1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Vĩnh biệt nghệ nhân tuồng cung đình triều Nguyễn cuối cùng

(Dân trí) - Khoảng 19h ngày 23/7, NSƯT La Cháu (quê làng Hà Trung, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - nghệ nhân biểu diễn tuồng cung đình triều Nguyễn cuối cùng đã qua đời tại nhà riêng ở TP Huế, hưởng thượng thọ 99 tuổi.

Từ lúc lên 10 tuổi, dưới thời vua Khải Định, nghệ nhân La Cháu đã được thân phụ cho đi học tuồng Thanh Bình Thự (nơi dạy múa cung đình, diễn tuồng triều Nguyễn) từ năm 10 tuổi. Với năng khiếu giỏi đàn ca xướng hát và biểu diễn, ông đã trở thành một diễn viên tuồng chuyên nghiệp và đã từng được vua nhiều lần khen ngợi.

Các vai diễn thành công của NSƯT La Cháu gồm: Phàn Ðịnh Công, Tạ Ôn Ðình và Linh Tá (tuồng Sơn Hậu), Lưu Khánh (tuồng Tống Ðịch Thanh), Tiết Cương và Võ Tam Tư (tuồng Hộ sanh đàn), Yêu Cá và vua đói (tuồng Lý Phụng Ðình), Tạ Ngọc Lân (tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn)...

Vĩnh biệt nghệ nhân tuồng cung đình triều Nguyễn cuối cùng - 1
Nghệ nhân La Cháu tự tay vẽ mặt nạ tuồng trên khuôn mặt của mình trước giờ biểu diễn - (ảnh: Trọng Bình)

Sau khi triều đại phong kiến triều Nguyễn sụp đổ vào năm 1945, tuồng Huế đã đi vào lãng quên. Cuộc sống của nghệ nhân La Cháu cũng như nhiều nghệ nhân tâm huyết khác rơi vào cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, ngọn lửa đam mê nghề của cụ Cháu vẫn không thay đổi.

Mỗi đêm, cụ cùng các bạn biểu diễn tại rạp Đồng Xuân Lâu ở đường Phan Đăng Lưu (TP Huế) để mưu sinh. Để “tiếp thị” trước giờ diễn, các diễn viên tuồng vẽ mặt, đeo râu, mặc áo quần các vị tướng, tá và lên xe xích lô dạo quanh các phố phường trong Thành nội Huế để thu hút người dân đến rạp hát xem tuồng.

Năm 1968-1975, cụ cùng những các bạn nghề đã lập ra một trường nghệ thuật đồng ấu nhằm đào tạo lớp trẻ đi theo nghê biểu diễn tuồng với mong muốn đưa nghệ thuật tuồng phát triển trở lại.

Sau 1975, cụ đã cộng tác giảng dạy tuồng và múa hát cung đình tại Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cụ đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò thành danh trên con đường nghệ thuật tuồng như NSƯT Bạch Hạc, NSƯT Chánh Huế, nghệ sĩ Thanh Long, Diệu Hy, Thu Vân...

Năm 1993, cụ Cháu giành được Huy chương vàng trong Hội diễn các trích đoạn tuồng hay toàn quốc tại Huế. Năm 2005, cụ được Bộ Văn hóa -Thông tin và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng bằng khen vì có công phục chế phục trang biểu diễn tuồng Huế. Cụ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2007 và giải thưởng Cố đô của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Huế năm 2010.

3 người con của cụ Cháu hiện nay là NSƯT La Cẩm Vân, nghệ nhân La Nguyên, đạo diễn La Hùng và 3 người cháu nội là La Tuấn, La Phước Cường, La Thanh Hải vẫn đang tiếp tục nối nghiệp nghệ thuật tuồng, ca múa nhạc cung đình.

Vĩnh biệt nghệ nhân tuồng cung đình triều Nguyễn cuối cùng - 2

Các diễn viên tuồng ấu đồng (nhỏ tuổi) dưới thời vua Nguyễn ở Huế (ảnh tư liệu của Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế)

Sự ra đi của NSƯT La Cháu - nghệ nhân tuồng cuối cùng của triều Nguyễn là một mất mát lớn lao với giới tuồng cổ Huế và những nhà nghiên cứu, học giả, SV quan tâm về tuồng. Thời gian trôi qua và tiếp thêm một “báu vật sống” của nền nghệ thuật cung đình Huế đã không còn nữa. Hiện ở Huế còn rất ít những nghệ nhân của triều đình nhà Nguyễn.

Trong thời gian này, nhóm nghiên cứu thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đang tiến hành sưu tầm, nghiên cứu để xây dựng hồ sơ khoa học về Mặt nạ tuồng Huế. Đây là cơ sở để khôi phục những giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật hội họa được thể hiện trên mặt nạ tuồng Huế, bên cạnh việc tạo nguồn tư liệu để các thế hệ nghệ sĩ trẻ nắm bắt được cách thức hóa trang từng nhân vật khi bước chân vào nghề. Hồ sơ dự kiến sẽ được hoàn thành và báo cáo vào cuối tháng 5/2012.


 

 
 
 
 
 
 
Đại Dương