Trưng bày "Gan vàng dạ sắt" tri ân các vị tướng Quân đội nhân dân
(Dân trí) - Nhiều hình ảnh, tư liệu về quá trình đấu tranh của dân tộc, được trưng bày tại Nhà tù Hỏa Lò với chủ để "Gan vàng dạ sắt" khiến người xem xúc động.
Sáng 12/12, Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề Gan vàng dạ sắt, nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024).
Gan vàng dạ sắt là câu chuyện về những dấu mốc lịch sử của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam trên chặng đường 80 năm hình thành và phát triển.
Trong không khí xúc động của lễ khai mạc, những chứng nhân lịch sử, các vị lão thành cách mạng, cựu tù chính trị, gia đình của các vị tướng có công với đất nước đã tề tựu tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò để cùng nhau ôn lại về một thời hào hùng của dân tộc.
Tại sự kiện, bên cạnh các tư liệu, hình ảnh và hiện vật quý, các khách mời và du khách còn thực hiện nghi lễ dâng hương, tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò và nghe thuyết minh trưng bày về 3 nội dung: Những dấu mốc lịch sử, Bền gan vững chí và Ký ức không phai.
Khán giả còn được gặp gỡ gia đình của 9 vị tướng với tài năng, đức độ và công lao, đóng góp cho thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967), Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002), Thượng tướng Đinh Đức Thiện (1914-1987), Thượng tướng Song Hào (1917-2004), Trung tướng Vương Thừa Vũ (1910-1980), Trung tướng Vũ Xuân Chiêm (1923-2012), Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907-1967), Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương.
Có mặt tại sự kiện, ông Võ Điện Biên - con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp - xúc động kể về những ký ức thời chiến, những kỷ niệm bên người cha vĩ đại và Tổng bí thư Lê Duẩn.
"Qua triển lãm, tôi càng biết ơn cha mình, biết ơn các chiến sĩ cách mạng. Tôi từng được cha kể về thời gian ông bị giam 1 năm tại Nhà lao Thừa Phủ (TP Huế). Thời gian đó, ông bị giam 15 ngày trong xà lim tối, không có chút ánh sáng nào. Khi được thả ra, cha tôi kể rằng, ông đã suýt bị mù mắt.
Tôi cũng được nghe câu chuyện của bác Lê Duẩn, lúc bị tra tấn về, khi sắp lả đi vì đói, bác được một đồng chí cho 1 con thạch sùng. Bác đã ăn đuôi của nó để bớt đói và có sức tiếp tục đấu tranh", ông Võ Điện Biên kể lại.
Tại sự kiện, các đại biểu và du khách còn được nghe thuyết minh trưng bày, kết hợp với âm thanh bổ trợ, giúp người xem hiểu rõ hơn về tinh thần đấu tranh kiên cường, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.
"Đến với triển lãm lần này, em cảm thấy vô cùng tự hào và xúc động. Đây là cơ hội để em được hiểu thêm về ông nội, các vị tướng và các chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày xưa", Minh Châu nói.
Trưng bày Gan vàng dạ sắt diễn ra đến hết ngày 28/2/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hoàn Kiếm, Hà Nội).