Tự truyện “Tôi nghe tôi hát” của cựu nữ tù binh

(Dân trí) – Cựu nữ tù binh Trần Duy Phương vừa cho ra mắt cuốn tự truyện “Tôi nghe tôi hát” viết về cuộc đời của bà từ những ngày thơ ấu đến khi đất nước giải phóng. Đặc biệt là những năm tháng bà bị địch bắt chuyển từ nhà giam này qua nhà giam khác. Là những ngày tháng bà đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, cũng như chiến đấu và chiến thắng thương tật.

Trần Duy Phương sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha chị tham gia Mặt trận Việt Minh rất sớm và đã hy sinh trong ngục tù bỏ lại mẹ già, vợ trẻ và 3 đứa con thơ. Trước sự tàn phá của quân xâm lược đã sớm thôi thúc chị đi theo con đường mà cha chị đã đi. 15 tuổi chị đi theo cách mạng. Lúc đó có người hỏi chị:

-         Lý tưởng của Phương hiện tại là gi?

Chị trả lời: hai tiếng “lý tưởng” đối với tôi còn mới mẻ quá, nhưng tôi nói chắc với anh một điều là tôi sẽ đi tiếp con đường mà ba tôi đã đi.

Bà Trần Duy Phương tại lễ ra mắt cuốn tự truyện Tôi nghe tôi hát' vừa qua
Bà Trần Duy Phương tại lễ ra mắt cuốn tự truyện "Tôi nghe tôi hát' vừa qua

Trong một lần bị địch tập kích, chị bị bắn thương ở cột sống, liệt hai chân. Lúc này chị mới 19 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời con gái. Sau đó chị bị chuyển từ trại giam tù binh Non Nước (Đà Nẵng) rồi vào trại giam Phú Tài (Quy Nhơn), trạm giam Cần Thơ. Mãi đến năm 1973 chị mới được trao trả về cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Thời gian ở tù, chị là một người đặc biệt. Chị thường xuyên phải nằm trên ca – băng và di chuyển bằng cách nhờ chị em khiêng cáng. Thế nhưng chị không chịu khuất phục quân thù. Chị và mọi người đã động viên nhau, đùm bọc lẫn nhau để tiếp tục sống và chiến đấu. Chị Phương kể lại: “Trong tù, chúng tôi luôn ca hát, diễn kịch và dạy học để cùng nhau đi qua những khó khăn của những tháng ngày lao tù và đấu tranh. Hát để quên đi đau đớn, hát để lấy lại tinh thần, động viên mình và động viên đồng đội”.

Những ngày ngục tù

Sau bao nhiêu năm ấp ủ, trăn trở, ở tuổi 63, cựu nữ tù binh Trần Duy Phương cũng đã hoàn thành cuốn tự truyện của mình. Theo bà, bà rất muốn hoàn thành sớm hơn nhưng vì lý do sức khỏe nên không thực hiện được.

Cuốn tự truyện dài khoảng 200 trang được bà viết trong thời gian 3 tháng trình bày chi tiết và trung thực những đòn tra tấn của kẻ thù đối với những nữ tù binh.

“Hắn giơ hai bàn tay hộ pháp lên rồi giáng mạnh xuống cái bụng quấn đầy băng vẫn còn đang rỉ máu của tôi. Tôi kêu lên một tiếng thật to, mày mặt tối sầm lại, sau đó không còn biết gì nữa… Chờ hai người y tá đi rồi hắn đưa hai bàn tay lên như chực vồ lấy tôi rồi bất ngờ hắn quặp vào cổ tôi bóp chặt khiến tôi nghẹt thở”.

Chúng còn độc ác hơn khi: “Chúng vừa đánh vừa đá, đạp vào chỗ hiểm, có tên còn nói: “Đánh cho tụi mầy tuyệt đường con cái, tuyệt nòi Cộng sản…. Cô Sáu Nhồng (quê Hội An) bị thằng Minh đánh tới tập, bị đá, bị đạp trước mặt tôi”.

Tự truyện Tôi nghe tôi hát của Trần Duy Phương
Tự truyện "Tôi nghe tôi hát" của Trần Duy Phương

Hoặc: “Chị Tám Khuya (quê Khánh Hòa) cũng cùng phòng với tôi, trong một lần đi đổ phân về bị bọn giám thị gọi lại và bắt chị phải chào, chị quyết không chào. Thế là chị bị mấy tên giám thọ xúm vào đánh đến ngất xỉu. Chưa thỏa mãn, chúng đổ nước vào lỗ tai rồi nhét cả sỏi vào, sau đó chúng dùng kềm bẽ gãy 3 cái răng cửa cùng lúc. Chị được chị em săn sóc ngày đêm, nhưng cả tuần lễ sau vẫn còn lên cơn co giật”.

Thế nhưng chị vẫn không chịu khuất phục, chị trả lời quân giặc: “Tôi là tù binh, tôi chỉ ra tù khi nào chiến tranh kết thúc, đôi bên trao trả tù binh. Tôi không chấp nhận ra tù bằng con đường ký giấy chiêu hồi”.

Chính những năm tháng trong tù đã khiến cho cô nữ sinh xinh đẹp của trường Trần Quý Cáp phải tàn phế cả đời. Và cho đến hôm bà vẫn phải tiếp tục chiến đấu để chiến thắng bệnh tật.

Nhận xét về cuốn tự truyện “Tôi nghe tôi hát”, nhà văn Trung Trung Đỉnh, giám đốc NXB Hội nhà văn viết: “Toàn bộ tuổi trẻ của Trần Duy Phương – Trần Thị Mai (tên trong tù – PV) là chiến đấu và chiến thắng. Chị đã và đang chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, cũng như chiến đấu và chiến thắng thương tật, bệnh tật. Sức sống kỳ lạ của một con người kỳ lạ. Đó là sự bất tử của tinh thần kiêu hãnh và kiên trung mà chỉ có tuổi trẻ và lý tưởng của tuổi trẻ Việt Nam mới có được”.

Viết sách để tri ân những tấm lòng

Hiện tại, bà đang sống cùng mẹ già nay đã bước sang tuổi 90. Bà di chuyển hàng ngày bằng nạng và xe lăn. Bà vẫn cố gắng làm những việc sinh hoạt cá nhân của mình và những việc nhẹ. Những cơn đau vẫn hành hạ bà hằng ngày và phải dùng đến thuốc. Trong những lần đau đớn nhất, ký ức về những ngày tháng lao tù, về những chị em tù với nhau lại hiện lên trong tâm trí của bà.

Bà Phương xem lại những trang tự truyện của mình
Bà Phương xem lại những trang tự truyện của mình
 
 
Nói về cuốn sách “Tôi nghe tôi hát” của mình, tác giả Trần Duy Phương bộc bạch: “Tôi mang nặng ơn từ các chị em, các đồng đội đã cưu mang, đùm bọc và che chở cho tôi những tháng ngày trong tù. Nếu không có họ, tôi nghĩ mình đã bỏ mạng trong tù. Tôi muốn tri ân đến với những người bạn của tôi nên đã viết cuốn sách này. Và tôi muốn đền đáp với ba, mẹ. Một người là gương sáng để tôi bước theo con đường cách mạng, mà đến bây giờ, dù mang thương tật suốt đời tôi vẫn không hối hận; một người vì tôi mà khổ cực cả đời nhưng vẫn ủng hộ con đường tôi đi”.

Khánh Hồng

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm