Cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21 năm 2007:

Tuyển thủ cầu mây Lưu Thị Thanh tin mình sẽ đoạt giải

Tại cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21 năm nay, trong số 12 cô gái lọt vào vòng chung kết, có một gương mặt rất đặc biệt. Đó chính là cô gái vàng của thể thao Việt Nam 2006: tuyển thủ cầu mây Lưu Thị Thanh.

Thanh đã trải qua nhiều vòng thi để bước vào giai đoạn cuối bằng sự duyên dáng, đằm thắm mà tự tin, sắc sảo. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị.

 

Chào Thanh, điều gì khiến chị quyết định đến với Phụ nữ thế kỷ 21?

 

Tôi tham gia theo ý nguyện của ông xã. Anh ấy có xem chương trình này năm ngoái nên động viên vợ: "Em nên thi để biết, có nhiều cái hay lắm!". Tìm hiểu thông tin về cuộc thi, tôi thấy đây quả là sân chơi thú vị. Nó là cơ hội để người phụ nữ học hỏi, nâng cao kiến thức, thử thách và khám phá giá trị bản thân. Tôi tự hỏi: "Sao mình không tham gia nhỉ?".

 

“Cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21” đòi hỏi toàn diện những phẩm chất của người phụ nữ hiện đại. Trong khi đó, thế mạnh của chị là thể thao, lĩnh vực mà nhiều người cho rằng chỉ thiên về thể chất, chị nghĩ sao?

 

Tôi cảm thấy rất tự ái với những định kiến như vậy. Trong thể thao thành tích cao, không chỉ là sự khổ luyện, người vận động viên còn phải có ý chí và năng lực tư duy. Tham gia cuộc thi này, tôi muốn chứng minh: Phụ nữ chơi thể thao cũng phải cầu tiến, học hỏi và hòa nhập vào cuộc sống hiện đại. Tôi hy vọng bước đi đầu tiên của mình sẽ xóa bỏ dần những mặc cảm của chính người trong nghề, cũng như suy nghĩ trước đây của tôi.

 

Quá nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao hẳn là một lợi thế nhưng cũng là áp lực khi tham dự cuộc thi. Chị cảm thấy thế nào về nhận xét này?

 

Biết tôi đi thi, bạn bè có người bảo: "Sao liều thế? Đang có danh tiếng, lỡ bị loại thì sao?". Nhưng tôi không cảm thấy áp lực gì cả vì tôi đến với cuộc thi bằng tâm thế người phụ nữ trẻ khao khát học hỏi, trải nghiệm, chấp nhận thử thách và khám phá chính mình.

 

Chị đã khám phá thêm những gì về bản thân?

 

Rất nhiều. Đặc biệt ở những lĩnh vực mình chưa biết, chưa từng trải nghiệm. Chẳng hạn, tôi chưa bao giờ biết trang điểm cũng như thiết kế trang phục. Cứ ngỡ phần thi này mình sẽ bị loại. Nhưng "cái khó ló cái khôn", tôi quan sát và quyết tâm làm bằng được. Thế là tạo được bộ đầm đẹp và tự trang điểm cho mình. Trông cũng xinh! Hay phần thi hoạt động từ thiện, tôi phát hiện mình có năng lực tổ chức và khả năng thuyết phục cao. Tôi nghĩ chính sự tự tin đã giúp mình làm được những điều đó.

 

Trong quá trình tham gia cuộc thi, vị giám khảo nào ấn tượng nhất với chị?

 

Đạo diễn Lê Hoàng. Tôi đặc biệt thích những câu hỏi của anh, sắc sảo, hóc búa nhưng lại rộng mở để thí sinh thoải mái đưa ra và bảo vệ suy nghĩ, quan điểm của mình. Tôi cũng thích cách góp ý thẳng thắn và chân thành của anh ấy.

 

Việc tập luyện và nghỉ ngơi của vận động viên chuyên nghiệp đã chiếm hết quỹ thời gian, chị làm cách nào để có nền tảng kiến thức như vậy?

 

Tôi rất mê sách, báo và thường lên mạng tìm thông tin. Đó là cách nạp kiến thức nhanh gọn và hiệu quả nhất. Ngoài ra, sau công việc, tôi dành thời gian cho giải trí như xem phim, nghe nhạc. Tôi học được rất nhiều điều từ nghệ thuật đấy.

 

Nhạy cảm và yêu nghệ thuật như vậy, chị nghĩ thế nào nếu bỗng dưng có lời mời đóng phim?

 

Đó là một ý hay. Tôi nghĩ mình sẽ làm tốt vai trò MC. Đóng phim ư? Nếu có một vai nữ cảnh sát hành động, có thể tôi sẽ nhận lời. Còn những vai diễn khác, phải xem mình có hợp không đã. Ai cũng bảo tôi với diễn viên hài Vân Dung trông như hai chị em ấy (cười).

 

Câu hỏi cuối, chị có hy vọng mình sẽ giành danh hiệu cao nhất của cuộc thi này? Kế hoạch sắp tới của chị là gì?

 

Mục đích của tôi đến với cuộc thi không phải là giải thưởng. Nhưng nhìn lại chặng đường qua, tôi có niềm tin và cơ sở để tin mình sẽ đoạt giải. Sắp tới, tôi sẽ tham gia quảng cáo, dạy thể thao tại một trường quốc tế và làm tốt công việc của một huấn luyện viên tại Sở thể dục Thể thao tỉnh Thanh Hóa. Quan trọng hơn hết là tôi sẽ dành nhiều thời gian cho tổ ấm của mình.

 

Cảm ơn chị và chúc chị thành công!

 

Theo Đỗ Hùng

Thế Giới Văn Hóa