Vân Dung: Vừa truyền đạm vừa chạy sô
Tốc độ chạy sô của Vân Dung hiện nay nhiều đến chóng mặt nên chuyện chị vừa phải truyền đạm trên xe vừa chạy đến nơi biểu diễn, hay có lúc cánh tay vừa “tạm biệt” chiếc kim truyền nước lại bước lên sân khấu, không phải là chuyện lạ nữa.
Kinh tế không phải là vấn đề lớn đối với chị, vậy điều gì khiến chị chạy sô nhiều đến vậy?
Tôi chỉ nghĩ một điều nghệ sĩ là người của công chúng, của tất cả mọi người không của riêng ai, từ bác nông dân đến thợ sửa xe. Họ ở khắp mọi miền chứ không riêng gì những người ở thành phố mới được thưởng thức nghệ thuật.
Khi đến những vùng sâu, vùng hẻo lánh mới thấy được con người ở đó họ thiếu thốn, khổ cực đến mức nào. Họ thực sự cần chúng tôi và chúng tôi cũng muốn san sẻ bớt sự thiếu thốn cho họ. Có người nói chúng tôi làm như vậy là phi nghệ thuật nhưng tôi nghĩ chính những người đó mới không hiểu gì về nghệ thuật cả.
Làm việc mải miết, nếu một ngày chị không biết làm gì thì sao?
Chắc có lẽ tôi ốm mất.
Có gia đình và một cậu con trai, chạy sô nhiều như vậy chị dành thời gian cho chồng con vào lúc nào?
Điều hạnh phúc nhất đối với một người mẹ đó là được ở bên cạnh con lúc đang chập chững và bi bô biết nói nhưng tôi lại có rất ít thời gian bên cạnh con. Đó là điều thật sự tôi cảm thấy tiếc, nhưng bù lại được khán giả bên cạnh và đón nhận nồng nhiệt tôi cũng cảm thấy nhẹ bớt phần nào.
Chị có thể chia sẻ một vài kỷ niệm khó quên khi đi diễn?
Nếu kể ra thì có lẽ cả ngày không hết chuyện nhưng một lần đi diễn ở Hà Tây có lẽ bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy khiếp. Hôm đó khán giả quá đông, họ chen lấn xô đẩy nhau nên mấy anh em sợ quá hô nhau chạy. Tôi trèo lên mái chuồng lợn nhà dân để thoát nhưng không ngờ mái lợp bằng giấy dầu nên vừa trèo lên đã bị ngã tụt xuống may mà chuồng không có lợn chứ không có lẽ phải gọi 115 để đưa tôi đi mất.
Một kỷ niệm vui nữa đó là một lần đoàn chọn địa điểm là vùng sâu, vùng xa đi mất cả ngày đường hết xe ôm đến xe ngựa rồi phải cắp dép lội bộ mà khi vào đến nơi bà con chỉ đứng ngoài nhìn vào. Giá vé ban đầu từ 8.000 đồng hạ dần xuống chỉ còn 1.000 đồng, vậy mà bà con vẫn đứng im duy nhất có một người biết tiếng Kinh nói: “Có bán 500 thì mua”. Cả đoàn cười chảy nước mắt.
Trong công việc chị là người khá thành công, vậy còn trong cuộc sống chị thấy mình như thế nào?
Chưa ai dám nói hay về mình bao giờ, hôm nay có thế này nhưng ngày mai có thể thế khác. Ông trời chỉ cho một thứ khó có ai hoàn hảo tất cả nhưng tự mình cảm thấy thoải mái là được. Hiện tại tôi cảm thấy cuộc sống khá thoải mái không bị áp lực nào cả vả lại tôi là người thẳng tính, việc của mình mình làm không sợ ai nói xấu hay gièm pha.
Vân Dung bật mí, mọi chuyện khác thì cô không dám liều nhưng chỉ có việc bản thân chị nghĩ lại cũng thấy liều. Cách đây 2 năm khi chị mua ô tô, mới tập được ngày thứ nhất thế mà sang ngày thứ hai chị đã một mình đi xuống Hải Phòng mặc dù lúc đó chị chỉ biết tiến thẳng chứ chưa biết lùi và tạt vào lề đường. Cũng may mà chuyến đi đó bình an không có vấn đề gì cả.
Ngày trước chị cũng không thích lắm vì rất hay say xe nhưng khi mua rồi mới thấy tiện trăm bề. Nghề của nghệ sĩ cũng nay đây mai đó, đồ đạc thì lỉnh kỉnh đủ thứ thế nên khi có xe cũng tiết kiệm được khá nhiều cả về thời gian và tiền bạc.
Trước câu hỏi: "Vân Dung có phải là một tay lái lụa", chị nói: "Cũng tạm thôi nhưng đó là vào ban ngày còn ban đêm thì tôi được mệnh danh là “vua đi dò” vì tôi cận mà, tối thì chẳng thấy gì hết". |
Theo Điện ảnh kịch trường