1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Vợ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm: Lễ hợp táng sau 250 năm

Thế là sau khoảng 250 năm, sáng 29/7 tại cụm 7, thôn Phú Xá, phường Phú Thượng, quân Tây Hồ, vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Kiều - nữ sĩ Đoàn Thị Điểm lại được “đoàn tụ” trong buổi lễ hợp táng.

34 năm trước GS. Viện sĩ Phạm Huy Thông, cùng các nhà khảo cổ: Đỗ Văn Ninh, Trịnh Cao Tưởng, Nguyễn Đình Truật đã về nghiên cứu ngôi mộ của cụ Nguyễn Kiều tại khu vực Vườn Đào, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ba người trong số đó nay không còn nữa. Như vậy là từ lâu lắm các nhà khảo cổ học đã quan tâm đến nấm mộ của cụ Nguyễn Kiều. Không phải chỉ có thế, hàng trăm năm nay, cứ đến ngày 16/6 là dòng họ và bà con quanh vùng vẫn về hương khói cho cụ.

 

Được sự cho phép của cơ quan chức năng, Hội Khảo cổ học VN đã phối hợp với Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội tiến hành khai quật khẩn cấp mộ cụ Nguyễn Kiều tại khu vực Vườn Đào, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, nhằm giải phóng mặt bằng để Ban QLDA xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây, tiến hành thi công công trình phục vụ dân sinh. Chúng tôi vinh dự được nhận trách nhiệm chủ trì cuộc khai quật.

 

Ngày 24/7 cuộc khai quật bắt đầu và ngày 28/7 công việc trên hiện trường mới hoàn thành. Chỉ vẻn vẹn có 5 ngày, nhưng đoàn công tác của anh em chúng tôi đã hoàn thành tốt đẹp cuộc khai quật trong thời tiết vô cùng khắc nghiệt.
 
Vợ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm: Lễ hợp táng sau 250 năm  - 1
Vệt hài cốt của tiến sĩ Nguyễn Kiều
 

Ngày 25 và 26/7 chúng tôi mở hố khai quật 30m2 và tiến hành phá nấm mộ có gạch xây bao xung quanh mà theo tấm bia to đặt trên mộ ghi năm 1931. Nấm mộ này dài: 2m43, rộng 1m5 và cao 1m74. Mộ nằm theo hướng bắc lệch đông 48 độ. Nằm sát ngay vách tây của hố khai quật, cách hàng gạch dưới cùng của nấm mộ 1m81, phát hiện được một chiếc bát úp trên một bình gốm nhỏ. Dựa vào kiểu dáng trang trí hoa văn và kích thước chúng tôi cho rằng 2 hiện vật này có niên đại rất muộn: cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

 

Từ trắc diện cắt dọc, qua màu sắc của đất, chúng tôi phát hiện ra nấm mộ được cải táng ban đầu khá nhỏ, nằm lọt trong nấm mộ lớn. Có khả năng tấm bia nhỏ (bằng đá trắng, chữ đã bị mờ hết) là của nấm mộ nhỏ này. Từ lớp gạch cuối cùng của nấm mộ lớn xây năm 1931, đào sâu xuống 25cm, chúng tôi phát hiện tại khu vực giữa mộ dấu vết của huyệt mộ sắc cạnh và cân đối. Màu sắc phân biệt rất rõ ràng. Huyệt dài 1m12; rộng 0,49m. Trong huyệt lấp đầy cát. Xuống sâu hơn một chút gặp tiểu bằng gỗ hình chữ nhật nằm cân đối giữa huyệt. Chiều dài của tiểu 0,8m; rộng 0,25m. Chiều 26/7 chúng tôi phát hiện ra dấu vết của xương cẳng tay có lẽ là xương cẳng tay bên trái. Xương rất mủn nát. Nhưng ngay chính lúc đó cũng phát hiện ra nhiều con mối ở vùng giữa của tiểu. Tấm bia lớn, mấy chữ ở phần đáy bia bị mờ nên chưa thể đọc được là chữ gì.

