1. Dòng sự kiện:
  2. "Viết tiếp câu chuyện hòa bình"
  3. Bê bối của diễn viên Kim Soo Hyun

Trò chuyện cùng dịch giả của "Hoa đỗ quyên đỏ"

(Dân trí) - Trước đây, độc giả biết đến nhà văn Nguyễn Bản như một người viết truyện ngắn tài hoa. Nhưng mấy năm vừa qua, Nguyễn Bản chăm chỉ hơn với công việc dịch thuật. Độc giả vẫn đang chờ đợi sự trở lại của ông với những cuốn tiểu thuyết thấm đẫm xúc cảm.

Thưa ông, các cuốn sách do ông dịch mới đây là ngẫu nhiên hay một lựa chọn mới mà ông đang… lao theo?

 

Ngẫu nhiên thôi. Tôi đã từng dịch thuê “tạp nham” đủ loại bằng tiếng Anh như: tài liệu kỹ thuật, những truyện trinh thám cho NXB Công An như Vụ giết người trên chiếc thuyền hoa, Những kẻ giết người bệnh hoạn, Trước toà pháp đình để kiếm tiền.

Thực sự đáng gọi là văn học dịch thì mới chỉ có mấy cuốn: tập truyện ngắn Dưới một mặt trời hung bạo, tiểu thuyết Hoa đỗ quyên đỏ, Ba người lính ngự lâm (dịch lại), Trà hoa nữ (dịch lại, chưa in) và mới đây là Người đua diều. Và tất cả đều là tình cờ.

 

Và điều tất yếu đã đến với một người viết đó là viết ít đi và dịch nhiều hơn?

 

Đúng là mấy năm gần đây tôi viết ít, mỗi năm chỉ viết một truyện ngắn. Truyện gần nhất là Đình thiêng... và cũng đã một năm rồi. Dịch sách Hoa đỗ quyên đỏ, Người đua diều được thả hồn đồng hành cùng tác phẩm cũng chẳng khác gì... viết. Tôi tin nếu mình không phải là nhà văn không thể có được sự đồng cảm với tác phẩm sâu sắc đến thế.

 

Tiểu thuyết “Hoa đỗ quyên đỏ” và “Người đua diều” đều viết về cố hương trong xa cách và nỗi nhớ, có điều gì giống nhau giữa hai tác giả này cũng như cách lựa chọn cầm bút của họ?

 

Giống nhau giữa Hoa đỗ quyên đỏNgười đua diều ở chỗ cả hai đều là tác phẩm đầu tay, đều được viết ở Mỹ, và đều thành công xuất sắc. Hoa đỗ quyên đỏ được trao ngay giải thưởng văn học Carl Sandbug của Mỹ ngay sau khi xuất bản, và được coi là sách bán chạy trên quốc tế. Đến nay Hoa đỗ quyên đỏ đã được trên 20 nước mua bản quyền.

Còn Người đua diều đã được trên 20 nước mua bản quyền và dịch, nhiều tờ báo bình chọn là sách hay nhất trong năm và tờ Penguin/Orange reading group bình chọn là sách hay nhất của năm 2006.

 

Ngoài ra, cả hai đều viết về số phận những con người trong thảm cảnh quê hương đất nước. Ở Hoa đỗ quyên đỏ là đại cách mạng văn hóa vô sản, ở Người đua diều là cuộc xâm lăng của ngoại bang, nội chiến giành giật quyền lực.

 

Theo ông, một nhà văn, một người cầm bút cần ra nước ngoài để nói được tiếng nói của lòng mình tốt hơn hay ra nước ngoài chỉ để “ăn non” một vài tác phẩm...

 

Câu hỏi này khiến tôi chợt nhớ đến chuyện Vua Ly tai lừa. Anh thợ cắt tóc cho vua cấm không được tiết lộ đôi tai của vua nếu không muốn bị mất đầu. Nhưng biết làm thế nào, đó là sự thực hiển nhiên. Đành đào một cái hố thật sâu, chui xuống hét to: Vua Ly tai lừa!

 

Anchee Min không thể viết Hoa đỗ quyên đỏ trong nước, Khaled Hosseini không thể viết Người đua diều ở Afghanistan dưới ách thống trị tàn bạo cua Taliban, nhà văn đôi lúc cũng rơi vào trường hợp anh thợ cắt tóc này.

