũng chẳng có ai phản đối khi phim này vào Việt Nam bị dán nhãn cấm khán giả dưới 16 tuổi.

 

Sex and the City bị dãn nhãn "R"

 

Thế nhưng nếu ai đã ra rạp xem phim này thì thấy rõ ràng việc dán nhãn là không cần thiết, thậm chí còn gây khó chịu. Khó chịu ở chỗ, họ kéo nhau đến rạp, xếp hàng mua vé, háo hức theo dõi, nhưng càng xem càng thấy phim "chẳng có gì, trẻ dưới 16 tuổi xem tốt". Ra khỏi rạp, nhiều người còn tỏ vẻ tức giận "như thể mình bị lừa".

 

Sex And The City khi công chiếu tại các rạp Việt Nam có nội dung hết sức bình thường, hoàn toàn chẳng có cảnh nào mang tính "khiêu khích", thậm chí còn "hiền lành" hơn rất nhiều những bộ phim từng chiếu rạp khác như Heartbreak Kid, Rambo IV...

 

Vì lý do an toàn, bộ phim đã bị cắt tỉa quá nhiều. Và chính điều này đã làm nó trở nên méo mó, thiếu tôn trọng đối với bản gốc.

 

Đây không phải là lần đầu tiên một bộ phim Mỹ ra rạp bị lâm vào tình cảnh khiến khán giả "khó hiểu" và "tức giận" như vậy. Cách đây tròn hai năm, bộ phim kinh dị Final Destination 3 (tựa tiếng Việt là Linh Cảm Của Wendy) cũng đã được công chiếu tại Việt Nam, và cũng được khuyến cáo là "không phù hợp với khán giả dưới 16 tuổi".

 

Ở Mỹ, Final Destination 3 bị dán nhãn "R" vì những cảnh bạo lực, kinh dị cũng như sự trần trụi của các nhân vật. Nhưng bản phim này khi vào đến Việt Nam lại hóa ra quá hiền lành, chẳng dọa nổi ai, cứ như thể nó thuộc về thể loại phim tình cảm chứ không phải kinh dị, rùng rợn.

 

Đơn giản là những cảnh mô tả các tai nạn cũng như cách để nhận ra các tai nạn của các nhân vật trong phim đã bị giảm đến mức "chẳng có gì là đáng sợ".


Vừa “cấm” lại vừa “cắt”!  - 1

20 phút "nóng bỏng" giữa Củng Lợi và Conlin Farrell trong Miami Vice đã bị các nhà kiểm duyệt Trung Quốc cắt sạch trước khi phim đến với khán giả

 

Việc cắt bớt những cảnh không phù hợp là cần thiết nhưng nếu "gọt tỉa" đến mức khán giả không còn nhận ra bản chất của bộ phim và không hiểu nổi nội dung của một tác phẩm điện ảnh thì cần phải xem lại.

 

Như trường hợp của Sex And The City, nếu chỉ xem bản chiếu ngoài rạp của Việt Nam thì không ai có thể tưởng tượng nổi tại sao nó lại là một hiện tượng văn hóa ở Mỹ suốt cả chục năm trời trước đó.

 

Thiết nghĩ nếu đã phân loại phim theo độ tuổi thì mức độ cắt xén cũng phải được chỉnh sửa phù hợp. Đã cắt thì thôi cấm, đã cấm thì đừng cắt (quá nhiều). Còn nếu cứ vừa cắt vừa cấm thì sẽ chỉ khiến khán giả "đủ tiêu chuẩn" trên 16 tuổi mất tiền mua vé vào rạp được một phen bực mình vì xem một bộ phim quá nhạt nhẽo, "nói vậy mà không phải vậy".

 

Xem phim mà lo ngay ngáy

 

Khán giả Việt Nam có quyền lo lắng rằng những bộ phim nước ngoài được chiếu tại Việt Nam sau này dù có được dán nhãn 16+ cũng sẽ bị cắt hết những cảnh nhạy cảm, "không phù hợp với thuần phong mỹ tục". Vậy thế nào là không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam? thế nào là đủ liều lượng để không bị "cắt"? Điều này chắc chỉ các thành viên của hội đồng kiểm duyệt phim mới trả lời nổi.

