1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Trò chuyện với "đại gia Cao Thanh Lâm"

Cởi mở và thân mật, Việt Anh khiến người ta có cảm giác như đã quen anh từ lâu. Anh cho biết rất xúc động trước sự quan tâm của đông đảo khán giả dành cho sê-ri phim truyền hình “Chạy án” cũng như vai diễn "đại gia quota" Cao Thanh Lâm của anh trong phim.

Anh đến với bộ phim “Chạy án” như thế nào?

Rất tình cờ. Một buổi chiều đẹp trời, tôi bỗng nhận được cú điện thoại của đạo diễn Vũ Hồng Sơn gọi đến nói là muốn gặp.

Chú Sơn biết tôi qua một người bạn làm bên khâu sản xuất phim. Sau buổi gặp, chú nói: “Mày phải làm phim này đấy”. Tôi chưa dám trả lời ngay vì chưa đọc kịch bản. Đến khi đọc kịch bản xong thì lại thấy hơi “hoảng” vì đây là một vai tương đối góc cạnh và là một vai lớn. Trước đó, chưa bao giờ tôi nghĩ là sẽ đảm nhận một vai lớn như vậy. Ban đầu tôi định từ chối, nhưng sau khi đã tham khảo ý kiến của các anh chị trong nghề và đặc biệt là NSƯT Hoàng Dũng - thày dạy tôi trong khóa đào tạo diễn viên truyền hình, thì thày bảo là nên làm, có thể đó sẽ là một vai diễn để đời. Sau khi đã cân nhắc thì tôi đã nhận lời, thực sự là hơi liều một chút, nhưng may mắn là không đến nỗi tệ lắm.

Trong phim, khó diễn nhất đối với anh là cảnh nào?

Chắc là những cảnh nghiện hút. Thực sự thì tôi chưa hài lòng lắm với những cảnh này. Thông thường một người lên cơn nghiện được hít thuốc sẽ trải qua các giai đoạn lên xuống từ từ. Nhưng do phim không có nhiều thời gian nên khi lên cơn thì nghiện ngay, khi hít xong thì hết nghiện liền, khiến đôi chỗ khán giả thấy không được thật lắm. Hơn nữa, mình cũng không có nhiều cơ hội để đi thực tế nên chủ yếu là xem tư liệu và tưởng tượng.

Anh có thể kể lại kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm bộ phim này?

Một kỷ niệm… hơi buồn. Đó là cảnh Lâm lên cơn nghiện trong trại và được các bác sĩ châm cứu để cắt cơn. Cảnh đó được quay ở một trại tạm giam thật và tôi phải nằm lên chiếc giường khám bệnh cho các bệnh nhân HIV. Tôi chấp nhận chuyện đó vì đóng phim là phải dấn thân. Nhưng vấn đề là không có người châm. Tìm mãi mới được một ông bác sĩ trong bệnh xá nhưng ông ấy nói: “Tôi châm được nhưng mà lâu lắm rồi không làm” khiến mình lạnh gáy. Biết đâu ông ta châm nhầm phải một cái huyệt nào đó dẫn đến tai biến hay méo mồm thì chết.

Vấn đề ở đây là đoàn làm phim không có đủ kinh phí để đảm bảo cho an toàn 100% khi diễn, nên diễn viên không thể yên tâm làm việc. Tôi đã không đồng ý diễn cảnh đó trong khi đạo diễn cứ một mực yêu cầu làm. Trong đoàn cũng không có ai chịu đóng thế nên cuối cùng cảnh đó bị cắt. Sau chuyện này, giữa tôi và đạo diễn cũng có bất đồng một chút nhưng mọi việc đã ổn thoả trở lại.

Sau khi đóng phim xong, cuộc sống của anh có thay đổi gì so với trước?

Cũng bình thường thôi. Tuy nhiên, khá nhiều người nhận ra tôi và họ nói: “Anh nghiện kìa” hay “Con trai ông thứ trưởng kìa”. Điều này chứng tỏ vai diễn của tôi cũng đã ít nhiều gây ấn tượng đối với họ đấy chứ.

Anh đã gặp trường hợp nào các fan chạy theo và có biểu hiện thái quá?

Chạy theo xin chữ ký hoặc đề nghị chụp ảnh chung thì có nhưng hành động thái quá thì tôi chưa gặp. Khi mới làm xong phim, tôi từng nói với chú Sơn: “Cháu nghĩ là bộ phim sẽ ấn tượng đấy”. Nhưng thật không ngờ, hiệu quả của nó còn lớn hơn so với mức tôi tưởng tượng.