 

Ông có thể nhận xét về cách viết của hai tác giả này, và theo ông người cầm bút trẻ ở Việt Nam so với họ hiện còn thiếu một điều chăng?

 

Anchee Min viết Hoa đỗ quyên đỏ trong nhiều năm và hoàn thành khi ông 37 tuổi. Khaled Hosseini viết xong Người đua diều năm 38 tuổi. Cả hai còn đều rất trẻ. Tuy trẻ nhưng họ đều có tầm kiến thức sâu rộng về mọi mặt, cái nhìn sắc, và muốn thoát khỏi khuôn sáo về văn hóa, lịch sử của đất nước mình. Cả hai vừa là nạn nhân và nhân chứng của thảm sử. Kiến thức và trải nghiệm, tôi cho đó là những yếu tố cần thiết nhất của một nhà văn.

 

Nghề viết cũng lắm vui buồn, vui vì nhìn thấy đứa con tinh thần xuất hiện và buồn hơn khi “đứa con” của mình bị cắt xén tuỳ tiện? Có lúc nào người dịch nằm trong trường hợp như của người viết không?

 

Truyện Giá trị mới, tôi viết năm 1960 đăng trên tuần báo Văn học (tiền thân của báo Văn nghệ) đã được nhà xuất bản ngoại văn dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh. Khi đó, mở đầu câu chuyện, tôi viết: “Chuyện xảy ra trên một chuyến tàu đêm cuối năm ngoái”. Chẳng biết do in nhầm thành ... “đêm cuối cùng năm ngoái”. Cuối cùng bị dọn vườn trên báo văn học về sự ngớ ngẩn của từ “cùng”.

 

Truyện Ánh trăng câu kết là “Liệu chị có cho là tôi yêu chị không”. Khi viết tôi đã cân nhắc rất kỹ giữa hai từ “và” và “liệu”, “và” là khẳng định mất rồi, còn “liệu” có nghĩa là còn chưa chắc chắn cả về phía mình và phía chị. Vậy mà lại bị thay thành từ “và”....

 

Còn dịch xin kể một chuyện thôi. Truyện Dưới mặt trời hung bạo vì dịch sát tiếng Anh (Under a cruel sun), một truyện tình giữa gã đầy tớ mới 16 tuổi và bà chủ nhà hiền hậu đã có con và chồng - một gã đàn ông hung bạo. Khi đến lĩnh nhuận bút, tìm mãi không thấy tên, mở báo ra mới biết đã bị đổi thành Nắng chói. Ít lâu sau tôi phàn nàn với thư ký toà soạn, anh bảo: “Tổng biên tập bảo em chữa đi như thế đấy.”

 

Độc giả vẫn chờ tác phẩm của ông, và sắp tới ông viết tiếp truyện ngắn hay tiểu thuyết?

 

Tôi không dám nói trước điều gì. Tôi sợ nhất sự bội hứa. Nếu NXB Công an Nhân dân mua được bản quyền cuốn Nữ hoàng phong lan của Anchee Min tôi sẽ dịch tiếp. Sau đó tôi nhất quyết không dịch thêm gì nữa, để viết cuốn Tàn canh bị mất một phần. Còn truyện ngắn nếu có cũng rất ít thôi.

 

Cảm ơn nhà văn Nguyễn Bản và chúc ông có sức khoẻ dồi dào!

 

Nhà văn Nguyễn Bản sinh năm 1931 tại Bắc Ninh, ông từng dạy học và viết văn tại quê nhà. Về hưu ông chuyển hẳn xuống Hà Nội. Ông ít khi xuất hiện trong đám đông mà lặng lẽ mỗi sớm, một chiều bên bàn đọc và viết.

 

Ông có những quan niệm sống và viết rất riêng. Vì sống khá lặng lẽ tại một ngõ nhỏ của Hà Nội nên văn của ông phảng phất cô đơn, tiềm ẩn xúc cảm số phận con người trong đường đời, đường tình.

 

Các tác phẩm chính của ông gồm: 6 tập truyện ngắn in riêng và nhiều tuyển tập in chung. Ông cũng là tác giả dịch thuật các cuốn tiểu thuyết như Ba chàng ngự lâm, Trà hoa nữ, Hoa đỗ quyên đỏ, Dưới mặt trời hung bạo, Người đua diều…

 

Nguyễn Văn Ninh