Trương Ngọc Ánh và 3 cuộc đời đẫm nước mắt

Lý An trong Hạt mưa rơi bao lâu, Dần trong Áo lụa Hà Đông, Kiều trong Sài Gòn nhật thực - ba phụ nữ thuộc ba thời đại khác nhau, ba cuộc đời đẫm nước mắt ấy tưởng chừng không có nét chung bỗng chốc lại gặp nhau trong một Trương Ngọc Ánh.

Khi Hạt mưa rơi bao lâu vừa ra mắt khán giả Việt Nam và Áo lụa Hà Đông còn phiêu lưu tận trời Tây, Ánh lại bắt đầu vào vai cô Kiều tân thời - một diễn viên điện ảnh nhiều tài sắc, lắm truân chuyên trong bộ phim Sài Gòn nhật thực của đạo diễn người Pháp gốc Việt Othello Khanh.

Quỹ thời gian quá hạn hẹp nên cái đầu quyết đoán, nóng như đàn ông luôn "chỉ" cho Ánh nên nhận vai nào và thẳng thắn từ chối vai nào. Kiều trong Sài Gòn nhật thực và Kiều trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du cùng gặp nhau ở sự truân chuyên, vì gia cảnh phải hy sinh tình yêu, phải bán mình nhưng họ là hai nàng Kiều hoàn toàn khác nhau, lại một vai hứa hẹn đủ đất cho cô thủ vai.

Bản lĩnh mà mơ mộng, không cam chịu một cuộc sống tù túng đến ngột ngạt sau lũy tre làng, Lý An của Trương Ngọc Ánh trong Hạt mưa rơi bao lâu quyết định vùng lên phản kháng dẫu biết rằng tiếng nói của người phụ nữ trong xã hội phong kiến cô đang sống biết khi nào mới được người ta nghe thấy, dẫu hiểu rằng cái giá của sự liều lĩnh ấy đôi khi phải trả bằng chính sinh mạng của mình.

Nỗi buồn từ cuộc đời mờ mịt của Lý An trong Hạt mưa rơi bao lâu cứ ám ảnh người xem mãi không thôi. Tiếng nói đòi quyền sống của người phụ nữ qua vai diễn của Ánh đã giúp bộ phim giành được một số giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế.

Cái dáng liêu xiêu dãi nắng dầm mưa cào hến; tất tả ngược xuôi với gánh hàng trên vai; lam lũ, tảo tần như bao thân phận phụ nữ khác hòa vào dòng người chạy loạn; vẻ buồn hiu hắt phảng phất trên gương mặt cam chịu của người đàn bà giữa cảnh nước lụt trắng trời..., diễn xuất mộc mạc của Trương Ngọc Ánh khiến những người có mặt tại trường quay Áo lụa Hà Đông lúc đó tưởng chừng như trước mặt không phải một Trương Ngọc Ánh sôi nổi, năng động họ từng biết mà là một phụ nữ nông thôn thực thụ.

Có chồng rồi, cuộc sống của Ánh xem ra không có nhiều thay đổi đáng kể. Có khác chăng là sự nghiệp điện ảnh của Ánh ngày càng thuận buồm xuôi gió hơn. Dường như chưa diễn viên nào may mắn như Ánh khi mấy năm liền đều nhận được vai chính trong các bộ phim truyện nhựa.

Cơ hội cho Ánh thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp càng cao khi mỗi vai của cô lại là một thân phận phụ nữ khác nhau về hoàn cảnh, môi trường sống lẫn tính cách.

Từ xuất phát điểm là danh hiệu hoa khôi trong cuộc thi sắc đẹp nho nhỏ, giờ đây, Ánh đã được xem như một trong những gương mặt ấn tượng của điện ảnh VN, một cái tên hiếm hoi để lại dấu ấn từ chính sự chuyên nghiệp.

“Có công” trong việc đưa tên tuổi Ánh tỏa sáng qua bộ phim Em và Michael Jackson từ hơn 10 năm trước, ngay lúc chuẩn bị kịch bản cho Áo lụa Hà Đông, đạo diễn Lưu Huỳnh biết anh không có sự lựa chọn nào khác ngoài Ánh. Đạo diễn Othello Khanh “nhắm” Ánh cho phim của mình từ rất lâu trước ngày Sài Gòn nhật thực chính thức bấm máy.

Từ Đức về VN làm bộ phim truyện nhựa đầu tay, sau một thời gian dài đi tìm diễn viên chính cho phim Hạt mưa rơi bao lâu nhưng không thành, mọi bế tắc của đạo diễn Đoàn Minh Phượng bỗng chốc được giải tỏa khi chị gặp được Ánh: “Từ vẻ ngoài hiện đại và năng động của cô ấy, tôi đã thấy hình ảnh một cô gái nông thôn Bắc Bộ thời phong kiến giàu nghị lực, dám vượt ra khỏi lũy tre làng, đấu tranh giành quyền được sống”.

Về làm phim ngay tại quê nhà, mang khát vọng giới thiệu văn hóa Việt với thế giới qua những thước phim, những câu chuyện gắn liền với nhiều thân phận phụ nữ từ xưa đến nay, các đạo diễn đã chọn Ánh như một sự bảo chứng cho đứa con tinh thần của mình vì khả năng hóa thân đa dạng và phong thái làm việc chuyên nghiệp của cô. Cái tên Trương Ngọc Ánh đủ để họ yên tâm khi mang đứa con tinh thần của mình giới thiệu ở xứ người.


Theo Phương Trang
Người Lao Động