 

Chuyện kiểm duyệt phim, cấm phát hành hay hạn chế những cảnh không phù hợp với khán giả bản địa là điều cần thiết, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đã làm. Trung Quốc là một ví dụ điển hình về việc khắt khe trong vấn đề này. Cách đây hai năm, 20 phút "nóng bỏng" giữa Củng Lợi và Conlin Farrell trong Miami Vice đã bị các nhà kiểm duyệt điện ảnh Trung Quốc cắt sạch trước khi phim đến với khán giả.

 

Lý do là vì những cảnh quay quá nhạy cảm. Thêm nữa, Củng Lợi là một trong những biểu tượng của điện ảnh Trung Quốc, là đại sứ hình ảnh của Olympic Bắc Kinh 2008 nên việc cắt bỏ những cảnh quay mát mẻ liên quan đến nữ diễn viên này là điều cần thiết.

 

Nhiều phim có nội dung nhạy cảm khác như Memoirs Of A Geisha (Hồi ức của một Geisha); Lust, Caution (Sắc, Giới) cũng bị cấm trình chiếu tại Trung Quốc đại lục.

 

Tuy nhiên, việc cấm phát hành hay việc cảnh nào trong phim bị cắt, bị cắt bao nhiêu phút, lý do vì sao đều được các nhà kiểm duyệt Trung Quốc giải thích rõ ràng như một cách tôn trọng khán giả. Còn đối với các phim chiếu rạp ở Việt Nam, những quyết định này thì chỉ Hội đồng duyệt phim và nhà nhập phim biết, khán giả không biết đâu mà lần.

 

Hiện tại Việt Nam chỉ tiến hành phân loại theo độ tuổi, lấy mức chuẩn là 16 tuổi. Tuy nhiên, với lượng phim ngoại nhập về nhiều như hiện nay - trung bình mỗi tuần có hai phim ra rạp, thuộc mọi thể loại - thì cách phân loại này đang tỏ ra hạn chế.

Vừa “cấm” lại vừa “cắt”!  - 2

 Lust, Caution (Sắc, Giới) bị cấm trình chiếu tại Trung Quốc đại lục

 

Điện ảnh Mỹ có 5 cấp độ phân loại phim: G (Dành cho mọi đối tượng khán giả); PG (Phim cần có sự giám sát của phụ huynh vì một số nội dung không phù hợp với trẻ em); PG-13 (Các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, một số nội dung phim không phù hợp với trẻ dưới 13 tuổi); R (Vùng cấm: khán giả dưới 17 tuổi cần có sự giám sát của cha mẹ hoặc người giám hộ) và NC-17 (Khán giả 17 tuổi hoặc dưới 17 tuổi không được xem).

 

Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, chúng chỉ được phân ra hai loại: phim cho mọi đối tượng và phim cấm khán giả dưới 16 tuổi.

 

Điều này khiến "người bị cấm" (16 tuổi trở xuống) thì tò mò, người "đủ tiêu chuẩn" (trên 16 tuổi) cũng không có được những thông tin đầy đủ về bộ phim mình sắp xem, đến rạp mà cứ lo ngay ngáy chuyện phim đã bị "làm ngắn bớt".

 

Cũng phải nói thêm rằng, việc dán nhãn phân loại khán giả đến rạp không hẳn đã là "việc làm cần thiết để bảo vệ trẻ em vị thành niên" như lời một quan chức của Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia. Bởi, lời cảnh báo "phim không phù hợp với khán giả 16 tuổi" cũng là một cách kích thích cả những người không đủ tiêu chuẩn vào rạp xem lẫn những người vào rạp xem một bản phim không hoàn chỉnh tìm đến thị trường đĩa lậu.

 

Và người chịu thiệt thòi sẽ là nhà nhập phim. Xét cho cùng việc khán giả đến rạp xem phim cũng chỉ là một hoạt động mua bán. Tôi bỏ tiền ra để mua vé xem phim, tôi có quyền đòi hỏi mình được xem một tác phẩm hoàn chỉnh, chứ không phải một món hàng đã bị "ăn bớt".

 

Theo Hạnh Phương

Sành Điệu/TTOL

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm