Tùng Dương: Mỹ Tâm có nhiều thuận lợi để vươn ra thế giới
(Dân trí) - Tùng Dương chia sẻ rất nhiều về ước mơ đưa âm nhạc Việt ra thế giới, anh cũng cho rằng không chỉ Mỹ Tâm mà bất kỳ ai, ở dòng nhạc nào nếu làm tới đều có thể bước ra thế giới...
Ngoài cái tên Độc đạo ra thì album mới của bạn có gì đặc biệt?
Dĩ nhiên là nó có rất nhiều điều đặc biệt. Album này được thực hiện ở Châu Âu với những thiết bị phòng thu tối tân, đã sản sinh ra rất nhiều album world music của anh Nguyên Lê và những cộng sự của anh ấy trên thế giới. Tôi nghĩ là mình may mắn vì từ trước đến giờ những người nghệ sĩ Việt Nam được anh Nguyên Lê để ý đến và hợp tác cũng chỉ có mỗi chị Hương Thanh thôi, và thật ra chị Thanh cũng là nghệ sĩ ở Pháp. Có lẽ là tôi đã may mắn vì chính bản thân đã chinh phục được thần tượng của chính mình.
Album này là một sự giao thoa, một sự kết nối về đặc tính vùng miền, văn hóa, tôn giáo của rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới cùng với tôi và Nguyên Lê. Tôi và Nguyên Lê là hai người chèo lái cho dự án này và luôn luôn mang trong mình lòng tự tôn dân tộc, muốn kết hợp với âm nhạc dân gian của các nước khác để có thể thấy là sự kết hợp đó giúp con người xích lại gần nhau hơn dù sự kết hợp đó có những sự khác biệt về đặc tính vùng miền.
Ví dụ như sự kết hợp với nữ nghệ sĩ Julia Sarr một nữ ca sĩ nhạc soul, nhạc jazz, nhạc world music của Pháp, rất thành công tại Pháp song ca với tôi hai ca khúc trong album. Tom Diakite, một ông vua của nhạc world music đến từ Châu Phi, để có thể thấy rằng đó là sự kết hợp không tưởng, không phải kết hợp để so sánh mà là một sự kết hợp để ăn ý, hài hòa trong âm nhạc, bất cứ cái gì cũng có tiếng nói chung để kết hợp lại.
Nguyên Lê rất giỏi, nhưng anh ấy sống ở Pháp từ quá lâu, làm thế nào để anh ấy giữ và phát triển chất nhạc của Tùng Dương?
Anh phải hiểu rằng người ta không phải là những người bạn thân, hay gặp gỡ, tám chuyện, nhưng trong âm nhạc người ta vẫn có thể cảm được nhau, vẫn có một mối giao cảm với nhau. Nguyên Lê là thần tượng của rất nhiều người trong nghề, anh ấy như là một bậc thầy của nhạc jazz và trong sách guitar của Pháp họ đã công nhận Nguyên Lê là jazz man của thế giới rồi. Tôi chỉ thấy là mình may mắn vì có những cộng sự vì đã tìm được những người như thế.
Tôi muốn hướng đến hình mẫu là một người hát có tư tưởng chứ không chỉ là một người hát hay, tôi không định phô diễn một giọng hát đẹp, thì anh Nguyên Lê cũng là một người nghệ sĩ chơi đàn có tư tưởng.
Sự kết hợp của Tùng Dương với Nguyên Lê đem đến cơ hội phát hành đĩa bên Pháp, cơ hội vươn ra khỏi Việt Nam. Khá nhiều nghệ sĩ Việt Nam cũng muốn và phần nào đã làm được điều đó. Ví dụ như Mỹ Tâm phần nào đã làm được thông qua những giải thưởng quốc tế?
Tôi nghĩ là bản sắc quan trọng, lòng tự tôn dân tộc ấy. Bất cứ một ca sĩ nào bước ra ngoài thế giới họ vẫn phải trình làng những điều cơ bản nhất, như họ sinh ra từ nước đó, dòng máu nước đó, uống nguồn nước của nước đó. Trên nền bản sắc đó chúng ta phải sáng tạo thì sẽ giúp cho người nghệ sĩ riêng biệt. Có được sự riêng biệt đó thì người nghệ sĩ sẽ dễ giới thiệu mình với công chúng hơn.