 

Sáng ngày 27/7 anh Nguyễn Quang Hà - cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích thành cổ Cổ Loa đã mang giấy bản lên để dập bia. Thật vui mừng khi anh cho biết dòng cuối đã dịch được đó là: “Hạo Hiên tiên sinh chi mộ chí”. Cũng trong ngày 27/7 chúng tôi phát hiện được dấu tích xương của ngành hàm dưới bên phải và vòm của đỉnh sọ cụ Nguyễn Kiều. Thế là không thể nghi ngờ gì nữa. Đôi chỗ trong tiểu gỗ phát hiện thấy những vẩy sơn màu đỏ vàng. Có khả năng đây là dấu tích của vết sơn son tiểu gỗ cụ Nguyễn Kiều.

Buổi chiều ngày 27/7 đoàn chúng tôi họp bàn để tháo gỡ một khó khăn. Mặc dầu ngay ngày 27/7 Ban QLDA đã mua về một chiếc tiểu sành có kích thước lớn nhất. Nhưng vì xương quá mủn nát, nếu dỡ xương ra rồi cho vào tiểu thì chắc chắn sẽ bị vỡ vụn. Phải giữ lại nguyên khối đất trong đó có giữ hài cốt của cụ Nguyễn Kiều, không dỡ lẻ tẻ từng phần xương. Nhưng áng chừng khối đất lại vượt quá kích thước của tiểu sành. Đoàn khai quật đã nhất trí với dòng họ và Ban QLDA là thửa ngay một tiểu mới bằng gỗ. Toàn bộ khối đất và xương trong tiểu cũ được đưa vào trong tiểu mới bằng gỗ này. Tiểu lại đặt trong một quách bằng gỗ vàng tâm có trang trí bên ngoài. Phía trên tiểu gỗ phủ vải đỏ.
 
Vợ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm: Lễ hợp táng sau 250 năm  - 2
Nghi lễ hợp táng vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Kiều - nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

 

Ngày hôm sau, cán bộ khảo cổ đã cắt phần đất còn giữ di hài của cụ Nguyễn Kiều đặt trên một tấm ván cùng kích cỡ. 19g30 này 28/7 khi tiểu và quách được chở đến hố khai quật, mọi công việc dòng họ và chúng tôi đã hoàn tất một cách tốt đẹp theo đúng lộ trình.

 

Thế là sau khoảng 250 năm, sáng qua 29/7 tại cụm 7, thôn Phú Xá, phường Phú Thượng, quân Tây Hồ, vợ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm lại được “đoàn tụ” trong buổi lễ hợp táng. Ngay từ mờ sáng, đội kèn trống, và đội tế cùng hàng trăm bà con trong thôn với những bộ trang phục lễ hội đẹp nhất đã tề tựu đông đủ để đưa cụ Nguyễn Kiều về nơi an nghỉ cuối cùng. Từ trong sâu thẳm lòng mình tôi như thấy hai cụ mỉm cười mãn nguyện.

 

Chắc không sai, vì ai trong chúng ta cũng thật xúc động khi đọc bài văn tế của cụ viết về vợ mình - Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm:

 

“... Đào chưa tươi đã khô

Quế đang thơm đã rũ

Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu

Ngọc nát châu chìm lòng tôi quặn nhớ...”

 

Tôi hy vọng từ nay chính quyền địa phương, bà con trong dòng họ và nhân dân thôn Phú Xá, sẽ thay mặt nhân dân cả nước chăm lo cho phần mộ 2 cụ - hai THI NHÂN đã để lại những dấu son làm rạng rỡ nền văn học nước nhà.

 

Cụ Nguyễn Kiều còn có hiệu là Hạo Hiên ông sinh ngày 27/2/1695 và mất ngày 16/6/1752 (theo gia phả của dòng họ cung cấp). Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Thắng và Nguyễn Bá Thế, NXB Văn hoá xuất bản lần thứ tư vào năm 1997 ở trang 557 ghi cụ sinh năm 1694 và mất năm 1771. Theo tôi niên đại này không chính xác nhất là ngay mấy dòng dưới lại ghi “… có đi sứ Trung Quốc trong năm 1642”?

 

Theo TTVH