“Văn hoá Mỹ không đủ sức biến người Việt thành người Mỹ”

"Dù có nhuộm tóc vàng, thay da trắng, lấy tên Mỹ thì người Việt cũng vẫn không thể trở thành người Mỹ, được đối xử bình đẳng như người Mỹ", đó là nhận xét của ông Lê Thành Giai (Việt kiều tại Mỹ) về đời sống của người Việt tại Mỹ.

Theo ông Lê Thành Giai (Việt kiều tại Mỹ), đời sống của Việt kiều ở Mỹ rất nghèo nàn, đặc biệt là đời sống văn hoá, tinh thần. Ông đã có bài viết lý giải sâu hơn về nhận xét này theo đề nghị của dịch giả Phạm Viết Đào.

Tôi thật sự cảm động khi nhận được thư anh! (ông Lê Thành Giai viết cho dịch giả Phạm Viết Đào). Giữa chúng ta không hề có sự ngăn cách. Từ điểm xuất phát này tôi nghĩ rằng, làm sao để những người Việt bên này không cảm thấy bị tách ra khỏi cội nguồn dân tộc là chuyện rất đáng làm.

Cách sống ở Mỹ không khỏi có lúc làm cho chúng tôi buồn. Văn hoá Mỹ không đủ sức biến người Việt trở thành người Mỹ. Do đó, tôi tin rằng trước sau gì rồi "lá cũng sẽ rụng về cội".

Khá nhiều người Việt ở Mỹ theo dõi tình hình bên nhà qua Internet. Sau sự kiện Đặng Thuỳ Trâm, số này tăng lên rất nhiều. Tôi có đọc một số bài điều tra về cộng đồng người Việt tại Mỹ do một số tổ chức phi vụ lợi, viện đại học thực hiện. Các điều tra này đều có nhận xét chung về cộng đồng người Việt: Kém về trình độ học vấn, yếu về phát triển cộng đồng, thiếu đoàn kết, thiếu bản sắc dân tộc và chấp nhận bị đồng hoá! Nhưng nhìn kỹ lại, các điều tra này mới nhằm vào những người vượt biên và dạng H.O.

Văn hoá Mỹ đề cao tự do cá nhân, rất dễ đưa giới trẻ vào con đường tự huỷ hoại tương lai. Ở California, tôi rất ngạc nhiên trước việc thanh niên gốc Việt ở đây vẫn quanh quẩn với "nhạc vàng" của những năm 1960. Hiện nay, nhiều gia đình thiếu nền tảng văn hoá bền vững, cha mẹ đã buông lỏng việc giáo dục con cái. Rất nhiều gia đình chấp nhận "đầu hàng" lối sống ăn theo văn hoá Mỹ, trong cộng đồng thiếu sự đoàn kết để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Tôi đang sống ở Mỹ, vật chất tuy đầy đủ không có nghĩa là cuộc sống được đầy đủ do thiếu tình quê hương trong lòng, thiếu và nhớ một cách da diết. Nhiều đồng hương của tôi cũng có ý nghĩ như tôi, nhưng e ngại không dám nói ra. Có một số người nhập quốc tịch Mỹ, nhưng thực tế không được người Mỹ coi là đồng chủng.

Do phải sống không thực với chính mình nên buộc họ phải thường xuyên "đóng kịch" với chính mình. Họ xem được "đồng hoá" là một vinh dự; trong gia đình giao tiếp bằng tiếng Anh, tập sống như Mỹ. Họ đâu biết rằng, mang danh Vietnamese-American (người Mỹ gốc Việt) thật chẳng có chút vẻ vang gì!

1.000 năm bị Bắc thuộc, 100 năm bị đô hộ bởi thực dân Pháp, cha ông ta vẫn là người Việt, nói tiếng Việt. Thế mà mới 30 năm ở hải ngoại, không ít người đã đánh mất sức đề kháng truyền thống của người Việt. Theo tôi do sự quảng bá không đầy đủ về văn hoá Việt tại hải ngoại đã làm cho không ít người trong cộng đồng xa dần với gốc rễ dân tộc.

Xã hội công nghiệp ở Mỹ khiến nhiều người nhập cư đánh mất những nhu cầu tinh thần: Không đọc báo và tạp chí, không tìm hiểu về sự thay đổi tích cực ở quê nhà, tự chấp nhận cho con cháu bị lối sống Mỹ đồng hoá. Xã hội California là một xã hội tạp chủng, không có bản sắc riêng. Mặt khác, người nhập cư nói chung và người Việt nói riêng luôn bị sự "độc tài" của nền luật pháp Mỹ quản thúc, song lại không tự nhận thức được.

Chính quyền sở tại không thích người nhập cư mở mang kiến thức để dễ bề cai trị. Đây là điều mà những người có chút kiến thức đều nhận ra. Dù có nhuộm tóc vàng, thay da trắng, lấy tên Mỹ thì người Việt cũng vẫn không thể trở thành người Mỹ, được đối xử bình đẳng như người Mỹ.

Tuy nhiên, do sĩ diện nên không ít người Việt ở Mỹ không dám lên tiếng. Từ ngày sang Mỹ sống trong một cộng đồng người Việt tự cho là văn minh, tiến bộ, nhân quyền... nhưng tôi chưa thấy một tờ báo nào, một đài phát thanh nào của cộng đồng người Việt dám lên tiếng tranh đấu cho quyền lợi của người Việt ở Mỹ... Nhập tịch, đổi tên họ chỉ là một miếng mồi nhưng không ăn được. Tôi nghĩ rằng đánh thức lương tâm của một con người có suy nghĩ sai lạc là điều không khó!

Người Việt sống ở Mỹ suy cho cùng chỉ là sự ban ơn của một chính sách "nhận người Việt để biến họ thành công cụ sản xuất mà thu thuế". Trong chính sách đó tưởng như hàm chứa sự nhân đạo, nhưng không phải vậy! Người Việt ở Mỹ sẽ đi về đâu?

 Theo Lao Động