Chúng ta không bắt ép được thế giới nghe nhạc của chúng ta nhưng không vì thế mà chúng ta lai căng hay quốc tế hóa bằng cách hát dòng âm nhạc của họ. Vì nếu mình hát theo dòng âm nhạc của họ thì công nghệ không thể tới họ được. Vậy nên người nghệ sĩ quan trọng là giữ được bản sắc, bản ngã không bao giờ mất đi, nó chỉ nhân lên thôi. Tôi nghĩ người Việt Nam tự hào về truyền thống dân gian của mình, không thua kém một nước nào khác, không thua kém về độ đa dạng, phong phú.
Anh Nguyên Lê là một đại diện của Việt Nam thật sự xâm nhập được vào nền âm nhạc thế giới, những album của anh đã trở thành một tài sản có giá trị và được giảng dạy trong các trường âm nhạc tại Việt Nam. Nguyên Lê sống ở đâu không quan trọng, cái hay, cái quan trọng là anh ấy luôn thể hiện được nguồn gốc, bản ngã của anh khi giới thiệu bản thân anh ra nước ngoài. Cái lõi là cái quan trọng chứ không phải cái vỏ.
Danh tiếng của Mỹ Tâm đã vươn ra với quốc tế, nhưng theo anh chất lượng âm nhạc (như anh nói là quan trọng nhất) của Mỹ Tâm đã vươn ra tầm quốc tế hay chưa?
Tôi có một thói quen là không bao giờ nhận xét về những người đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên, hãy xem đó như là một tín hiệu đáng mừng bởi vì danh tiếng cũng rất quan trọng. Đối với cá nhân người làm nghề tôi nghĩ cái hồn cốt, chất lượng sẽ quan trọng hơn, quyết định là bạn có đẳng cấp và có thể vươn ra khỏi thế giới được hay không chứ không chỉ là danh tiếng không.
Đối với Mỹ Tâm thì tôi thấy trời cho cô ấy rất nhiều thứ và mọi sự thuận lợi, có những thành công nhất định như vậy thì chúng ta nên ủng hộ và mừng cho cô ấy vì cô ấy cũng đã giới thiệu được một dòng nhạc pop hiện đại. Mỹ Tâm là một hình mẫu được phổ cập rộng rãi. Cứ được người ta để mắt tới đã là một thành công rồi, dẫu cho anh có là nghệ sĩ của số đông hay là một nghệ sĩ của nghệ thuật. Tôi nghĩ Tâm có những sức hút riêng và ở cách Tâm xây dựng hình tượng rất chuyên nghiệp. Còn nếu để nói nhạc của Mỹ Tâm đã phải là âm nhạc nghệ thuật chưa thì điều này chúng ta không bàn tới.
Tôi cũng không có ý định đào sâu về vấn đề đó nhưng nhiều người không tin Mỹ Tâm có thể tiến xa hơn ở giải âm nhạc MTV bởi cô ấy chỉ hát tiếng Việt. Theo Dương thì điều quyết định để âm nhạc Việt Nam vươn ra được với thế giới?
Hát tiếng Anh thực ra chỉ là xu hướng quốc tế hóa thôi, quan trọng nhất là cái hay của người nghệ sĩ. Tất nhiên nó dựa trên rất nhiều tiêu chí, nhưng người ta nói nhập gia tùy tục, nếu bạn đến Mỹ bạn không thể hát dòng âm nhạc quá khác biệt với Mỹ. Vì mỗi nước họ có một "gu" riêng. Những nghệ sĩ thành công trên nước ngoài mà thành công ở nước Pháp thì họ vẫn mang bản sắc của họ nhưng phải mang tinh thần của người Pháp thì họ mới có thể nổi tiếng ở Pháp.
