1. Dòng sự kiện:
  2. Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố
  3. "Viết tiếp câu chuyện hòa bình"

Bạn đọc viết:

Văn hóa nhận lỗi của "sao" Việt

(Dân trí) - Gần đây trên mạng xôn xao về chuyện “tố qua tố lại” giữa Mai Phương Thúy và đại diện của một hãng dầu gội mà cô làm đại diện quảng cáo về sự “vô lễ” của Mai Phương Thúy trong một clip quảng cáo.

Sau khi clip quảng cáo một loại dầu gội Rejoice mà Mai Phương Thúy thủ vai chính được phát trên truyền hình, dư luận tỏ ra rất bất ngờ và bất bình với sự vô lễ của cô con dâu tương lai khi ăn nói cộc lốc và thiếu kính ngữ với mẹ của người yêu. Nhiều ý kiến phản hồi cho rằng nhân vật mà cô hoa hậu thể hiện lời thoại không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt.

 

Trong kịch bản, Mai Phương Thúy đóng vai cô gái xinh đẹp, có mái tóc dài óng mượt được người yêu đưa về ra mắt gia đình. Mẹ chàng trai ấn tượng với mái tóc dài suôn mượt của cô con dâu tương lai liền hồ hởi thăm dò bí quyết làm đẹp: “Cháu duỗi tóc ở tiệm à?”. Đáp lại câu hỏi đó, Mai Phương Thúy chỉ trả lời: “À không, chỉ là Rejoice”.

 

Rất nhiều ý kiến bình luận về đoạn quảng cáo này cho rằng câu trả lời của Mai Phương Thúy chỉ phù hợp đối đáp với bạn bè đồng trang lứa. Còn với vị trí là người nhỏ tuổi hơn, có thể lại là con dâu tương lai, câu trả lời cộc lốc như thế là vô lễ.
 
Văn hóa nhận lỗi của "sao" Việt - 1
Hoa hậu Việt Nam Mai Phương Thúy

 

Sau khi bị phản đối dữ dội, Mai Phương Thúy đã giải thích trên một tờ báo mạng: “Thực ra khi kí hợp đồng quảng cáo cho nhãn hàng này, Thúy chỉ kí điều khoản về việc Thúy phải làm và phạm vi sử dụng hình ảnh. Kịch bản thế nào là do bên nước ngoài lo, họ cũng là người quay…Chính xác là khi sang đến Thái Lan, khi đọc kịch bản xong, Thúy có thắc mắc ngay. Đoàn sang Thái Lan chỉ có hai người Việt Nam là Thúy và copywriter của nhãn hàng. Thúy có nói rằng lời thoại như vậy là không hợp lý. Bản thân Thúy là người miền Bắc, mỗi câu nói với những người hơn tuổi Thúy đều có kính ngữ và cũng rất lễ phép.

 

Tuy nhiên lúc đó, copywriter nói với Thúy, họ là nhãn hàng lớn, khi lên kịch bản hay làm gì, họ đã đều tính toán kĩ rồi. Còn giờ nếu Thúy khăng khăng không chịu nói lời thoại này, thì họ sẽ phải ngừng quay quảng cáo này, anh copywriter sẽ phải bay về Việt Nam, họp với chủ nhãn hàng để bàn lại về kịch bản. Và đương nhiên lúc đó chi phí dội lên rất nhiều và Thúy thành người phá vỡ hợp đồng. Lúc đó ekip quay quảng cáo cho Thúy còn rất nhiều quảng cáo khác của nhiều nhân vật nổi tiếng đến từ nhiều nước, Thúy không muốn là người phá vỡ hợp đồng và cũng không để mọi người vì mình mà phải dừng công việc”.
 
Thế nhưng, sự việc có lẽ sẽ không ồn ào nếu Mai Phương Thúy không đưa ra lời bào chữa cho mình. Lời bào chữa của cô lại như “châm thêm dầu vào lửa” khi đơn vị chủ nhãn hàng “phản pháo” ngược lại với những gì mà Mai Phương Thúy đã nói.
 
Văn hóa nhận lỗi của "sao" Việt - 2
Lẽ ra Mai Phương Thúy nên đưa ra một lời xin lỗi công khai

 

Trước lời giải thích của hoa hậu, đại diện Công ty P&G Việt Nam - đơn vị cung cấp nhãn hàng dầu gội Rejoice Siêu mượt - cho biết chưa hề nhận được ý kiến trực tiếp từ Hoa hậu Mai Phương Thúy về kịch bản quảng cáo thiếu kính ngữ. Bà Lê Thị Tuyết Mai - phụ trách đối ngoại của P&G Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi luôn luôn làm việc với đại sứ các nhãn hàng trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau”.

