Trò chuyện với nhà văn Lê Lựu

(Dân trí) - “Vấn đề là nhà văn viết làm sao để ai cũng thấy mình trong đó. Vậy nên, có ý kiến bảo Giang Minh Sài là cuộc đời của tôi cũng đúng. Bảo là cuộc đời người khác cũng đúng”, nhà văn Lê Lựu bày tỏ quan điểm như vậy, khi nói về nhân vật chính trong tác phẩm “Thời xa vắng” của ông.

“Thời xa vắng” được ví như cột mốc đánh dấu bước phát triển của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Kỉ niệm đáng nhớ nhất của ông về cuốn tiểu thuyết này?

 

Thời xa vắng viết vào năm 1984, tại Đồ Sơn. Tôi viết trong vòng 3 tháng, tháng 6,7, 8 và nhờ nhà thơ Văn Đạt- nguyên là Chánh văn phòng của Bộ tư lệnh Quân khu 3 cho một người mang máy chữ xuống. Vì bản thảo viết ẩu quá nên tôi ngồi đọc cho “cậu ta”đánh máy. Cậu ta đánh máy rất nhanh. Một ngày đánh được đến 50 trang và đánh giỏi đến mức đêm tối chẳng nhìn thấy gì cả cậu ta vẫn cứ đánh. Cứ như thế, trong vòng 10 ngày đã đánh xong cả cuốn tiểu thuyết. Tuy đánh máy rất nhanh, nhưng khổ nỗi cậu đánh máy lại nói ngọng chữ “n” và “l” nên khi về tôi phải mất công chữa đi chữa lại. Đó là một kỉ niệm đáng nhớ.

 

Một kỉ niệm nữa là, tất cả những người phục vụ ở Đồ Sơn, chỗ tôi ở lúc viết, đều chăm lo cho tôi, từ cô nhà bếp, cô dọn bàn, cô phụ trách phòng... Cơm nước tôi toàn ăn không đúng giờ, rồi những buổi các cô đi cắt cỏ (khi không có khách các bộ phận đều thừa ra), tôi viết đến đâu các cô bắt đọc đến đó. Những độc giả thẩm định đầu tiên Thời xa vắng là những cô bé làm công vụ.

 

Có nhiều nhận xét rằng, Giang Minh Sài (nhân vật chính của Thời xa vắng) đã khắc hoạ chân dung của nhà văn Lê Lựu ở ngoài đời?

 

Có nhiều ý kiến như thế. Thực ra, bao giờ anh viết văn cũng phải tưởng tượng, hư cấu. Nghĩa là bịa. Đã bịa thì không phải là mình. Thế nhưng người ta cứ nhận ra Lựu là thế này: Anh nào viết, bao giờ anh cũng phải rút ruột mình và cách ăn nói của anh như thế nào, cách ứng xử của anh ra sao, cách xử lý các mối quan hệ của anh đều được ứng lại trong tác phẩm của anh. Và người ta cứ nhận ra Lựu, nhưng mà chỉ mỗi mình Lựu cũng không phải. Có rất nhiều người đến nhận với tôi họ là Giang Minh Sài. Vấn đề là nhà văn viết làm sao để ai cũng thấy mình trong đó. Vậy nên, có ý kiến bảo Sài là cuộc đời của tôi cũng đúng. Bảo là cuộc đời người khác cũng đúng.

 

Đây chính là điểm thành công nổi bật của “Thời xa vắng”?

 

Ai viết mà chẳng mong có thành công. Thành công đến đâu là do sự đánh giá của bạn đọc và thời gian. Không ai dám chắc là mình viết cái này hay cái kia dở, mà chỉ biết là khi viết phải cố hết sức, hết lòng mình.

 

Từ một nhà văn chuyển sang làm một ông Giám đốc, có gì khó không, thưa ông?

 

Cái khó là mình chưa hiểu gì nhiều về doanh nghiệp, nhưng cũng có cái dễ. Mình đã là “thằng” nhà văn viết tiểu thuyết, đã từng dựng ra cả một xã hội, từ thằng ăn mày cho đến ông vua. Tôi tưởng tượng ra là có các nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà hội họa chơi với các nhà doanh nghiệp thì nó thích hơn. Hai cái thiếu bắt gặp nhau, một ông thiếu tiền, một ông thiếu sự sang trọng chơi với nhau, thì đó lại là cái thuận lợi.

 

Dự án Làng Du lịch Văn hóa Việt Nam ở Hưng Yên đến đâu rồi? Nhiều người cho rằng, đó là bước phiêu lưu của nhà văn, ông thấy sao?

 

Chúng tôi đang chuẩn bị đền bù tiền đất cho bà con nông dân. Dân chúng ở đây đồng ý và ủng hộ Dự án này 100%. Là một Trung tâm của nhà nước, nhưng mọi kinh phí đều tự chúng tôi phải trang trải. Vấn đề là những ý tưởng. Những ý tưởng đó là hoàn toàn có lợi, biết mở ra tương lai thì người ta hoàn toàn ủng hộ.

 

Chuyện Phạm Thu Hằng dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2005, có ý kiến là Trung tâm đã vượt mặt Bộ Văn hóa- Thông tin. Ông có thể nói rõ quan điểm của mình về vấn đề này?

 

Không có chuyện ai vượt mặt ai cả. Chúng tôi làm là được sự đồng ý của Sở Văn hóa- Thông tin Hà Nội. Chúng tôi cũng đã xin phép Bộ nhưng Bộ không cho đi, Hằng cũng đã đi. Tôi nghĩ là chúng ta phải ra thêm một luật nữa bởi con người có quyền tự do của riêng họ. Tại sao lại cấm? Của anh đâu mà anh cấm? Hằng là một người đẹp. Việc Hằng đi thi cũng đã đem lại vinh quang cho Việt Nam. Đây cũng là một việc mà báo chí thời gian qua làm không đúng và các nhà quản lý ở các nơi không có tầm.

 

Xin cảm ơn nhà văn!

 

Đôi nét về nhà văn Lê Lựu

Ông sinh ngày 12/12/1942 tại Khoái Châu, Hưng Yên. Là con út (thứ 8) trong một gia đình nhà Nho nghèo, Lê Lựu thuộc lớp nhà văn quân đội ra đời và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Truyện ngắn đầu tiên của ông là “Tết làng Mua” (1964), sau đó là: Trong làng nhỏ, Người cầm súng... Các tiểu thuyết nổi tiếng: Mở rừng (1977), Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1993), Sóng ở đáy sông (1994)...

 

Hiện, ông là Giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam.

 

Sông Lam