Trương Ngọc Ánh nhớ mối tình đầu
(Dân trí) - “Ngày xưa, anh vẫn đạp xe chở tôi đi qua những dãy phố dài, qua những hàng sấu xanh ngút, qua những hàng chè thơm, qua những vạt nắng đầy kỷ niệm… Ngày ấy, sao đạp xe khỏe thế? Mối tình đầu bao giờ cũng đẹp và khó quên”, Trương Ngọc Ánh nhớ lại.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ba tôi là một công chức nhà nước. Mẹ tôi là một diễn viên múa ba-lê. Cũng có thể nói rằng, gia đình tôi có truyền thống về nghệ thuật. Trong nhà, từ ông nội tôi đến các cô, dì, chú bác, ai cũng biết chơi từ hai nhạc cụ trở lên, trong đó cây đàn bầu được xem như nhạc cụ “truyền thống” của gia đình, ai cũng phải biết chơi. Không hiểu sao tôi lại rất sợ nghe tiếng đàn bầu, có lẽ vì nó buồn quá.
Khi tôi lớn lên, ông nội lôi tôi ra bắt học đàn bầu. Tôi mếu máo khóc và tìm mọi cách trốn bằng được buổi tập. Mẹ thương cảm, xin ông cho tôi đi học múa ba-lê. Học vài buổi tôi cũng chán. Lúc ấy, tôi thích đi học kịch câm. Tôi giấu gia đình xin đăng kí dự thi vào một khóa học kịch câm, và tôi đã đỗ.
Tôi vẫn còn nhớ những ngày ấy gia đình tôi ở góc phố Tràng Thi - đầu Cửa Nam. Dãy phố có mấy ngôi nhà, nhà nào cũng có trẻ con. Nhóm chúng tôi có thằng Cu, thằng Long, Hùng Vượng, Hà “chề”, và tôi là Ánh “Thụy Điển”. Bây giờ chắc tôi không thể gọi tên lũ bạn như ngày xưa được rồi, ai lại gọi là… Cu nữa. Bố Vượng của Hùng cũng đã mất, bạn bè đã tan tác, mỗi đứa một nơi nhưng chắc hẳn những kỷ niệm ấu thơ trong nỗi nhớ của ai cũng còn nguyên vẹn.
Chúng tôi thân nhau lắm. Ngày nào cũng tụ tập từ sáng sớm tinh mơ, chơi đùa đủ mọi trò tinh quái. Chiều về cùng rủ nhau đi học. Tan học lại cùng nhau la cà đến tối mịt, buồn ngủ díp mắt, quần áo lấm lem, mặt mũi nhem nhuốc mới chịu chia tay nhau, ai về nhà nấy. Nhớ mỗi dịp lễ, Tết cả nhóm góp tiền mua bóng bay về thổi bán ở góc phố chỗ Tràng Thi cắt ra phía đường Hàng Bông. Hình như lần nào cũng lãi, cả nhóm được cả chầu kem, Long, Hùng nhỉ?...
Ngày ấy, lũ bạn gọi tôi là Ánh “Thụy Điển” vì tôi hay mặc chiếc áo Mút-su-lin đỏ, người đen nhẻm, các ông bà Tây balô qua lại quán nước của ông nội nhìn thấy tôi cứ đòi bế lên chụp ảnh. Chắc vì tôi được Tây thích, nên có luôn cái tên Ánh “Thụy Điển”.
Tốt nghiệp trường cấp II Tân Trào, cả nhóm chúng tôi rủ nhau cùng thi vào cấp III Lý Thường Kiệt. Sáng sáng í ới gọi nhau đi học, rồi cùng đạp xe như… giặc qua phố Bà Triệu để đến trường, những buổi sáng ấy không ngờ còn trong lành mãi, còn xao xuyến mãi với tôi đến tận bây giờ. Lên cấp III, tôi có mối tình đầu với anh.
Anh học trên tôi. Nhà ở khác phố. Anh có “quả” xe Cha-ly thấp lè tè, hay phóng qua nhà tôi chơi. Hồi ấy, ngại bố mẹ nên hai đứa chỉ dám hẹn gặp nhau ở đầu phố. Thường thì anh hay chở tôi trên con xe Cha-ly lòng vòng qua những con phố xanh cây, hoặc đôi lúc, tôi mang “con” mifa của mình ra rủ anh đạp xe quanh Hồ Tây. Lãng mạn ra trò đấy chứ! Không hiểu sao ngày ấy đạp xe khỏe thế, hai đứa cứ chạy quanh các phố cả buổi mà không thấy mệt. Điểm dừng của chúng tôi bao giờ cũng là mấy hàng chè quen, mấy quán bánh Hồ Tây.
Qua đi những xao xuyến ban đầu, mối tình ấy cũng ngại ngần dừng lại... Chúng tôi bây giờ là bạn. Anh đã có gia đình riêng. Thỉnh thoảng vẫn nhắn tin, gọi điện. Ngày ông tôi mất, anh vẫn đến chia buồn. Ừ phải, dẫu gì, chúng tôi cũng đã có những ký ức chung đấy thôi?
Lên lớp 12, tôi được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần mời đóng phim Em còn nhớ hay em đã quên. Một bài báo mới đây cũng đã viết, một ngày khi tôi đang đứng lơ ngơ trước cổng trường Lý Thường Kiệt thì bỗng thấy hai anh diễn viên quen mặt ngoắc tay gọi ra hỏi có muốn đi đóng phim không, tôi gật đầu. Hai anh diễn viên đó chính là Phước Sang và Lê Công Tuấn Anh. Cuộc gặp gỡ ấy đã khiến cuộc sống của tôi thay đổi. Tôi vào Sài Gòn tham gia bộ phim Em và Micheal- ngay lúc ấy, tôi đã quyết định Sài Gòn sẽ là mảnh đất lập nghiệp của mình.
Xếp những kỷ niệm ấu thơ vào nỗi nhớ, xếp mối tình đầu vào ký ức, chia tay góc phố Tràng Thi, tôi khăn gói vào Nam. Bố mẹ phản đối, không cho tôi vào Sài Gòn một mình. Nhưng thấy tôi kiên quyết, bố mẹ cũng đành gật đầu và nhờ cô tôi đưa tôi đi.
Vậy mà đã mười bốn năm trôi qua, thời gian trôi chóng mặt, mới ngày nào tôi còn bỡ ngỡ xách va-ly đứng nép vào góc đường nhìn Sài Gòn lộng lẫy đầy lo lắng. Bây giờ, tôi đã có một căn nhà trên phố Nguyễn Hữu Cảnh, tôi đã có công ty riêng và đã lấy chồng. Tất cả là do tôi may mắn, do tôi nỗ lực.
Ở Sài Gòn, cuộc sống náo nhiệt, sầm uất và ồn ã. Những khi mệt mỏi, những khi nản lòng tôi lại dành thời gian ra với Hà Nội, để lại được rảo bước trên những con phố đầy kỷ niệm. Tôi thích những câu hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn:
“Nhiều đêm muốn đi về con phố xa
Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới hiên nhà…”.
Trương Ngọc Ánh
Hiền Hương (ghi)