Vừa rồi ra Hà Nội công tác, các anh ngoài đó nói với tôi: “Ở đây, ông có cả một fan club gồm những người từ 60 trở lên”. Điều đó cho thấy những người ở độ tuổi này quan tâm rất nhiều đến các vấn đề xã hội, như cuộc sống của những kẻ làm ăn bất hợp pháp, những quan chức tha hóa. Bộ phim có lẽ đã “gãi đúng chỗ ngứa” của khán giả. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã phần nào đóng góp được cho điện ảnh VN cũng như phim truyền hình. Thực ra phim truyền hình hoàn toàn có thể lôi kéo được khán giả nếu nó đảm bảo được tính chân thực, thời sự và nếu có điều kiện thì đảm bảo hình ảnh đẹp hơn. Tuy vẫn có những lời chê nhưng một bộ phim không thể nào chỉ toàn được khen. Tôi tin rằng trong tương lại, khi phim được nhiều phía hỗ trợ hơn thì có thể nó sẽ ngày càng đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của khán giả.

Công việc của anh hiện nay là gì?

Tôi đang công tác tại văn phòng Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại và đào tạo của tập đoàn Mai Linh. Công việc hiện tại là xây dựng một dự án về trung tâm giải trí. Dự án sẽ mở tại Hà Nội trước và sau đó là TPHCM. Bên cạnh đó, tôi cũng đang lên ý tưởng xây dựng một bộ phận Mai Linh media, hỗ trợ các hoạt động truyền thông cho công ty cũng như làm dịch vụ cho các công ty khác.

Tôi đã học về maketing tại trường ĐH Kinh tế quốc dân HN. Công việc ở Mai Linh hiện nay hoàn toàn phù hợp với năng lực và tính cách hướng ngoại của tôi.

Nếu nhận được lời mời đóng phim tiếp thì anh sẽ sắp xếp như thế nào?

Tôi sẽ phải cân nhắc kỹ vì còn có việc ở công ty nữa. Nếu vai diễn làm cho hình ảnh của mình đẹp lên, vô hình chung cũng tốt cho hình ảnh công ty, thì tôi sẵn sàng và Ban lãnh đạo cũng sẽ sẵn sàng tạo điều kiện cho tôi. Không phải làm ở đây rồi thì không thể làm phim nữa, tuy nhiên tôi sẽ phải cân nhắc kỹ hơn.

Nếu phải lựa chọn giữa kinh tế và điện ảnh, anh sẽ chọn bên nào?

Nếu đơn thuần chỉ là sự chọn lựa theo sở thích thì những nghệ sĩ như tôi đều khẳng định chọn điện ảnh. Nhưng lại có một câu hỏi khác là liệu anh có thể sống với nó không, thì câu trả lời là 50/50. Chắc chắn là người nghệ sĩ đến với điện ảnh là vì đam mê thôi chứ nó không thể nuôi mình được. Bất cứ diễn viên nào cũng đều phải có công việc thứ hai vì cần phải có hậu phương đảm bảo thì mới có thể dấn thân trên con đường nghệ thuật. Nếu như VN có một cơ chế đầu tư nhiều hơn cho những người làm nghệ thuật thì sẽ còn rất nhiều tác phẩm hay ra đời. Lúc đó nghệ sĩ sẽ sẵn sàng bỏ mọi việc để tập trung vào vai diễn. Còn hiện nay, họ luôn phải băn khoăn giữa nghệ thuật với vấn đề cơm áo gạo tiền. Một diễn viên Hollywood có khi chỉ cần diễn một vai để đời thôi là có thể nuôi được họ cả đời, nhưng VN thì không thể có chuyện đó, thậm chí đóng xong một bộ phim lại còn phải bù thêm tiền nữa.

Một chút về bản thân anh?

Tôi năm nay 27 tuổi. Gia đình ngoài Hà Nội có bố mẹ và anh trai.

Tại sao anh lại chuyển vào sống tại TPHCM?

Tôi nghĩ đó là một cái “duyên”. Bằng giờ này năm ngoái, tôi vẫn chưa có ý định sống ở trong này. Tình cờ gặp cô bạn gái nhân một chuyến vào chơi TPHCM rồi phải lòng luôn. Cô ấy đang làm ở Trung tâm tin tức Đài truyền hình thành phố. Đầu năm 2006, tôi quay trở lại đây theo tiếng gọi của tình yêu. Đến giờ phút này, tôi thấy cái “duyên” rất quan trọng. Tôi đến với điện ảnh là một cái duyên, làm việc tại Mai Linh là một cái duyên và gặp cô bạn gái cũng là một cái duyên nữa. Tất nhiên cũng phải tính đến năng lực. Điều tôi muốn nói là năng lực có thể chiếm đến 80, hay 90%, nhưng nếu thiếu 10% cái duyên thôi thì mọi thứ cũng có thể trở thành con số không.

Khi nào anh chị làm đám cưới?

Chúng tôi sẽ làm đám cưới vào đầu năm 2007. Nhưng tôi hy vọng là tình cảm của khán giả dành cho sẽ không phụ thuộc vào việc tôi có bạn gái hay có gia đình chưa (cười).

Theo Kim Vân
Vnexpress