Chúng ta còn rất nhiều vấn đề để đưa âm nhạc của chúng ta ra được thế giới. Nói một cách công bằng thì dòng âm nhạc dân gian của Việt Nam thì mọi người đã được biết đến rồi, hay nhạc cổ điển thì mọi người cũng đã biết đến Đặng Thái Sơn, anh cũng là một nhân tố được giải Chopin làm rạng danh Việt Nam, hay anh Nguyên Lê và rất nhiều đại diện khác nữa của mọi lĩnh vực khác nhau. Như vậy cũng là thành công, cũng là đưa được tên tuổi ra thế giới rồi chứ không phải là một người có bề nổi, vì nếu xét về bề nổi thì nó sẽ có những tiêu chí khác nhau, sẽ rất khó.
Theo tiêu chí của bạn, bạn nghĩ ca sĩ nào của Việt Nam có thể vươn ra thế giới?
Mỗi người có một màu sắc khác nhau, thế giới cũng vậy. Không phải cứ chỉ có một dòng mới ra được thế giới. Dòng của Mỹ Tâm nếu cô ấy làm tốt, làm tới, làm hết mình thì cô ấy cũng có thể ra được thế giới. Dòng âm nhạc của Tùng Dương nếu làm tốt cũng có thể thành công, có cơ hội vươn ra được thế giới. Thế giới là đa sắc, mỗi người có một cách thức, tiêu chí nghệ thuật, con đường đi và âm nhạc khác nhau, tư tưởng khác nhau.
Với tôi thì tôi hướng đến âm nhạc tư tưởng, có tính chiêm nghiệm, nó hé lộ cho tôi những sự suy tưởng chứ không chỉ là một dòng âm nhạc mang tính giải trí. Nếu đã là suy tưởng thì không gian âm nhạc trong album sẽ rất mở, nó không bị gò bó gì cả và mình phải chuẩn bị một sức khỏe, thể trạng thật sự tốt để lúc nào cũng có thể bay bổng, hoàn thành những dự định của mình, sự sáng tạo của mình sẽ không bị cạn kiệt. Nếu mình nuôi dưỡng và nhân được rộng dòng âm nhạc mình đang theo đuổi, dấn thân, và sáng tạo không ngừng nghỉ thì mình có thể thành công. Vẫn mơ mộng chứ, không ai có quyền đánh thuế ước mơ cả.
Như bạn nói, dòng âm nhạc dân gian của Việt Nam được biết đến và có những thành công nhất định, nhưng album này, được bán ở Pháp lại là dòng nhạc world music?
World music là một dòng nhạc được ưa chuộng tại Pháp và châu Âu, nó có một kệ đĩa riêng của tất cả những người làm album world music. Nhưng world music thì phải cho nó ra đúng là world music chứ không phải là một thứ nhạc xào xáo lại và “ngụy”. Nếu chúng ta làm tới được thì chúng ta sẽ ra được màu sắc của dòng âm nhạc đó. Nếu bán trên kệ đĩa thì phải được xếp ở một kệ đĩa của dòng âm nhạc nào đó chứ không thể để album của bạn đứng trước một nguy cơ là không biết xếp vào đâu. Vậy nên world music là một dòng tư tưởng rộng lớn, thường là dòng âm nhạc dân gian tư tưởng, gọi là contemporary traditional, dân gian đương đại. Nó là sự phát triển, tiếp nối âm nhạc truyền thống, không những thế nó còn là sự hòa trộn, kết hợp với những dòng âm nhạc dân gian của những nước khác nữa. Nước Pháp rất ưa chuộng điều này.
Anh Nguyên Lê như bạn nói là một con người luôn hướng về Việt Nam, anh ấy mới về Việt Nam 3 lần nhưng gần đây anh ấy không về nữa.
Ngày 24/11 này là live concert Tùng Dương - Nguyên Lê tại cung Việt Xô. Lần này tất cả mọi người sẽ cùng diễn với tôi ở liveshow này, cũng là một dịp để giới thiệu album tại quê nhà và có điều kiện để anh Nguyên Lê về quê được nhiều hơn. Bởi vì anh ấy đang bị bệnh nan y nên tôi cũng không biết có được cơ hội chơi nhạc và hát cùng anh tại quê nhà nhiều nữa không, nên cứ có điều kiện thì tôi sẽ tổ chức liveshow cho anh tại Việt Nam.
Xin cảm ơn anh rất nhiều!
Phan Anh