 

Dẫu vậy, bà Tuyết Mai cũng thừa nhận nội dung trong quảng cáo là không phù hợp với văn hóa Việt Nam và cần phải sửa lại: “Chúng tôi ghi nhận những phản hồi về mẫu quảng cáo Rejoice Siêu mượt vừa qua, chúng tôi sẽ điều chỉnh mẫu quảng cáo cho phù hợp hơn trong thời gian sớm nhất”.   
 

Ngay khi sự việc diễn ra, nếu Mai Phương Thúy đứng ra có một lời xin lỗi công khai thay vì tự bào chữa, đổ lỗi vòng quanh có lẽ cô sẽ nhận được nhiều sự cảm thông hơn. Với nhận thức của một Hoa hậu, lại là một người gốc miền Bắc, cô hẳn phải nhận ra được điều “không ổn” trong lời thoại cộc lốc đó. Và nếu như cô nói rằng “buộc phải chấp nhận nếu không sẽ bị cắt hợp đồng” lại càng khiến nhiều người ngán ngẩm.

 

Qua chuyện của Mai Phương Thúy, lật lại “hồ sơ” của rất nhiều vụ lùm xùm trong làng showbiz Việt mới thấy văn hóa nhận lỗi của các “sao” khá “xa xỉ”. Dù xin lỗi là điều quá ư hiển nhiên mỗi khi ai đó phạm lỗi và các “sao” quốc tế không ngại làm điều này nhưng với “sao” Việt thì dường như không mấy dễ dàng. 
 
Văn hóa nhận lỗi của "sao" Việt - 3
Diễn viên Thanh Thúy và chiếc váy xẻ cao táo bạo trong đêm diễn 19/6 của Bước nhảy hoàn vũ 2011 (Ảnh: Lý Võ Phú Hưng).
 

Lật lại “hồ sơ” của “sao” Việt, động thái dũng cảm như của diễn viên Thanh Thúy sau sự cố với váy ở cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ 2011 là khá hiếm hoi. Dù trong động thái xin lỗi của mình, cô cũng không quên... đổ một phần lỗi cho NTK, nhưng dù sao Thanh Thúy cũng đã dũng cảm đứng ra có một lời xin lỗi công khai. Trong liveshow thứ 8 của Bước nhảy hoàn vũ 2011 diễn ra tối 19/6 tại Vũng Tàu, trang phục của diễn viên Thanh Thúy bị khán giả “la ó” về độ gợi cảm. Chiếc váy dài xẻ quá cao đã khiến cô có những tạo hình sân khấu phản cảm.

 

Khi được hỏi, Thanh Thúy giải thích: “Ở những vòng trước, nhà thiết kế trang phục cho các thí sinh là người Hà Nội. Khi cuộc thi chuyển về Vũng Tàu, nhà thiết kế thay đổi, tôi đã đặt may trang phục cho mình ở TPHCM. Chiếc váy được may theo thiết kế của bạn nhảy Alex, tuy nhiên, khi hoàn thiện, chiếc váy đã may sai so với bản thiết kế ban đầu. Ngay khi thử váy tôi đã nhận thấy sự không ổn của nó. Nhưng đã quá trễ để có thể xử lý hoặc thay thế. Tôi ý thức được việc mình đã mặc một chiếc váy xẻ quá cao, tôi biết có thể sẽ có những phản ứng xảy ra, tuy nhiên, thực sự, tôi bị rơi vào tình cảnh bất khả kháng”.

 

Nhận lỗi và công khai xin lỗi là một văn hóa cần có và cần được tôn trọng trong phong cách ứng xử của bất kỳ ai chứ không riêng gì những người nổi tiếng. Thậm chí, ở “sao” lại càng phải được chú trọng hơn, bởi họ là người nổi tiếng, tất cả những việc họ làm đều có ảnh hưởng trực tiếp tới công chúng, những người đã ủng hộ họ. Như vậy, “thiệt hại” mà “sao” gây ra không nằm gói gọn trong phạm vi của bản thân họ mà còn ảnh hưởng tới công chúng.

Phan Anh