Trung Hiếu: Rất sướng khi đóng vai… phản diện
(Dân trí) - “Bây giờ tôi đã thấy cái sướng khi được vào những vai phản diện và cái khổ khi phải đóng những vai chính diện”, diễn viên Trung Hiếu vui vẻ nói.
Vào vai Bạch Đàn trong bộ phim “Lời sám hối muộn màng” (sẽ chiếu trong thời gian tới trên VTV)- một vai đa tính cách, nhiều giằng xé nội tâm phức tạp, anh đã chuẩn bị cho vai diễn này như thế nào?
Ngay khi nhận kịch bản Lời sám hối muộn màng, tôi đã thấy đây là một vai rất hay. Một vai đòi hỏi người diễn viên phải lao động thực sự. Bạch Đàn lớn lên là một chàng trai hiền lành, chất phác, học giỏi, nhưng, cuộc sống với nhiều biến cố, cộng thêm tính nóng nảy, thiếu bản lĩnh mà Đàn sa ngã dần, hung dữ dần và cuối cùng là một tên cướp, một kẻ giết người. Tuy sa ngã thế, nhưng trong sâu thẳm lòng Đàn vẫn “sợ”, vẫn tha thiết hoàn lương.
Để sống được cuộc sống của nhân vật, tôi luôn chuẩn bị cho nhân vật của mình một lý lịch cụ thể. Bản chất anh ta là người như thế nào? Tại sao anh ta lại trở nên độc ác? Ví dụ, vai Khang trong phim Đường đời chẳng hạn. Trong vai Khang, tôi đã đẩy phần tốt của anh ta lên, ban đầu diễn hiền lành, chất phác hơn, về sau cũng giảm bớt phần xấu xa, ích kỷ của nhân vật xuống. Như thế, vai diễn sẽ “đầy đặn” hơn, chứ không quay ngoắt đang là tốt thành xấu, đang là xấu thành tốt! Vai Bạch Đàn cũng tương tự như vậy.
Sau vai Khang (Đường đời), dường như khán giả đã quen nhìn Trung Hiếu với gương mặt “gian ác”. Anh có nghĩ mình hợp với những vai phản diện hơn?
Bây giờ tôi mới thấy cái sướng khi được vào những vai phản diện và cái khổ khi phải đóng những vai chính diện! Diễn viên phản diện có thể tha hồ tung hoành phá cách, tha hồ thể hiện, có nghĩa là cách diễn của vai phản diện đa dạng, phong phú hơn. Chứ đóng vai chính diện lúc nào cũng phải chững chạc, bệ vệ, ăn nói đúng cách thế này thế kia, đến cười cũng phải cười kiểu gì cho hiền, cho ra dáng… người tốt! Khổ lắm.
“Tung hoành” với vai diễn là một tên tử tù như Bạch Đàn. Vậy ấn tượng của anh với Lời sám hối muộn màng là gì?
Là… vui! Thời gian quay Lời sám hối muộn màng, chúng tôi đi làm phim xa, tận trên vùng rừng núi Lương Sơn (Hoà Bình). Khán giả xem phim sẽ thấy, phim có nhiều cảnh lãng mạn, đẹp mắt. Một trong những cảnh mà tôi nhớ nhất có lẽ là cảnh đám cưới của Bạch Đàn và Nhung. Tất cả đoàn làm phim chuẩn bị cho cảnh đám cưới như thật, nào nến, nào đuốc, nào thịt nướng, cá khô. Chúng tôi quay vào đêm. Đốt một đống lửa thật to giữa rừng núi trùng điệp, hun hút sâu. Đuốc thắp lên khắp nơi, sáng rực. Bạn phải sống trong không khí ấy, bạn sẽ cảm nhận được như tôi, có cái gì đó thật hoang dã, lại thật ấm cúng. Tôi có cảm giác như mọi người đang chuẩn bị đám cưới cho tôi thực sự! cảm động, hồi hộp, tôi gần như không phải diễn gì cả.
Đến khi vào hang tân hôn, cả hang đá lung linh ánh nến, nước rơi tí tách, phía trên gắn đầy những ngôi sao, và chữ thập sáng lấp lánh. Và có một cảnh Bạch Đàn và Nhung… hôn nhau. Tôi và Đàm Hằng phải bàn với nhau trước cảnh quay rất kỹ, nhưng đến khi đạo diễn hô “diễn!” vẫn thấy run. Cả đoàn làm phim im lặng (vì biết chúng tôi hồi hộp) nhưng khi đóng xong (hôn nhau xong), cả đoàn vỗ tay ầm trời! Cảnh đó phải quay lại mấy lần, nhưng mà vui thật!
Nhiều diễn viên đang có xu thế học đạo diễn, còn anh thì sao?
Tôi phải suy nghĩ xem mình có khả năng, tư duy của một đạo diễn hay không? Diễn viên hay đạo diễn, nghề nào cũng quý, tôi nghĩ vậy. Từ lâu, tôi cũng thích trở thành một đạo diễn. Tương lai gần, có thể tôi sẽ đi học, đi vì thích thôi chứ không phải vì mình là một diễn viên nên phải phấn đấu trở thành một đạo diễn. Tôi đang có nhiều dự định lắm. Trước đây, tôi từng được giữ lại làm giảng viên ĐH Sân khấu Điện ảnh, nhưng đã chọn về nhà hát kịch Hà Nội. Có thể, tương lai, tôi sẽ học cao học và về trường…
Cảm ơn anh, chúc anh sẽ thành công với những dự định của mình!
Thu Hương